QĐND Online – Chiều 12-6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Vũ Luận đăng đàn trả lời chất vấn về những vấn đề “nóng” hiện nay của ngành giáo dục, đào đạo…

Biên soạn SGK mới theo đúng tinh thần chỉ đạo

Có ý kiến cho rằng sách giáo khoa (SGK) hiện hành, Bộ GD&ĐT đã thử nghiệm dạy mỗi lớp 4 năm vậy mà chương trình SGK hiện hành chưa phải suôn sẻ. Trong đợt biên soạn chương trình SGK mới này, Bộ GD&ĐT chỉ chủ trương dạy thử nghiệm những nội dung mới và giao việc lại do các tổ chức cá nhân biên soạn thực hiện. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) chất vấn “Bộ trưởng cho biết liệu kết quả thử nghiệm do tác giả thực hiện công bố có bảo đảm tính chính xác, khách quan không nhất là khi kết quả đó chịu tác động của sự cạnh tranh? Thứ hai là làm sao cử tri yên tâm chất lượng và tính khả thi của bộ chương trình SGK mới này?”.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) chất vấn.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: Việc biên soạn chương trình sách giáo khoa đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Quốc hội, là đổi mới nhưng không bỏ cái cũ mà kế thừa những tinh hoa đã có, bổ sung hoàn thiện những cái thiếu, chưa đáp ứng, loại bỏ những quá tải, không phù hợp. Nên những cái đã thực nghiệm tốt thì giữ lại, không cần thực nghiệm nữa.

Những cái mới bổ sung thì cần thực nghiệm, giao cho các tác giả triển khai vì người viết nắm được ý đồ thực hiện, có một Hội đồng gồm các nhà khoa học, chuyên gia... thẩm định. Việc trực tiếp thao tác, triển khai trên thực tế do các tác giả làm trên lớp, có một quy trình, đánh giá khách quan của các tổ chức có uy tín. Đây là một trong những yêu cầu trong quá trình triển khai, quá trình nghiên cứu để đi đến nội dung ý tưởng làm tài liệu trình lên Trung ương ra quyết định, huy động các nhà khoa học, nhà giáo trong và ngoài nước cùng góp sức.

Quá trình Bộ GD&ĐT tham khảo các chương trình giáo dục tiên tiến của các nước cũng nhận được sự giúp đỡ của các nhà khoa học Việt Nam và nước ngoài. Cơ chế này sẽ được tiếp tục duy trì trong biên soạn sách và chương trình.

Cùng chất vấn về vấn đề này, đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) đặt vấn đề về việc triển khai chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý ngành giáo dục để phục vụ cho triển khai chương trình SGK mới, “theo Bộ trưởng, giải pháp nào trong những giải pháp trên làm cho chủ trương triển khai SGK mới đạt hiệu quả tốt nhất?”

Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, cả ba nội dung này và còn nội dung nữa là tổ chức quản lý ở nhà trường và quản lý ngành rất quan trọng, cần thiết, cần triển khai đồng bộ, không được phép coi nhẹ một nội dung nào.

Theo kinh nghiệm của Việt Nam và của thế giới, con người là yếu tố quan trọng, thầy cô giáo đóng vai trò rất quan trọng trong giáo dục, nên cần chú trọng việc đào tạo lại, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trịnh Ngọc Thạch về vấn đề đào tạo, bồi dưỡng giáo viên chuẩn bị cho chương trình, SGK mới, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Đề án đào tạo bồi dưỡng giáo viên, có hai việc: Đào tạo và đào tạo lại đội ngũ đáp ứng chuẩn chương trình mới. Nội dung này chúng tôi đang xây dựng. Cũng không thể nhanh được vì phải có chương trình, SGK mới để xem xét lại, giáo viên đã có gì, còn gì thiếu để đào tạo, bổ sung.

Những phát sinh khi thi tốt nghiệp THPT theo cụm

Kỳ thi quốc gia đã nhận được sự đồng tình của đông đảo người dân nhưng cách tổ chức thi theo cụm chưa nhận được sự đồng thuận cao của xã hội. Báo cáo của các địa phương, đặc biệt là các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cho thấy tỷ lệ học sinh chỉ đăng ký thi để lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT còn rất lớn, có nhiều tỉnh tỷ lệ chiếm 50%. Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình) đề nghị: Bộ trưởng làm rõ chất lượng đào tạo giáo dục phổ thông ở miền núi vùng dân tộc thiểu số đang ở mức độ nào, tại sao các cháu không đủ tự tin tham gia kỳ thi quốc gia để tiếp tục học lên ở trình độ cao hơn;  liệu có lấy đi cơ hội vào đại học (ĐH) của học sinh miền núi, dân tộc thiểu số hay không? như vậy, có thực hiện được chiến lược nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phát triển đội ngũ trí thức cho vùng miền núi vùng đồng bào dân tộc thiểu số hay không?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Kỳ thi THPT quốc gia 2015, các thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT sẽ thi tại dịa phương - cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì. Theo báo cáo của các tỉnh, đều thi tại huyện. Về cơ bản, thí sinh không có gì khó khăn hơn so với các kỳ thi trước đây.

Với học sinh dự thi THPT quốc gia với 2 mục đích là xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH, CĐ sẽ thi tại cụm thi do các trường ĐH chủ trì. Trước đây, khi đi thi ĐH, học sinh phải về Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các thành phố lớn hoặc đến dự thi tại 4 cụm: Quy Nhơn, Vinh, Cần Thơ, Hải Phòng, như vậy, phải đi quãng đường rất xa. Với cách đổi mới kỳ thi như năm nay, học sinh sẽ đi thi gần hơn vì đã bố trí thành 38 cụm thi trên cả nước.

Thí sinh không chỉ giảm quãng đường mà giảm cả số lần đi thi, vì năm nay chỉ phải thi một lần để vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Với học sinh miền núi, vùng khó, Chính phủ đã có quy định về chế độ ưu tiên, ưu tiên khu vực, ưu tiên theo đối tượng... Các phương tiện truyền thông cũng có nói đến việc nhiều ưu tiên như vậy, có cháu 3 -4 điểm cũng có thể đỗ vào ĐH. Chúng tôi thấy rằng, việc đào tạo cán bộ cho vùng khó là nhiệm vụ chính trị nên phải tuyển các cháu; sau đó, có chương trình dự bị, bổ túc giúp các cháu nắm chắc kiến thức để học ở bậc học cao hơn.

Đổi mới kỳ thi lần này, chúng tôi quán triệt các thầy cô giáo, các nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục nhận phần khó khăn về mình, tạo phần thuận lợi tối đa cho học sinh. Có thể thấy với kỳ thi THPT quốc gia, số lần đi thi, bài làm, khoảng cách đi đã giảm đi. Các cháu có kết quả thi rồi mới cân nhắc lựa chọn trường có khả năng trúng tuyển.

Với các cháu chỉ đăng ký thi tốt nghiệp, không đăng ký thi ĐH thì vẫn có cơ hội vào ĐH. Bởi thực hiện tự chủ ĐH theo Luật Giáo dục ĐH, các trường được tuyển sinh riêng. Hiện rất nhiều trường đã có phương án tuyển sinh riêng.

Trả lời về vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức thi THPT quốc gia theo cụm, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Việc tổ chức thi theo cụm đã được triển khai 13 năm tại 3 cụm Cần Thơ, Quy Nhơn và Vinh; cách đây 3 năm, triển khai thêm cụm thi tại Hải Phòng. Năm nay, triển khai tại 38 cụm thi, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã có quá trình làm việc với tất cả các tỉnh, địa phương, trao đổi kỹ với các đồng chí lãnh đạo địa phương, sau đó có dự kiến đặt điểm thi.

Đến thời điểm này, UBND các tỉnh, thành phố đã vào cuộc rất quyết liệt; các sở, ban ngành có liên quan cũng tham gia tích cực vào quá trình này, chủ động bố trí điều kiện tốt nhất cho thí sinh. Nhiều tổ chức chính trị, xã hội cũng tham gia vào việc này để lo việc đi lại, chỗ ở, ăn uống... cho thí sinh. Có thể nói, những vấn đề phát sinh khi tổ chức thi theo cụm đã được lường trước, tính toán trước khi triển khai.

Đánh giá học sinh theo Thông tư 30 có những kết quả tích cực

Đánh giá học sinh đi học theo Thông tư 30 năm học vừa qua còn trái chiều nhất là việc khen thưởng cuối năm của các trường có trường khắt khe, có trường lại quá rộng. “Bộ trưởng nhìn nhận vấn đề này như thế nào?”, đại biểu Nguyễn Văn Minh (TP Hồ Chí Minh) chất vấn.

Bộ trưởng phân tích: Việc chuyển từ đánh giá học sinh tiểu học bằng kết quả điểm, sang đánh giá thường xuyên bằng nhận xét kết hợp với điểm thi cuối năm là một bước chuyển phù hợp với thực tế đang triển khai tại các nước phát triển, phù hợp với thay đổi động lực học tập của các cháu, từ học vì điểm số sang học để hình thành kỹ năng, phẩm chất con người trong quá trình phát triển.

Quá trình này được nghiên cứu, tiếp thu với kinh nghiệm quốc tế và sự hỗ trợ từ WB và nhiều chuyên gia, đã triển khai thí nghiệm, thực nghiệm trong 3 năm tại hơn 1.000 trường. Trong quá trình triển khai đồng loạt có xuất hiện một vài trục trặc nhỏ: Như nơi khen thưởng khắt khe quá, nơi nới rộng quá, gia đình không biết điểm số của các cháu. Chúng tôi sẽ có chấn chỉnh.

Qua thăm dò trên các phương tiện truyền thông và nắm được của Bộ GD&ĐT, thấy được học thêm dạy thêm giảm đi. Đây là yêu cầu của Kết luận 51 của Trung ương giao Bộ, nhờ việc này đã giảm được; cân chỉnh lại động lực học tập của các cháu; tránh việc phân loại các cháu, nếu cháu nào học yếu hơn bạn thì dẫn đến tự ti, chán học, bỏ học, cháu được điểm giỏi thì chủ quan…

“Chúng tôi đang tiếp tục lắng nghe để có điều chỉnh, tập huấn cho giáo viên, lãnh đạo các cấp để giải quyết các vướng mắc về đánh giá học sinh tiểu học mà đại biểu nêu và Bộ nắm được”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận bày tỏ.

XUÂN DŨNG