Phát triển an toàn, bền vững internet Việt Nam là vấn đề quan trọng, cần sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước.

Việt Nam đứng thứ 12 về lượng người dùng internet 

Ngày 19-11-1997 đã mở đầu trang lịch sử internet Việt Nam. Với những tính năng ưu việt của internet, từ một quốc gia chậm bắt nhịp thông tin so với thế giới, Việt Nam đã vươn lên thành quốc gia phát triển mạnh về viễn thông-internet với công nghệ hiện đại, mức phổ cập internet cao, bắt kịp các nước trong khu vực và trên thế giới. Thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, tính tới tháng 9-2022, lượng người dùng internet ở Việt Nam khoảng 70 triệu người (chiếm hơn 70% dân số). Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng internet cao thứ 12 trên thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia, vùng lãnh thổ khu vực châu Á. Đáng chú ý, hạ tầng băng rộng di động đã phủ sóng 99,73% số thôn trên toàn quốc; 19,79 triệu hộ gia đình có cáp quang, đạt 72,4%. Số thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh là 94,2 triệu; số thuê bao băng rộng di động là 82,2 triệu, tỷ lệ 74,3% dân số.

Đánh giá về những tác động của internet đối với Việt Nam, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng, những tính năng ưu việt của internet mang đến cho Việt Nam nhiều cơ hội và sự đổi mới. Điều nhận thấy rõ nét nhất đó là sự chuyển hóa của xã hội, các mô hình dịch vụ, ứng dụng trên internet đem lại những sự thay đổi thần tốc trong phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa cũng như tri thức cho đất nước. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long khẳng định, sau 25 năm, internet đã trở thành yếu tố thiết yếu trong cuộc sống người dân, trở thành hạ tầng của nền kinh tế, nhân tố quan trọng thúc đẩy công cuộc CNH, HĐH đất nước.

leftcenterrightdel
Khách tham quan gian trưng bày của Trung tâm Internet Việt Nam tại Hà Nội, năm 2022.  

Internet hiện nay không chỉ thúc đẩy kinh tế phát triển mà còn là công cụ hữu ích để hỗ trợ quản lý xã hội, giúp truyền tải nhanh chóng các thông tin, quy định, pháp luật của Nhà nước tới người dân. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của internet cũng kéo theo nhiều mối nguy hại khó lường, có khả năng tác động tiêu cực đến đời sống, thậm chí là an ninh, trật tự xã hội. Với khả năng cung cấp thông tin nhanh, rộng khắp, dễ tiếp cận, internet đang là công cụ hàng đầu mà các thế lực thù địch sử dụng để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Internet cũng là nơi trú ngụ ưa thích của các băng nhóm tội phạm công nghệ cao, được chúng sử dụng để thực hiện các hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản... Mạng xã hội, các ứng dụng, phần mềm trên internet nếu không được kiểm soát có thể gây ảnh hưởng xấu đến người dùng cả về tư tưởng lẫn thể chất, đặc biệt là trẻ vị thành niên-đối tượng dễ bị dẫn dắt, kích động. Chính vì vậy, phát triển internet Việt Nam an toàn, bền vững không chỉ là phát triển hạ tầng, tài nguyên internet mà còn phải xây dựng những cơ chế quản lý internet phù hợp. Điều này cần sự chung tay của cả người dân, cộng đồng doanh nghiệp công nghệ và cơ quan quản lý nhà nước.    

Sử dụng internet để quản lý xã hội

Thế giới đang trong cuộc di chuyển từ thế giới thực vào thế giới số. Internet là hạ tầng thiết yếu, quan trọng của nhân loại, thành tố quan trọng của chuyển đổi số. Nếu trước đây, các nhà quản trị xã hội tìm cách quản lý internet thì hiện nay và giai đoạn tiếp theo, các nhà quản trị sẽ sử dụng internet để quản lý xã hội. Một trong những yếu tố quan trọng đóng góp vào sự vận hành, phát triển của internet là tài nguyên internet (bao gồm: Tên miền quốc gia, địa chỉ mạng, số hiệu mạng). Theo bà Trần Thị Thu Hiền, Phó giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), VNNIC đã xác định các nền tảng, dịch vụ tài nguyên số là yếu tố quan trọng tạo đà phát triển cho hạ tầng internet Việt Nam. Cùng với đó, VNNIC xác định các nội dung chiến lược về thúc đẩy, phát triển tài nguyên internet Việt Nam sẵn sàng cho giai đoạn phát triển bứt phá của internet Việt Nam. 

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam sẽ xây dựng được hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến, dẫn đầu khu vực ASEAN; đến năm 2030, mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc, mọi người dân được truy cập internet băng thông rộng với chi phí thấp. Các tuyến cáp quang biển tại Việt Nam sẽ do Việt Nam xây dựng, dữ liệu tại Việt Nam sẽ do người Việt Nam tạo ra và lưu giữ. Người Việt Nam phải ưu tiên dùng hàng Việt Nam, phải làm chủ hạ tầng số thì mới có chủ quyền số. “Trong giai đoạn tiếp theo, trách nhiệm của ngành thông tin và truyền thông, cơ quan quản lý, doanh nghiệp là xây dựng hạ tầng internet tự chủ về công nghệ, rộng khắp, hiện đại và an toàn. Thúc đẩy và bảo vệ sự an toàn của dòng chảy dữ liệu. Dẫn dắt quá trình tích hợp internet vào mọi hoạt động phát triển kinh tế-xã hội”, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long nhấn mạnh.

Bên cạnh việc phát triển hạ tầng, tài nguyên internet, cần xây dựng giải pháp quản lý phù hợp để hạn chế những tác động tiêu cực của internet đến đời sống xã hội, bao gồm cả giải pháp hành chính, giải pháp kỹ thuật và giải pháp tuyên truyền, giáo dục, trong đó tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức đóng vai trò chủ đạo giúp người dùng internet biết sàng lọc thông tin xấu, tiếp nhận thông tin hữu ích. 

Bài và ảnh: HOÀNG CHUNG