QĐND - Từ đầu năm 2015 đến nay, tại một số địa phương liên tiếp xảy ra những vụ đuối nước thương tâm, mà nạn nhân chủ yếu là trẻ em. Đuối nước đang là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong các loại “tai nạn thương tích đối với trẻ em”. Riêng tỉnh Đắc Lắc 4 tháng đầu năm nay đã có 8 trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước. Theo thống kê của ngành chức năng,  năm 2014, toàn tỉnh Đắc Lắc xảy ra 884 trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích với 66 trường hợp tử vong, trong đó có 63 trường hợp tử vong do đuối nước.

Sở dĩ tai nạn đuối nước gây tử vong cao ở trẻ em là bởi nước ta có hệ thống sông, suối, ao, hồ, kênh rạch chằng chịt. Trong khi đó, công tác phòng, chống, cảnh báo tại những nơi nguy hiểm, dễ xảy ra tai nạn đuối nước chưa được quan tâm đúng mức. Mặt khác, phần lớn trẻ em nước ta chưa được trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản về bơi lội; chưa có kinh nghiệm trong phòng, tránh và xử lý tình huống khi xảy ra tai nạn đuối nước. Đa phần trẻ em bị tai nạn đuối nước không biết bơi; không được trang bị áo phao, phao bơi khi vui đùa, di chuyển trên những vùng sông nước. Khi trẻ em tắm, chơi đùa trên sông nước thường thiếu sự quản lý, hỗ trợ của người lớn... 

Trước thực trạng đáng báo động nêu trên, những năm gần đây, vào kỳ nghỉ hè, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đắc Lắc phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức mở các lớp dạy bơi miễn phí cho từ 300 đến 400 trẻ em. Tỉnh còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng tránh tai nạn đuối nước trên hệ thống truyền thanh ở khắp 184 xã, phường, thị trấn; xây dựng và nhân rộng mô hình “Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em” tại 37 xã, phường, thị trấn. Đây được xem là những hành động thiết thực phòng, chống và giảm tai nạn đuối nước đối với trẻ em ở tỉnh Đắc Lắc.

Để phòng, tránh tai nạn đuối nước hữu hiệu cho trẻ em, về lâu dài, cần đưa chương trình dạy bơi vào trường học, nhất là ở cấp tiểu học và trung học cơ sở. Bản thân mỗi gia đình cần chủ động trang bị cho con trẻ những kỹ năng cần thiết phòng tránh tai nạn đuối nước; chủ động cho các em tham gia những lớp tập bơi, rèn luyện thói quen sử dụng áo phao, phao cứu sinh và những vật dụng tiện ích khác trong phòng tránh, xử lý tình huống khi vui đùa, bơi lội trên sông nước. Tại những nơi có nguy cơ cao về tai nạn đuối nước, cần quan tâm xây dựng biển báo, biển cấm, rào chắn; bố trí lực lượng canh gác và phương tiện ứng trực để kịp thời xử lý tình huống. Các địa phương nên triển khai nhân rộng mô hình “Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em” như tỉnh Đắc Lắc đã và đang làm.

Trẻ em trong cả nước đã bắt đầu kỳ nghỉ hè. Đây là thời điểm dễ xảy ra tai nạn đuối nước... Các địa phương chủ động tổ chức các lớp dạy bơi, rèn luyện kỹ năng sơ cứu, cấp cứu và đào tạo đội ngũ giáo viên dạy bơi cho trẻ. Bên cạnh đó, để giúp các em có kỳ nghỉ hè vui tươi, bổ ích, phòng tránh tai nạn đuối nước, các ngành chức năng, các tổ chức xã hội, đoàn thể, gia đình và nhà trường cần phối hợp tổ chức nhiều hoạt động vui chơi tập thể lành mạnh, an toàn cho trẻ.

KIỀU BÌNH ĐỊNH