QĐND - Theo báo cáo về xu hướng lao động và xã hội Việt Nam năm 2009-2010 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố cuối tháng 6 - 2010: Tỷ lệ thanh niên độ tuổi 15-24 trong tổng lực lượng lao động sẽ giảm từ 19% trong năm 2010 xuống còn 17,2% trong năm 2015. Dự báo trong 5 năm tới, tạo việc làm có chất lượng cho thanh niên là nhiệm vụ tối cần thiết. Ước tính năm 2015 sẽ có 8,9 triệu thanh niên tham gia hoạt động kinh tế và cần có những hỗ trợ đặc biệt cho quá trình chuyển đổi từ ghế nhà trường sang môi trường làm việc. Việc này đòi hỏi phải tăng cường khả năng tiếp cận của thanh niên với hệ thống hướng nghiệp, thông tin thị trường lao động đầy đủ, hệ thống các cơ sở dạy nghề và chuyên môn nghiệp vụ theo định hướng thị trường.
Nghề nghiệp và việc làm là nhu cầu, mối quan tâm hàng đầu của thanh niên. Trong những năm qua, các cấp bộ Đoàn đã tích cực tổ chức các hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề, tư vấn, giới thiệu và giải quyết việc làm cho thanh niên, góp phần hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp. Năm 2010, có nhiều hoạt động hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, tạo việc làm thông qua hai trung tâm giới thiệu việc làm (GTVL) của Thành Đoàn Hà Nội.
 |
Thanh niên trong độ tuổi lao động rất cần được tư vấn, định hướng nghề nghiệp.
|
Năm 2010, Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển thanh niên Hà Nội đã GTVL cho 3000 lao động (LĐ), tư vấn cho 400 LĐ ở các ngành nghề như: trực tổng đài, vệ sĩ, dệt, may…, giới thiệu thông qua các hình thức: Ngày hội việc làm, tư vấn, GTVL tại trung tâm. Năm 2010, trung tâm đã tổ chức 3 ngày hội việc làm, tham gia tư vấn tuyển dụng và GTVL tại huyện Phúc Thọ, tham gia “Ngày hội thanh niên thủ đô với nghề nghiệp lần thứ II năm 2010”, tổ chức ngày hội việc làm lưu động. Trung tâm phối hợp định kỳ với Trung tâm GTVL số 2 Hà Nội tổ chức các phiên giao dịch việc làm vào ngày 1 hằng tháng tại quận Hà Đông, thị xã Sơn Tây và huyện Mỹ Đức, huyện Hoài Đức. Trung tâm GTVL thanh niên Hà Nội trong năm 2010 cũng đã có nhiều hoạt động hỗ trợ tìm việc cho thanh niên. Năm 2010, trung tâm đã tổ chức 8 phiên giao dịch việc làm thu hút hàng nghìn lao động tham gia. Những hoạt động này đã giúp trung tâm tìm việc làm ổn định cho 4.362 người.
Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển thanh niên Hà Nội phối hợp với một số doanh nghiệp tổ chức các lớp dạy nghề cho khoảng 400 đoàn viên thanh niên ở các huyện Phúc Thọ, Hoài Đức, Thạch Thất, quận Hai Bà Trưng các nghề như mộc, may, làm tóc… Việc phối hợp với các trường cao đẳng nghề, như Simco Sông Đà, Thăng Long… mở lớp đào tạo nghề, giúp nhiều bạn trẻ có nghề. Trung tâm GTVL thanh niên Hà Nội đã tổ chức dạy nghề và liên kết đào tạo cho 1.814 người, tổ chức hội thi “Bàn tay vàng nghề thêu và sơn mài” cho thanh niên. Theo bà Nguyễn Ngọc Trinh - Phó giám đốc thường trực trung tâm GTVL thanh niên Hà Nội, năm 2011 trung tâm tiếp tục có những hoạt động thiết thực trong công tác dạy nghề và GTVL, tham gia đề án hỗ trợ thanh niên Thủ đô trong học tập và tạo việc làm giai đoạn 2010-2015.
Mặc dù có nhiều cố gắng, nhưng hoạt động GTVL của các đơn vị thuộc Thành Đoàn Hà Nội chưa thực sự hiệu quả cao. Nhiều hoạt động vẫn hình thức, chưa thiết thực. Hy vọng sang năm 2011, Thành Đoàn Hà Nội sẽ có những hoạt động sáng tạo, hiệu quả trong lĩnh vực này.
Để làm tốt công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên, nâng cao chất lượng đội ngũ lao động thanh niên và sử dụng có hiệu quả đội ngũ lao động này để phục vụ cho quá trình hội nhập và phát triển, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang phối hợp với Trung ương Đoàn và các bộ, ngành có liên quan triển khai các giải pháp: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng việc làm của thanh niên; Phối hợp triển khai Đề án “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008 – 2015” nhằm góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50% vào năm 2010, trong đó có 32% lao động qua đào tạo nghề; Nâng cao nhận thức của thanh niên về dạy nghề, lập nghiệp; Xây dựng và hoàn thiện chính sách thu hút lao động, chú trọng các chính sách đối với thanh niên có trình độ cao, thanh niên làm việc trong các lĩnh vực mới phù hợp với xu hướng hội nhập, thanh niên nông thôn đến làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất…; Hỗ trợ phát triển thị trường lao động thông qua việc xây dựng và hoàn thiện bộ công cụ về chỉ số thị trường lao động; mô hình dự báo cung – cầu lao động ở Việt Nam, tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường lao động nhằm hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động.
Bài và ảnh: Hà Vũ