CPI trong tầm kiểm soát
Báo cáo của Cục Thống kê, Bộ Tài chính cho biết, CPI tháng 6-2025 tăng 0,48% so với tháng trước do giá xăng, dầu và vật liệu xây dựng tăng cao. Bình quân 6 tháng đầu năm 2025, CPI tăng 3,27% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 3,16%. CPI 6 tháng đầu năm nay tăng so với cùng kỳ năm trước do giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,69%, tác động làm CPI chung tăng 1,24 điểm phần trăm. Trong đó, chỉ số giá nhóm thịt lợn tăng 12,75% do nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong các dịp lễ, Tết, tác động làm CPI chung tăng 0,43 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, do giá nhà ở thuê và giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng, giá dịch vụ y tế được điều chỉnh... đã kéo CPI tăng.
 |
Người dân mua hàng hóa tại siêu thị ở Hà Nội. Ảnh: MINH ĐỨC |
CPI là một thước đo quan trọng để đánh giá mức độ lạm phát trong một nền kinh tế. Nếu CPI tăng nhanh chóng, nó có thể dẫn đến lạm phát, làm giảm sức mua của đồng tiền và gây ra những tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Có thể thấy, 6 tháng đầu năm 2025, việc kiểm soát lạm phát của nước ta chịu nhiều áp lực từ các yếu tố bên ngoài và nội tại. Đó là áp lực từ giá hàng hóa thế giới, chi phí sản xuất tăng và tỷ giá USD biến động; cùng với đó, dù góp phần thúc đẩy tăng trưởng các chương trình phục hồi kinh tế, giải ngân đầu tư công, du lịch tăng trưởng mạnh... cũng đã tạo sức ép lạm phát gia tăng. Tu
y vậy, nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ linh hoạt, kiểm soát tín dụng hợp lý và công tác điều hành giá chủ động của Chính phủ đã giúp giữ vững kỳ vọng lạm phát trong xã hội. “Trong nhiều sức ép đẩy giá tăng nhưng CPI 6 tháng đầu năm 2025 vẫn được kiểm soát thành công. Thành công đó nhờ sự phối hợp chính sách chặt chẽ và linh hoạt. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, ổn định và không tạo cú sốc theo hướng đi trước một bước nhưng không thắt chặt quá mức”, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Theo bà Nguyễn Thu Oanh, Trưởng ban Thống kê dịch vụ và giá, Cục Thống kê, CPI trong nửa đầu năm 2025 cho thấy lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát. Điều này cũng phản ánh hiệu quả của chính sách điều hành kinh tế vĩ mô linh hoạt và thận trọng, đồng thời dư địa để kiểm soát lạm phát trong thời gian còn lại của năm vẫn còn khá lớn và tạo thuận lợi cho điều hành chính sách trong nửa cuối năm.
Xuất hiện nhiều biến số khó lường
Dù còn dư địa để kiểm soát lạm phát như kỳ vọng, song các chuyên gia kinh tế cũng đưa ra những cảnh báo tác động đến lạm phát trong 6 tháng cuối năm. Trên phạm vi toàn cầu, lạm phát vẫn chịu nhiều sức ép. Giá dầu có xu hướng tăng trở lại do bất ổn địa chính trị và việc OPEC+ tiếp tục cắt giảm sản lượng. Giá vận chuyển quốc tế leo thang, giá lương thực biến động do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu... Chính sách thuế quan của các nước lớn có nhiều thay đổi, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ gặp nhiều thách thức trong nửa cuối năm 2025. Những yếu tố này khiến giá hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là nguyên vật liệu có khả năng tăng mạnh.
 |
Người dân mua hàng hóa tại siêu thị ở Hà Nội. Ảnh: MINH ĐỨC |
Việt Nam với đặc điểm phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, sẽ chịu tác động trực tiếp của biến động giá hàng hóa thế giới, ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên. Cùng với đó, đồng USD tăng giá làm tăng chi phí nhập khẩu, gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước. Một yếu tố khác cũng có thể gây sức ép lên giá cả trong 6 tháng cuối năm 2025 là việc cung tiền và tín dụng tăng mạnh.
Với định hướng tăng trưởng tín dụng 16% trong cả năm 2025, đồng thời Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước duy trì lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng GDP đạt ít nhất 8%, nhiều khả năng cung tiền sẽ tiếp tục tăng nhanh và gây sức ép lên giá cả. Ngoài ra, các chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế, thúc đẩy giải ngân đầu tư công và sự phục hồi mạnh của ngành du lịch có thể làm gia tăng áp lực cầu kéo-một nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến lạm phát.
Kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá hàng hóa
Năm 2025 là năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Kiểm soát lạm phát không chỉ là nhiệm vụ kinh tế mà còn là điều kiện tiên quyết để ổn định đời sống của người dân, đồng thời bảo đảm ý nghĩa của mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025. Để kiểm soát lạm phát năm 2025, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, công tác điều hành giá từ nay đến cuối năm cần tiếp tục chủ động, linh hoạt và sát sao. Việc giữ ổn định tỷ giá, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và tài khóa, cũng như kiểm soát giá dịch vụ công là những điều kiện tiên quyết để CPI không vượt khỏi tầm kiểm soát.
Nêu gợi ý, các chuyên gia cũng khuyến nghị, Chính phủ cần duy trì chính sách tiền tệ thận trọng, kiểm soát tăng trưởng tín dụng hợp lý, tránh tình trạng bơm tiền quá mức có thể gây ra áp lực lên lạm phát. Ngân hàng Nhà nước cần linh hoạt sử dụng các công cụ thị trường (mua/bán ngoại tệ, lãi suất) để giữ ổn định tỷ giá, hạn chế sự mất giá của VND nhằm kiềm chế lạm phát chi phí đẩy từ hàng nhập khẩu. Bà Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Cục Thống kê đề xuất, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo những nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm bảo đảm nguồn cung, bình ổn giá trong nước.
Cùng với đó, bảo đảm thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là các mặt hàng chiến lược có khả năng bị ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và xung đột căng thẳng địa chính trị; theo dõi sát diễn biến giá cả của các mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, thịt lợn, xăng, dầu, gas...) để có giải pháp điều hành phù hợp và chủ động chuẩn bị các nguồn hàng, tránh để xảy ra hiện tượng tăng giá bất hợp lý, tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường.
VŨ DUNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.