Phóng viên (PV): Thưa ông, người dân ở các tỉnh khu vực ĐBSCL, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên đang đua nhau trồng sầu riêng. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Như Cường. Ảnh: NGUYỄN KIỂM

Ông Nguyễn Như Cường: Thời gian qua, người dân ở các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên đua nhau trồng sầu riêng. Mặc dù Bộ NN-PTNT đã khuyến cáo những rủi ro từ tình trạng này, thế nhưng người dân vẫn tiếp tục trồng sầu riêng ở những nơi không có lợi thế, không phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng, thậm chí cả trên đất lúa. Nguyên nhân là do thời gian qua giá sầu riêng xuất khẩu tăng cao đã thu hút người dân trồng ồ ạt. Bài học đắt giá về việc người dân đua nhau, ồ ạt trồng cây cam, cây mít Thái, cây hồ tiêu khiến cung vượt quá cầu thời gian qua ở các địa phương, bất chấp khuyến cáo của cơ quan quản lý, dẫn tới thua lỗ, có vẻ chưa được nghiêm túc rút kinh nghiệm. Giá cam, mít Thái, hồ tiêu giảm mạnh xuống dưới giá thành sản xuất khiến không ít nông dân thua lỗ. Ngành nông nghiệp hay chính quyền địa phương không thể bắt hay cấm người dân trồng cây này hay phải trồng cây kia mà chỉ khuyến cáo dựa trên cơ sở điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và thị trường của từng nông sản.

Việc trồng sầu riêng nói riêng và cây ăn quả nói chung ở những vùng đất không phù hợp sẽ bị tác động bởi các yếu tố bất lợi: Hạn hán, mặn xâm nhập, phèn, tầng nước ngầm, tầng đất canh tác mỏng... Ngoài ra, việc phát triển nóng còn gây ảnh hưởng tới môi trường, vấn đề tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới chất lượng, giá thành sản phẩm.

leftcenterrightdel
Sầu riêng bày bán tại siêu thị BigC Long  Biên, Hà Nội. Ảnh: NGUYỄN NGHINH XUÂN 

PV: Thưa ông, tình trạng trên phải chăng công tác tuyên truyền của chúng ta chưa có hiệu quả?

Ông Nguyễn Như Cường: Đúng là công tác tuyên truyền của chúng ta vẫn còn hạn chế, bất cập nên người dân chưa nhận thức được về tác hại của việc trồng theo phong trào. Do đó, chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để thay đổi nhận thức, thói quen sản xuất của người dân. Việc sản xuất nông sản hay trồng bất cứ loại cây nào đều phải theo định hướng thị trường, lắng nghe lời khuyên của cơ quản quản lý, đội ngũ chuyên gia. Vì nếu không cung sẽ vượt cầu, gây nên nguy cơ ế thừa, rớt giá, gây thiệt hại về kinh tế cho chính người trồng cây. Thay vì chỉ lo tăng diện tích, tăng sản lượng thì cần phải tập trung tổ chức lại sản xuất (hợp tác xã, tổ hợp tác) để xây dựng mối liên kết với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ. Đồng thời phải chuẩn hóa quy trình canh tác, sản xuất, thu hoạch, vận chuyển, chế biến, phân phối để sản phẩm bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Để đầu tư vào cây ăn quả lâu năm, với thời gian khoảng 3 năm, với mức đầu tư hàng trăm triệu đồng/ha thì rõ ràng các địa phương trên cơ sở định hướng chung của Bộ NN&PTNT cần phải xây dựng định hướng, kế hoạch phát huy tối đa lợi thế các loại cây trồng của địa phương, giảm giá thành sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế của mỗi loại cây trồng.

PV: Vậy ông có khuyến cáo gì về vấn đề này?

Ông Nguyễn Như Cường: Sầu riêng là loại cây ăn quả lâu năm, cần phải đầu tư một cách bài bản và nguồn vốn khá lớn, không như những loại cây ngắn ngày. Đặc biệt, việc trồng các loại cây ăn quả để mang lại hiệu quả kinh tế thì chỉ nên trồng ở những nơi có điều kiện đất đai, thổ nhưỡng phù hợp. Cùng với đó, cần phải gắn quy trình canh tác, liên kết sản xuất với sơ chế, chế biến và thị trường. Việc định hướng một ngành hàng, một loại cây trồng không thể chỉ nhìn ở một địa phương mà cần nhìn tổng thể ở quốc gia, căn cứ vào quy hoạch, định hướng của Bộ NN&PTNT và vấn đề cung cầu thị trường trong nước cũng như quốc tế (về số lượng, chất lượng) và giá thành sản xuất. Do vậy, việc phát triển ồ ạt, trồng theo phong trào sẽ gây ra nhiều hệ lụy mà phần thiệt hại chắc chắn sẽ xảy ra đối với nông dân. Các địa phương cần tuyên truyền, định hướng phát triển cho từng ngành hàng của địa phương mình, đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân, đặc biệt những nông dân trồng các loại sản phẩm trong vùng quy hoạch. Hỗ trợ bằng chính sách tín dụng, khuyến nông, kỹ thuật, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng mối liên kết với nông dân thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác. Như vậy, cây hăn quả nói riêng, nông sản nói chung của chúng ta mới mang lại hiệu quả kinh tế thực sự và phát triển bền vững.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

NGUYỄN KIỂM (thực hiện)