Vậy phát triển DLST ở các VQG, rừng đặc dụng sẽ có tác động như thế nào đối với công tác bảo tồn hệ sinh thái và bảo vệ rừng? Ông Trần Quang Bảo, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có cuộc trao đổi với các cơ quan báo chí xung quanh vấn đề này.

leftcenterrightdel
 Ông Trần Quang Bảo. Ảnh: NGUYỄN KIỂM 

Phóng viên (PV): Thưa ông, hội nghị về quản lý các VQG vừa diễn ra có ý nghĩa thế nào đối với công tác bảo tồn hệ sinh thái và bảo vệ động vật hoang dã?

Ông Trần Quang Bảo: Các hệ thống khu rừng đặc dụng và VQG của Việt Nam có tài nguyên về đa dạng sinh học rất phong phú với nhiều loại động, thực vật đặc hữu quý hiếm. Tuy nhiên, do sức ép của phát triển kinh tế-xã hội, nhiều loại động, thực vật cũng như hệ sinh cảnh của rừng bị xâm lấn.

Chính vì vậy, để tìm ra giải pháp phát triển bền vững các VQG một cách căn cơ, bài bản, Tổng cục Lâm nghiệp đã tham mưu với Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị về quản lý các VQG, trên cơ sở đó chúng tôi đề xuất những giải pháp mang tính định hướng để quản lý tốt tài nguyên động, thực vật của Việt Nam.

PV: Cụ thể, Tổng cục Lâm nghiệp đề xuất những giải pháp gì?

Ông Trần Quang Bảo: Chúng tôi sẽ kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các VQG, đặc biệt là VQG do các địa phương quản lý để hỗ trợ công tác tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng, nhất là phòng, chống, chữa cháy rừng.

Hiện nay, năng lực của lực lượng kiểm lâm, đội ngũ nghiên cứu của các VQG và chế độ chính sách cho họ còn nhiều hạn chế. Do đó, Chính phủ cần hỗ trợ các chương trình đào tạo, đào tạo theo đặt hàng, nâng cao năng lực, tăng cường nhân lực cho các VQG. Ngoài ra, chúng tôi cũng kiến nghị bổ sung chính sách để các VQG phát huy tiềm năng, lợi thế về cảnh quan tự nhiên, phát triển DLST.

Thông qua phát triển DLST sẽ tăng nguồn thu cho các VQG để tái đầu tư cho công tác bảo tồn, đồng thời tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt là trẻ em tìm hiểu, thưởng ngoạn được vẻ đẹp của thiên nhiên Việt Nam. Qua hoạt động DLST sẽ giáo dục tình yêu thiên nhiên, yêu động vật hoang dã, góp phần cho công tác bảo tồn của Việt Nam.

leftcenterrightdel
Các em học sinh trải nghiệm thiên nhiên tại Vườn quốc gia Cúc Phương. Ảnh: ĐIỆP HÀ 

PV: Làm thế nào để chúng ta hài hòa giữa phát triển du lịch và bảo tồn hệ sinh thái của các VQG, thưa ông?

Ông Trần Quang Bảo: Hiện Luật Lâm nghiệp quy định rất chặt chẽ về việc phát triển DLST trong các khu rừng đặc dụng, đặc biệt là các VQG. Chính sách hướng tới là làm sao phát triển được DLST để tăng nguồn thu, đồng thời tạo điều kiện cho các cộng đồng dân cư sống gần VQG, rừng đặc dụng có được việc làm, tạo sinh kế cho người dân thông qua những hoạt động du lịch. Cũng thông qua giảm sức ép của người dân về sinh kế sẽ tránh được việc hệ sinh thái của rừng bị xâm lấn, gây hại.

PV: Khi phát triển DLST thì sẽ phải đầu tư xây dựng các công trình để phục vụ. Vậy làm thế nào để các công trình phục vụ DLST không gây ảnh hưởng tới các VQG và rừng đặc dụng, thưa ông?

Ông Trần Quang Bảo: Hiện các khu rừng đặc dụng, VQG được chia làm 3 phân khu: Khu bảo tồn nghiêm ngặt, khu phục hồi sinh thái, khu dịch vụ-hành chính. Hệ thống pháp luật lâm nghiệp quy định rất chặt chẽ đối với các công trình phục vụ nghỉ dưỡng chỉ được phép xây dựng ở khu dịch vụ-hành chính và có quy hoạch.

Đối với khu vực bảo tồn nghiêm ngặt, khu phục hồi sinh thái thì không được phép xây dựng nhà, chỉ được mở tuyến đường mòn, có thể được phép xây dựng cáp treo cao không quá 12m, và cũng chỉ xây dựng ở những diện tích không có rừng hoặc không có khả năng phục hồi rừng.

Để phát triển DLST ở mỗi vườn quốc gia đều phải được các cấp chính quyền phê duyệt đề án, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện có chịu sự giám sát của chính quyền các địa phương. Chính vì vậy, chúng tôi tin tưởng phát triển DLST nếu được quản lý, kiểm soát chặt chẽ thì sẽ tạo tiền đề cho phát triển và sẽ không có tác động lớn đến tài nguyên rừng, đặc biệt sinh cảnh hệ động, thực vật.

PV: Thưa ông, bên cạnh DLST, ngành lâm nghiệp sẽ tham mưu với Bộ NN&PTNT đề xuất Chính phủ những phương thức nào để tạo được sinh kế bền vững cho cộng đồng người dân sống gần rừng?

Ông Trần Quang Bảo: Để bảo tồn, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo vệ động vật hoang dã thì một trong những giải pháp lớn chính là phát triển sinh kế cho những cộng đồng đang sống lệ thuộc vào rừng, sống cạnh rừng. Để thực hiện giải pháp này phải có tổng hòa các giải pháp như: Đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm cho người dân.

Đối với lĩnh vực lâm nghiệp nói riêng, Tổng cục Lâm nghiệp đang thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan xây dựng đề xuất trình Chính phủ Đề án phát triển kinh tế rừng đa dụng.

Theo đó, những người dân nhận khoán, tham gia công tác bảo vệ, phát triển rừng thì đều được hưởng lợi từ giá trị về rừng không chỉ là những giá trị trực tiếp mà cả những giá trị gián tiếp như: Dịch vụ môi trường rừng, bán tín chỉ các-bon (CO2), du lịch sinh thái... Với định hướng như vậy những người dân trước đây có hoạt động tác động tới rừng thì sẽ đồng hành với ngành lâm nghiệp bảo vệ rừng. Vì bảo vệ và phát triển rừng sẽ đem lại nguồn lợi, tác động đến sinh kế cho người dân.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

NGUYỄN KIỂM (thực hiện)