QĐND - Tình trạng xói lở tại các cồn (cù lao) trên sông Hậu thuộc địa phận huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng đã xuất hiện nhiều năm nay, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt, sản xuất của hàng nghìn hộ dân. Tình trạng này càng trầm trọng hơn mỗi khi mùa lũ về. Nguy cơ xóa sổ một số cồn vốn rất giàu tiềm năng về cây ăn trái, hoa màu và nuôi trồng thủy sản là hoàn toàn có thật...

Xói lở 10 đến 15 mét mỗi năm

Huyện Kế Sách có trên 5 cồn, trong đó một số cồn lớn, đông dân cư sinh sống như: Cồn Phong Nẫm (xã Phong Nẫm), cồn An Công, An Tấn (xã An Lạc Tây), cồn Mỹ Phước (xã Nhơn Mỹ)... hầu hết các cồn này đều có dấu hiệu sạt lở nghiêm trọng.

Nơi đầu cồn An Tấn, đất bị xói lở đến sát nhà dân.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão huyện Kế Sách, tại các cồn, hiện có trên 50.000 mét đê, đập cần bồi trúc; hơn 2000 mét đê cần di dời, 40 đoạn sạt lở dài 1.200 mét cần xử lý gia cố, tổng kinh phí khoảng 20 tỷ đồng.

Kết quả đề tài “Nghiên cứu các giải pháp chống xói lở khu vực đầu các cù lao sông Hậu tỉnh Sóc Trăng” do Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam thực hiện mới đây cho thấy, tình hình xói lở các cồn trên sông Hậu thuộc huyện Kế Sách đã đến mức báo động, trực tiếp đe dọa đời sống, sản xuất và tính mạng của người dân.

Trong đó, 2 cồn An Tấn (cồn Bàng) và cồn An Công (cồn Cò), tốc độ xói lở tại khu vực mũi của 2 cồn bình quân từ 10 đến 15 mét/năm. Hai bên bờ tả và hữu của cồn cũng đang bị xói lở và dự báo sẽ còn trầm trọng hơn trong những năm tới.

Tại cồn Phong Nẫm, nơi người dân sống chủ yếu dựa vào nguồn cây ăn trái cũng nơm nớp lo âu. Mũi cồn có nơi bị xói lở 15 mét/năm, 2 bên bờ tả, hữu bị khuyết dần từ 5 đến 7 mét/năm, nhiều đoạn bị nước khoét sâu vào tận chân đê, sát nhà dân.

Điều khác biệt theo quy luật bồi, lở của cồn là ngay cả khu vực đuôi cồn cũng lại bị xói lở, khiến diện tích các cồn ngày một thu hẹp dần. Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đưa ra dự báo, nếu không có sự bảo vệ tích cực thì trong khoảng 30 năm nữa cả 2 cồn An Công, An Tấn đều sẽ biến mất trên bản đồ hành chính tỉnh Sóc Trăng.

 Khó giữ được cồn?

Đưa chúng tôi ra mảnh đất còn sót lại gần đầu cồn An Công, ông Nguyễn Văn Sử ngậm ngùi:

- Nơi này lúc trước tui nuôi cá tra, đắp bờ bao, đổ bê tông rất chắc chắn, tốn hơn 300 triệu đồng nhưng rồi cũng bị nước cuốn mất. Dòng chảy mạnh lắm, không có kè gì trụ nổi, những thân dừa to cỡ 1 người ôm đóng xuống cũng chẳng ăn thua.

Khai thác cát bừa bãi trên sông Hậu (đoạn qua huyện Kế Sách, Sóc Trăng) khiến các cồn bị xói lở nặng.

Ông Võ Tấn Đạt, Bí thư chi bộ ấp An Tấn thở dài:

- Thiên nhiên ngày càng khắc nghiệt, dòng chảy của sông Hậu trước đây vốn hiền hòa, vậy mà giờ thay đổi gây bao thiệt hại cho dân. Chưa đến mức vỡ đê nhưng công sức, tiền bạc của Nhà nước và nhân dân tập trung vào gia cố, nâng cấp đê điều hệt như... đổ sông đổ biển.

Ông Đạt cho biết thêm, tình trạng xói lở cồn ngoài tác động của tự nhiên, một phần còn do con người tác động. Tháng 6 vừa qua, bức xúc trước việc khai thác cát tràn lan của một số doanh nghiệp quanh khu vực, hơn 600 hộ dân ở ấp An Tấn và cồn Phong Nẫm đã ký đơn kiến nghị tập thể gửi các cấp chính quyền tỉnh Sóc Trăng yêu cầu có biện pháp ngăn chặn.

Trao đổi với chúng tôi về khả năng “giải cứu” những cồn đang bị xói lở nặng nề nhất, ông Dương Quốc Việt, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Sóc Trăng cho rằng đây là việc làm vô cùng khó khăn.

Cái khó, theo ông Việt, không phải do địa phương thiếu kinh phí, hoặc không muốn đầu tư, mà cái chính là đầu tư bao nhiêu cũng bị dòng nước cuốn trôi. Ông Việt phân tích:

- Không ít tiền của, công sức của Nhà nước và nhân dân đã đổ vào rồi, nhưng chẳng những không giữ được mét đất nào mà mỗi năm, diện tích đất cứ thu hẹp dần do tình trạng xói lở ngày càng nghiêm trọng. Hiện tại, địa phương khuyến cáo người dân đang sinh sống, sản xuất trên cồn không nên xây dựng nhà ở kiên cố, mà chỉ nên xây dựng các công trình tạm để phục vụ sản xuất.

Cũng theo ông Việt, ngành chức năng khuyến cáo, trong những năm trước mắt, địa phương sẽ không tiến hành xây dựng các công trình kiên cố có quy mô lớn như: Hạ tầng kỹ thuật điện, đường sá, trường học... nơi khu vực xói lở nặng thuộc các cồn nói chung mà đặc biệt là 2 cồn An Công, An Tấn. Và như vậy, sự thiệt thòi trước mắt vẫn do người dân gánh chịu.

 Bài và ảnh: Hồng Bỉnh Hiếu