 |
PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ (bìa phải) kiểm tra tình trạng của bệnh nhân |
QĐND Online – Ở giữa phố Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) yên bình, có một bệnh viện đặc biệt, nơi đẩy lùi các bệnh về lao, phổi - một trong những bệnh nan y với sức “công phá” xuyên thế kỷ, hiện vẫn là mối quan ngại toàn cầu, được mệnh danh là “bạn đồng hành của HIV/AIDS”…
Mặc dù Việt Nam là nước được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao mô hình phòng, chống lao nhưng cuộc chiến chống căn bệnh này còn rất cam go. Phóng viên báo Quân đội nhân dân điện tử đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư -Tiến sĩ, Thầy thuốc ưu tú Đinh Ngọc Sỹ, Giám đốc Viện lao và Bệnh phổi Trung ương, về câu chuyện phòng chống các bệnh lao, phổi ở Việt Nam hiện nay.
PV: Xin PGS.TS cho biết mức độ nguy hiểm của bệnh lao nói riêng, các bệnh về phổi nói chung đối với đời sống cộng đồng hiện nay?
PGS. TS Đinh Ngọc Sỹ: Năm 1882 nhà bác học Đức R.Koch phát minh ra trực khuẩn gây bệnh lao, từ đó vi khuẩn được mang tên ông. Cho tới mãi khoảng giữa thế kỷ 20 các thuốc chữa lao có hiệu lực ra đời (streptomycin, IMT hay isoniazid, PAS...). Bệnh lao đã không đáng sợ, có thể chữa khỏi được. Nhưng đến đầu thập kỷ 70-80 của thế kỷ trước lại xuất hiện nhiều người mắc lao nặng, bệnh diễn biến kéo dài, cuối cùng dẫn đến tử vong. Sau đó, mãi cuối thập kỷ 70-80 đó, các nhà bác học lại phát minh nhiều thuốc lao có hiệu lực mạnh khác, không những diệt được vi khuẩn lao mà còn “tiệt khuẩn” (tiêu diệt tận gốc).
Nhưng lịch sử lại lặp lại. Ngày 24/3/1992 kỷ niệm 100 năm ngày R.Koch tìm ra trực khuẩn lao, Hiệp hội chống lao thế giới (HHCLTG) đã than phiền: bệnh lao không những không bị khống chế mà trái lại còn có nguy cơ bùng nổ trở lại! Thực tế hiện nay đã chứng minh nhận định đó. Bệnh lao đã phát triển, gia tăng ở mọi nước trên thế giới “Bệnh lao có ở một nơi thì sẽ có ở mọi nơi” (WHO 24/3/2007). Bệnh lao đồng hành cùng với các bệnh làm suy giảm miễn dịch như HIV/AIDS, tiểu đường, các bệnh siêu vi...
Ngoài gây bệnh lao ở phổi, vi khuẩn lao còn gây bệnh lao ở nhiều cơ quan khác nhau như: Lao hạch, lao màng phổi, lao màng bụng, lao xương khớp, lao màng não, lao màng màng tim, lao da, lao ruột, gan, tiết niệu sinh dục... Hiện nay người dân hiểu về bệnh lao rất hạn chế, nên quá coi thường, tưởng là “ho gió”, “ho thuốc lào, thuốc lá” không chịu đi khám bệnh. Đến khi xảy ra các biến chứng như ho ra máu, tràn khí màng phổi, có thể suy kiệt, suy hô hấp... mới đến khám, lúc đó bệnh đã muộn, phổi bị đục ruỗng nhiều hang hốc... chữa rất khó khăn, cuối cùng là tử vong, nếu có chữa tích cực may ra mới được cứu thoát, nhưng để lại nhiều di chứng: khó thở, suy tim... không còn sức lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Người mắc bệnh lao phổi ho khạc ra đờm có chứa vi khuẩn lao là nguồn lây bệnh chủ yếu cho cộng đồng.
Một người mắc bệnh lao phổi nếu không được điều trị, mỗi năm có thể làm lây bệnh cho ít nhất từ 10 đến 15 người khác. Theo WHO, bệnh lao đang là vấn đề khẩn cấp toàn cầu. Mỗi năm trên thế giới có thêm gần 9 triệu người mắc lao (trong đó có 1 triệu là trẻ em) và gần 2 triệu người chết do lao. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người mắc lao cao trên thế giới. Mỗi năm Chương trình Chống lao quốc gia phát hiện được gần 100.000 bệnh nhân lao mới. Mỗi ngày có 420 ca bệnh mới được báo cáo. Mặc dù Chương trình phòng chống lao của Việt Nam đã tiến hành trong nhiều năm qua và đã đạt được những kết quả nhất định, song chúng ta vẫn còn là 1 trong 22 quốc gia có tỷ lệ bệnh lao cao nhất thế giới (80% số bệnh nhân lao trên toàn cầu thuộc 22 quốc gia này). Việt Nam xếp thứ 13 trong 22 nước trên, đứng thứ 3 ở cChâu Á, sauTrung Quốc và Phi-líp-pin…
PV: Thời gian qua, vấn đề phòng, chống lao ở nước ta đã được quan tâm và đạt được kết quả ra sao, thưa ông?
PGS. TS Đinh Ngọc Sỹ: Thời Pháp thuộc, có tới trên 70-79% người Việt Nam nhiễm lao. Những năm chiến tranh, tình hình bệnh lao vẫn khá phổ biến. Dấu ấn thể hiện bước ngoặt trong công tác chống lao ở Việt Nam là sự ra đời của Viện Chống lao vào năm 1957. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, khi đó là Thứ trưởng Bộ Y tế - người đặt nền móng và có vai trò chỉ đạo to lớn cả về chuyên môn lẫn tư tưởng trong công tác chống lao, đã đưa ra định hướng rất đúng rằng: Không thể giải quyết bệnh lao chỉ bằng thành lập các bệnh viện, mà chủ yếu phải chữa bệnh trong cộng đồng, xây dựng mạng lưới phòng, chống lao. Định hướng xuyên suốt ấy đã giúp ngành y tế Việt Nam có hướng đi đúng ở những năm về sau, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, chúng ta đã có chương trình phòng, chống lao quốc gia. Chính phủ Việt Nam đã có cam kết rất mạnh mẽ với các tổ chức quốc tế, tập trung nguồn lực cho công tác chống lao trong nhiều năm qua, tập trung nhân lực, tài lực, có các chính sách xã hội cho công tác chống lao... Nhờ vậy, chúng ta đã có một mạng lưới chống lao rộng khắp: 64/64 tỉnh, thành phố đều có tổ chức chống lao; hơn 30 bệnh viện lao trung ương và địa phương; hơn 30 trung tâm, trạm chống lao, khoa lao ở các tỉnh, thành phố; hàng trăm tổ chức chống lao tuyến huyện; hàng ngàn cán bộ chống lao tuyến xã. Từ năm 1995 trở lại đây, Chương trình quốc gia chống lao (CTQGCL) đã được Bộ Y tế đưa thành một trong những chương trình trọng điểm với mục tiêu rất cụ thể: Phát hiện ít nhất 70% nguồn lây mới xuất hiện hàng năm; điều trị khỏi bệnh ít nhất 85%; triển khai chiến lược DOTS trong phạm vi cả nước...
CTQGCL) đã đạt mục tiêu chống lao do WHO đề ra cho những nước có gánh nặng bệnh lao cao: Mỗi năm phát hiện được 80đến 95 nghìn bệnh nhân lao các thể, chữa khỏi cho 95% số bệnh nhân được phát hiện. Chương trình này đã được biểu dương tại các hội nghị quốc tế, được nêu như một mẫu hình để nhiều quốc gia trên thế giới tham quan, học tập.
PV: Những khó khăn, thách thức đặt ra đối với công tác chống lao hiện nay là gì?
PGS. TS Đinh Ngọc Sỹ: Trước đây, người dân có thành kiến với bệnh nhân lao nên người bệnh không dám đến khám, chữa bệnh. Theo kết quả một cuộc điều tra vào năm 2002, có đến 45% người được hỏi sợ không dám nói chuyện và muốn cách ly bệnh nhân lao. Ngay cả các bác sĩ cũng còn kỳ thị người mắc lao: 60,6% không tiếp xúc và 71,3% hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân lao. Nhiều trường hợp còn chuyển ngay bệnh nhân đi khám chuyên khoa khi phát hiện dấu hiệu căn bệnh.
Cũng theo kết quảđiều tra này, chỉ có 83% số người được hỏi biết lao là bệnh lây và 71,9% biết bệnh này lây qua đường hô hấp. Đó là những khó khăn rất lớn cho công tác phòng, chống lao.
Gần đây, đặc biệt từ khi có CTQGCL, các hạn chế này đã phần nào được khắc phục. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn mà trước hết là khó khăn về nguồn lực, đặc biệt là nhân lực. Do đặc thù của nghề nghiệp trong môi trường làm việc độc hại, nguy hiểm nên rất ít y, bác sĩ có nguyện vọng công tác tại các cơ sở chống lao. Hơn nữa, mức bồi dưỡng độc hại trong chuyên ngành đã được thay thế bằng phụ cấp ưu đãi nên đã phần nào làm giảm thu nhập của các cán bộ làm công tác chỉ đạo tuyến chống lao tại cộng đồng. Vừa rồi, chúng tôi đi thực tế tại các tỉnh miền núi như Điện Biên, Hà Giang…, thấy nhiều cán bộ làm công tác chống lao mà cũng nghèo đói, khó khăn không kém gì… bệnh nhân lao, chúng tôi rất thông cảm.
Một khó khăn nữa là đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng cho công tác này. Hiện nay, Viện lao và bệnh phổi Trung ương vừa là tuyến điều trị trung ương, vừa được giao chủ trì CTQGCL, nhưng gần 50 năm nay, cơ sở vật chất hạ tầng vẫn chưa có được một dự án đầu tư, nâng cấp. Trong khi đó, thách thức về nguy cơ phát triển bệnh lao vẫn chưa hết. WHO đánh giá cao mô hình của chúng ta. Nhưng vừa qua, chúng tôi đã thực hiện đợt khảo sát quy mô lớn lần đầu tiên trên phạm vi toàn quốc về bệnh lao, phổi và nhận thấy, thực trạng số người mắc lao ở Việt Nam tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao hơn so với ước tính của WHO. Nước ta hiện là 1 trong 27 quốc gia có bệnh nhân lao đa kháng thuốc. Số lượng bệnh nhân lao có giảm nhưng lại tăng cao ở 2 lứa tuổi gồm lứa tuổi trẻ từ 15-24 tuổi và lứa người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên. Vì vậy, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm, đúng như câu khẩu hiệu của những người làm trong ngành chống lao: “Bệnh lao có ở một thì sẽ có ở khắp mọi nơi!”.
PV: Xin cảm ơn PGS.TS!
NGUYÊN MINH thực hiện