Sự phối hợp nhịp nhàng, linh hoạt trong điều hành của các cấp và từng DN đã góp phần duy trì hệ sinh thái phục vụ hoạt động DN, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất, kinh doanh... 

Huy động tối đa nguồn lực cho “3 tại chỗ”

Theo hướng dẫn các cấp và quy định của các địa phương phía Nam như: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An..., DN được phép hoạt động khi đáp ứng vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động với phương châm “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ) hoặc bảo đảm thực hiện được phương châm “1 cung đường-2 địa điểm” (duy nhất một cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi ở đến nơi sản xuất và ngược lại). Nhiều DN đã nhìn nhận phương án trên từ rất sớm nên chủ động triển khai chặt chẽ, hiệu quả. Các DN đã lên phương án tổ chức tốt từ khâu hậu cần như bố trí chỗ ăn, chỗ ngủ và ca làm việc để bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của người lao động.

leftcenterrightdel
Hoạt động sản xuất trong điều kiện phòng, chống dịch cao tại Công ty Cổ phần Kinh doanh Thủy, hải sản Sài Gòn, TP Hồ Chí Minh. 

Gần một tuần qua, ông Trương Tiến Dũng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh Thủy, hải sản Sài Gòn (quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) đã “khăn gói” vào ở cùng với người lao động để thực hiện “3 tại chỗ”. Ông Dũng cho biết: “Là ngành hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, không được để gián đoạn chuỗi cung ứng ra thị trường nên công ty triển khai phương án này từ rất sớm, lúc đầu là lực lượng sản xuất nòng cốt và đến nay bảo đảm gần 50% lao động làm việc “3 tại chỗ”. Công ty đã tận dụng khu vực hội trường, văn phòng, khu tiếp khách... để làm chỗ nghỉ ngơi cho lao động và huy động bộ phận nhà bếp ở lại để phục vụ đủ ba bữa ăn cho người lao động thực hiện “3 tại chỗ”.

Còn tại Công ty Cổ phần Cơ khí xây dựng, Thương mại Đại Dũng (huyện Bình Chánh), DN đã huy động tối đa các nguồn lực, bố trí hội trường, nhà xưởng cho hơn 1.100 công nhân ở 3 cơ sở vừa sản xuất, vừa lưu trú lại công ty. Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn của công ty chia sẻ: “Bên cạnh triển khai phương châm “3 tại chỗ”, hoạt động của tất cả các bộ phận của công ty bảo đảm các quy định PCD của ngành y tế mà còn tuân thủ nhiều điều kiện nghiêm ngặt do DN đưa ra". 

leftcenterrightdel
Hoạt động sản xuất trong điều kiện phòng, chống dịch cao tại Công ty Cổ phần Cơ khí Xây dựng, Thương mại Đại Dũng, TP Hồ Chí Minh.

Là một trong những địa phương tiên phong triển khai phương châm “3 tại chỗ”, đến nay, Long An đã có 260 DN ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp có phương án hoạt động theo phương châm “3 tại chỗ”. Tại tỉnh Đồng Nai, với 32 khu công nghiệp cùng 1,2 triệu lao động, từ đầu tháng 7-2021, nhiều DN đã bố trí nơi ăn, nghỉ cho công nhân ngay tại nhà máy. Còn tại 17 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, đã có gần 600 DN trong đăng ký “3 tại chỗ” với gần 123.900 công nhân. Tỉnh Bình Dương hiện cũng có khoảng 100 DN trong khu công nghiệp thực hiện tốt phương châm “3 tại chỗ” với khoảng 13.200 công nhân. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các DN thực hiện  “3 tại chỗ” đã bố trí người lao động làm việc, tạm trú tại cơ sở sản xuất, kinh doanh đều có sự thỏa thuận thống nhất giữa DN với tổ chức công đoàn cơ sở và người lao động. Các điều kiện ăn ở tại nơi lưu trú của người lao động đều được bảo đảm an toàn trong công tác phòng cháy chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, các điều kiện tối thiểu phục vụ nhu cầu đời sống người lao động. Một số DN triển khai chính sách ưu đãi, hỗ trợ người lao động thực hiện “3 tại chỗ” như: Tăng lương, miễn phí tiền ăn... Nhiều DN chọn thuê khách sạn ở gần công ty cho công nhân lưu trú và bố trí xe đưa đón mỗi ngày... 

Ưu tiên phòng, chống dịch, linh hoạt tháo gỡ vướng mắc

Để DN thực hiện tốt “3 tại chỗ”, các địa phương đã thành lập những tổ hướng dẫn DN, khu công nghiệp trong công tác PCD Covid-19. Nhiều đoàn công tác do lãnh đạo tỉnh, thành phố trực tiếp kiểm tra DN để đối thoại, kêu gọi DN, người lao động cùng hợp tác. Ông Nguyễn Thành Trung, Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cho biết: “Chúng tôi hướng dẫn DN tổ chức thực hiện theo hai hướng: DN đang hoạt động bình thường thì cố gắng xây dựng phương án “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất, kinh doanh; còn DN đã xuất hiện F0, F1 và đã được cơ quan chức năng địa phương khoanh vùng, cách ly y tế thì nếu muốn thực hiện “3 tại chỗ” cần có phương án xét nghiệm định kỳ cho chuyên gia, lao động đăng ký ở lại làm việc và phải xét nghiệm ngẫu nhiên ít nhất 20% lực lượng trong thời gian tiếp theo. Chúng tôi rất đồng cảm, chia sẻ với khó khăn của DN nhưng PCD vẫn phải ưu tiên đặt lên hàng đầu”.

Ông Nguyễn Thành Thanh, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An cho biết thêm: "Tỉnh có hơn 360 DN đăng ký thực hiện "3 tại chỗ". Nơi ở người lao động được DN bố trí dựa trên việc chuyển đổi công năng từ văn phòng, nhà xưởng... Để thực hiện "3 tại chỗ", trong phương án của các DN đều giảm 50-60% nhân sự để hoàn thành tốt các yêu cầu vừa sản xuất, vừa PCD. 

leftcenterrightdel
Bố trí khu vực nghỉ ngơi tại nhà máy của Công ty TNHH Nidec Sankyo, TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh).

Trên thực tế, nhiều DN tại các địa phương phía Nam đã lên phương án bố trí “3 tại chỗ” để thực hiện mục tiêu kép, nhất là các DN sản xuất mặt hàng thiết yếu nhưng để bảo đảm an toàn sản xuất trong tình hình hiện nay là điều thách thức đối với nhiều DN. Trong đó, một vấn đề lớn là phải bảo đảm nguồn nguyên liệu cho sản xuất không bị gián đoạn trong thời điểm các địa phương đều thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg. Cùng với đó, khi các DN đã về đích “3 tại chỗ” ở giai đoạn đầu nhưng muốn duy trì tốt, cần được tháo gỡ kịp thời những vướng mắc. Theo kiến nghị của các DN, nên giãn biên độ xét nghiệm định kỳ cho người lao động bởi khi vào làm việc theo “3 tại chỗ”, người lao động đã được xét nghiệm bảo đảm âm tính và DN có trách nhiệm theo dõi, giám sát PCD của lực lượng này.

Bên cạnh đó, các DN mong muốn, quy định về việc thực hiện “1 cung đường, 2 điểm đến” cần có sự linh hoạt và ưu tiên cho một số ngành nghề đặc thù và quan trọng. Ngoài ra, các DN thực hiện “3 tại chỗ” đang gặp khó trong nguồn cung ứng thực phẩm hằng ngày cho người lao động, nhất là với những đơn vị có số lượng lớn. DN kiến nghị có thể xem xét đề nghị các hệ thống phân phối ưu tiên cung ứng nguồn thực phẩm ổn định cho những DN “3 tại chỗ”. 

Phương châm “3 tại chỗ” được ví như thành trì cuối cùng để bảo vệ DN, người lao động trước dịch bệnh hiện nay. Thực hiện tốt “3 tại chỗ” sẽ giúp DN hoàn thành mục tiêu kép "vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế" thông qua việc bảo vệ sản xuất, bảo vệ công nhân và bảo vệ chính DN. 

Bài và ảnh: HỒNG GIANG