QĐND - Trong những ngày nắng nóng vừa qua, khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai mỗi ngày phải khám cho hơn 300 lượt trẻ, chủ yếu từ 2 đến 5 tuổi. PGS, TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi cho biết, đa số trẻ đến khám bị viêm đường hô hấp do nhiễm lạnh. Thời tiết quá nắng nóng, nếu bố mẹ cho trẻ nằm phòng điều hòa nhiệt độ thấp sẽ rất dễ bị nhiễm lạnh, dẫn đến viêm họng cấp, viêm amidan, viêm phế quản và rất dễ bị biến chứng viêm phổi. Vì vậy, để tránh cho trẻ bị viêm đường hô hấp trong thời tiết nóng, không nên bật quạt quá mạnh trực tiếp vào người trẻ. Nếu trẻ ra mồ hôi nhiều thì dùng khăn bông lau khô, nhất là ở lưng; không để chênh lệch nhiệt độ quá cao giữa phòng điều hòa nhiệt độ và bên ngoài (không nên để nhiệt độ chênh lệch quá 5 độ C); hạn chế cho trẻ uống nước đá, ăn kem, ăn thức ăn trực tiếp từ tủ lạnh. Đồng thời bổ sung vitamin, khoáng chất, bảo đảm bữa ăn đủ dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho trẻ. PGS, TS Nguyễn Tiến Dũng cũng lưu ý các bậc phụ huynh, nếu trẻ sốt, cho trẻ uống nước oresol để bù nước và chất điện giải. Nếu trẻ sốt hơn 38,5 độ C, cần cho trẻ uống thuốc giảm sốt, đưa tới khám ở các cơ sở y tế để điều trị kịp thời, tránh để bệnh nặng và các biến chứng nguy hiểm khác.

Một bệnh khác mà trẻ cũng dễ mắc trong những ngày nắng nóng là say nắng. Nếu các phụ huynh phải đưa trẻ ra ngoài đường thì phải có biện pháp che nắng như áo chống nắng, mũ, khẩu trang để tia mặt trời không chiếu vào đầu, gáy và các phần hở trên cơ thể. Các em bị say nắng nhẹ sẽ mệt mỏi, còn say nắng nặng có thể bị rối loạn phản xạ, đôi khi có thể bị co giật. Nếu trẻ bị say nắng cần nhanh chóng đưa trẻ vào chỗ mát và thoáng khí, đồng thời nới rộng quần áo, dùng khăn thấm nước mát đắp vào người trẻ. Cho trẻ uống nhiều nước, có thể cho uống thuốc hạ nhiệt nếu người tỉnh táo. Trường hợp trẻ không tỉnh thì nhanh chóng chuyển tới cơ sở y tế gần nhất.

Trong tháng 6 còn nhiều đợt nắng nóng liên tiếp, PGS, TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo các bậc phụ huynh phải bảo đảm cho trẻ ăn chín, uống sôi, bảo đảm nơi ở sạch sẽ. Nguyên do khi nhiệt độ cao, các loại vi-rút, vi khuẩn, ký sinh trùng gây bệnh, côn trùng truyền bệnh sẽ phát triển mạnh trong thực phẩm cũng như ngoài môi trường, làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm và mắc một số bệnh dịch như sốt vi-rút, tiêu chảy, sốt xuất huyết…

HẢI ANH