Tăng tốc trong cải cách hành chính

Chất lượng điều hành kinh tế của tỉnh Ninh Bình ngày càng được nâng cao, môi trường kinh doanh thuận lợi, thân thiện, thủ tục hành chính (TTHC) được cải thiện là cảm nhận chung của hầu hết người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.

Đến nộp hồ sơ giải quyết hưởng chế độ ốm đau tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Ninh Bình, bà Hoàng Thị Hà, phường Ninh Khánh, TP Ninh Bình bày tỏ sự hài lòng về thái độ phục vụ của cán bộ công chức Bảo hiểm xã hội tỉnh Ninh Bình. Cán bộ hướng dẫn rõ ràng, tiếp nhận nhanh chóng và hẹn ngày nhận kết quả. Để trả phí dịch vụ tại trung tâm, người dân đóng ở quầy thu ngân với sự hỗ trợ của nhân viên ngân hàng, không đưa trực tiếp cho cán bộ tiếp nhận hồ sơ. Điều này cũng tạo sự minh bạch, công bằng trong quá trình giải quyết TTHC.

leftcenterrightdel
Người dân làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Ninh Bình. 

Sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp tại Ninh Bình cũng được phản ánh rõ nét qua bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023. Năm 2023, chỉ số PCI của tỉnh Ninh Bình xếp thứ 19 với 67,83 điểm, tăng 25 bậc so với năm 2022; tăng 39 bậc so với năm 2021. Tương tự, năm 2023, Chỉ số CCHC (PAR INDEX) của Ninh Bình đạt 88,72%, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 6 bậc so với năm 2022 và tăng 9 bậc so với năm 2021. Điều đáng chú ý, trong 8 lĩnh vực được đánh giá chỉ số CCHC cấp tỉnh, chỉ số "Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC" của Ninh Bình tiếp tục duy trì xếp vị trí thứ 1/63 tỉnh, thành phố. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Ninh Bình duy trì vị trí này. Trong bảng xếp hạng PAPI-bộ chỉ số đo lường và đánh giá tính hiệu quả về quản trị và hệ thống hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam dựa vào cảm nhận và trải nghiệm của người dân về sự hài lòng đối với các dịch vụ công của các cơ quan hành chính nhà nước, năm 2023, chỉ số PAPI của Ninh Bình đạt 44,07 điểm, xếp thứ 14, tăng 4 bậc so với năm 2022. 

Sự tăng hạng vượt bậc của Ninh Bình trên các bảng xếp hạng PCI, PAR INDEX, PAPI cho thấy sự quyết tâm, nỗ lực của tỉnh trong việc nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành của hệ thống chính quyền; từng bước xây dựng chính quyền phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp. Đây cũng là kết quả của nhiều giải pháp, biện pháp quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh CCHC gắn với CĐS, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng và phát triển chính quyền số, CĐS; cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 01 về xây dựng chính quyền điện tử, CĐS đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là một trong những đột phá nhằm thúc đẩy tiến trình CĐS.

Ninh Bình cũng xây dựng Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) để tăng cường cạnh tranh, thi đua về chất lượng thực thi nhiệm vụ giữa các sở, ban, ngành và địa phương. Đặc biệt, việc tăng cường đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với công dân và doanh nghiệp cũng cho thấy những nỗ lực của tỉnh trong chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi chính sách, qua đó tạo điều kiện giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, tạo sức bật cho kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển.

“5 rõ” trong giải quyết nhiệm vụ

Ninh Bình xác định CCHC là giải pháp quan trọng hàng đầu để xây dựng chính quyền phục vụ và kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Thời gian tới, tỉnh Ninh Bình tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ công tác CCHC gắn với CĐS.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh: Quan điểm của tỉnh là để giải quyết tốt nhiệm vụ thì phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả. Từ mục tiêu, chỉ tiêu chương trình công tác năm của tỉnh, các sở, ngành, địa phương phải ra được kế hoạch của mình, thời gian hoàn thành. Để tháo gỡ những vướng mắc liên quan tới các thủ tục pháp luật, các cơ quan phải họp với nhau để bàn, hiểu rõ trình tự thủ tục, phân tích, chia việc để giải quyết dứt điểm từng bước, từng khâu, bảo đảm công việc thông suốt, đúng pháp luật.

Để tiếp tục CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thời gian tới, Ninh Bình tiếp tục rà soát, sắp xếp tổ chức lại bộ máy các cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc. Thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã gắn với tập trung thực hiện Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, từ đó sắp xếp lại không gian lãnh thổ, phân bổ nguồn lực, thu hút đầu tư, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh. Tiếp tục thực hiện nguyên tắc "Lấy con người là trung tâm, cải cách dẫn dắt, công nghệ hỗ trợ thúc đẩy". Theo đó, công tác cải cách TTHC cần gắn với CĐS nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tạo thuận lợi, cắt giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền về CCHC cần tiếp tục đổi mới với hình thức đa dạng, nội dung phong phú, phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể. Trong đó cần tận dụng tối đa các tiện ích của mạng xã hội có nhiều người theo dõi, như: Facebook, YouTube, Zalo, Tiktok... để giải đáp chính sách, hướng dẫn các quy trình, thủ tục thực hiện TTHC và chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm mới, từ đó giúp nâng cao nhận thức, kiến thức cho cá nhân, tổ chức khi giải quyết công việc. Đồng thời cần khuyến khích sự nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, sáng kiến hay về CCHC làm cơ sở áp dụng thí điểm, nhân rộng tại địa phương.

Bài và ảnh: ĐAN THANH  

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.