Đánh giá đúng tình hình và tính chất, mức độ của những khó khăn, thách thức này sẽ giúp các bộ, ngành, địa phương cũng như doanh nghiệp, người lao động có chủ trương, giải pháp phù hợp, hiệu quả biến nguy thành cơ. Báo Quân đội nhân dân trích đăng một số ý kiến về vấn đề này.
Tiến sĩ NGUYỄN MINH PHONG, chuyên gia kinh tế:
Không chủ quan, tự mãn và khai thác tốt hơn các động lực
Là nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam đang đối diện với áp lực điều hành giá, lãi suất, tỷ giá trước xu hướng lạm phát toàn cầu tăng cao và chính sách thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng Trung ương Mỹ và châu Âu (hai thị trường xuất khẩu chính chiếm 41% thị phần xuất khẩu của Việt Nam). Sự cảnh báo nóng gắn với các thách thức về triển vọng kinh tế thế giới và nội lực kinh tế cùng những rủi ro, bất cập trong quản lý thị trường đòi hỏi chúng ta kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; triển khai đồng bộ chương trình phục hồi và các chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, phát triển và nâng cao năng lực thể chế; tính minh bạch và hiệu quả cho thị trường, củng cố tâm lý và niềm tin của nhà đầu tư...
Hơn nữa, thực tiễn cũng đòi hỏi cần có nhiều đột phá thực sự và đồng bộ, thực chất cả ở nhận thức và thể chế trong tháo gỡ điểm nghẽn về ổn định cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu (nổi bật là xăng, dầu) cho sản xuất, đời sống. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường kiểm soát và lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, thị trường tín dụng, thị trường lao động, cũng như trong tái cơ cấu kinh tế. Cùng với đó là định hướng lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng cường thu hút FDI đầu tư mới và chuyển giao công nghệ, thúc đẩy liên kết giữa khu vực FDI và kinh tế trong nước. Tiếp tục đẩy mạnh kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kiểm soát nợ xấu, nợ thuế và chi phí vốn của doanh nghiệp; thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo... Chúng ta cũng cần chủ động khai thác tốt hơn các cơ hội kinh tế gắn với việc tham gia các FTA thế hệ mới. Đặc biệt là tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, chủ động đánh giá các tác động và thông tin dự báo tình hình thị trường hàng hóa trong nước, thế giới, chính sách, quy định mới của các quốc gia đến sản xuất, xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Tăng năng lực phản ứng chính sách và phản ứng thị trường linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, hướng tới hài hòa về cơ cấu hàng hóa, cơ cấu thị trường và cán cân thương mại với từng thị trường, khu vực. Hài hòa giữa các mục tiêu ngắn hạn, dài hạn; hài hòa cơ hội tham gia và hưởng thụ thành quả tăng trưởng; nâng cao hàm lượng đổi mới sáng tạo trong sản phẩm xuất khẩu; xây dựng và phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam. Phát triển xuất, nhập khẩu phải gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành và địa phương theo tinh thần chương trình hành động triển khai chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 theo Quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 19-11-2022.
 |
Du lịch là một trong những điểm sáng của nước ta năm 2022. Trong ảnh: Khách du lịch tham quan công viên châu Á, TP Đà Nẵng. Ảnh: HOÀNG GIANG
|
Để tiếp tục hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 mà Chính phủ đề ra, chúng ta cần phát huy các thành công, không chủ quan, tự mãn và khai thác tốt hơn các động lực từ nền tảng đã có. Đồng thời, chủ động nhận diện và linh hoạt vượt qua các thách thức; vừa chia sẻ niềm vui, tự tin và tự hào, vừa tỉnh táo nhận diện đúng để hành động đúng cả trong kinh doanh, trong quản lý, cả vĩ mô và vi mô, cả trước mắt và lâu dài.
PGS, TS DƯƠNG THỊ HỒNG, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương:
Người dân không chủ quan với dịch bệnh
Trong hai năm 2021 và 2022, nước ta đã triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 lớn nhất từ trước đến nay, đạt được độ bao phủ cao. Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ vaccine mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi và mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trung bình toàn quốc hiện tại vẫn chưa cao. Tỷ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên tại một số tỉnh, thành phố còn thấp. Bên cạnh đó, đã xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là tại nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị. Mặt khác, thế giới xuất hiện các dịch bệnh truyền nhiễm mới, diễn biến phức tạp; nguy cơ xuất hiện các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi luôn hiện hữu. Việt Nam đã phát hiện các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ (nguồn lây từ nước ngoài), dịch sốt xuất huyết vẫn đang diễn biến phức tạp, dịch adenovirus vẫn đang lưu hành.
Chung tay cùng ngành y tế và chính quyền, người dân không nên chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước dịch bệnh. Đồng thời, tiếp tục thực hiện thông điệp “2K (khẩu trang, khử khuẩn)+vaccine+thuốc+điều trị+công nghệ+ý thức người dân và các biện pháp khác”, đặc biệt là coi trọng việc tiêm vaccine nhằm ngăn ngừa bệnh nặng, tử vong; tham gia và vận động người thân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch; tuyệt đối không chủ quan, lơ là với Covid-19.
Đồng chí NGUYỄN TRỌNG LĂNG, Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn:
Quyết tâm khắc phục tồn tại, nâng cao đời sống người dân
Năm 2022, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của UBND huyện, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, các ngành và sự đồng thuận của nhân dân, tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của huyện Ngân Sơn tiếp tục phát triển và đạt nhiều kết quả tích cực trên tất cả lĩnh vực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những khó khăn, hạn chế như: Tình hình vi phạm pháp luật về lâm sản, khai thác khoáng sản trái phép còn xảy ra; vi phạm các quy định về trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn còn cao. Việc thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo còn gặp nhiều khó khăn; các chỉ tiêu về xã nông thôn mới nâng cao, xã đạt chuẩn nông thôn mới, thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới dự ước không đạt kế hoạch. Đặc biệt là tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập của người dân còn thấp, một số thôn chưa có nhà văn hóa thôn, chưa có sân thể thao, chưa có các điểm vui chơi giải trí cho người già và trẻ em...
Quyết tâm khắc phục những tồn tại trên, năm 2023, Huyện ủy, UBND huyện Ngân Sơn xác định tiếp tục huy động mọi nguồn lực xã hội để phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là kinh tế nông nghiệp, nông thôn mới gắn với phát triển văn hóa nông thôn. Trong đó, chúng tôi chú trọng kết hợp đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ nhằm tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Theo đó, trong năm 2023, huyện sẽ phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn huyện so với năm 2022 là 4% trở lên; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia: 94,66%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 98%. Trong phát triển kinh tế nông nghiệp, huyện tập trung trồng các loại cây có thế mạnh như cây dẻ, cây hồi, cây đào, cây lê... Hỗ trợ chăn nuôi đàn đại gia súc (trâu, bò, ngựa) và một số loại vật nuôi có tiềm năng, như: Lợn đen bản địa, ngựa bạch, vịt bầu cổ xanh, gà ta bản địa... Huyện cũng xác định đối tượng ưu tiên để đầu tư phát triển, góp phần thiết thực trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; nhân rộng, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao cung ứng cho thị trường; hình thành các điểm du lịch cộng đồng, từ đó góp phần tạo việc làm ổn định cho người dân, từng bước nâng cao thu nhập hướng tới giảm nghèo bền vững.
Nhà giáo Ưu tú, TS PHẠM XUÂN KHÁNH, Chủ tịch Hội đồng Trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội:
Đáp ứng tốt xu thế, nhu cầu sử dụng lao động
Thống kê quý III-2022 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho thấy, nước ta đang phải đối mặt với thách thức về chất lượng nguồn nhân lực vì chỉ có 11% tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao. Bên cạnh đó, năng suất lao động thấp, năng lực sử dụng ngoại ngữ của lực lượng lao động còn hạn chế... nên có thể sẽ phải chịu sức ép trong vấn đề giải quyết việc làm, gia tăng tình trạng thất nghiệp hoặc thiếu hụt việc làm. Trước sự bùng phát của dịch Covid-19 và xu thế chuyển đổi số toàn cầu, nhu cầu của thị trường lao động trong nước dịch chuyển sang các nhóm ngành sử dụng công nghệ và công nghiệp chế biến, chế tạo, bất động sản, ngân hàng... Sự dịch chuyển này dẫn đến sự đòi hỏi ngày càng cao đối với nguồn nhân lực. Nói cách khác, người lao động có trình độ, kỹ năng hạn chế sẽ chịu tác động mạnh hơn và nguy cơ mất việc cao hơn. Năm 2023, dưới sự tăng tốc của chuyển đổi số, nhiều công việc truyền thống sẽ dần biến mất hoặc bị thay thế, một số vị trí mới sẽ ra đời, áp lực càng gia tăng với người lao động thiếu trình độ, kỹ năng.
Để đáp ứng nhu cầu sử dụng người lao động cũng như yêu cầu ngày càng cao, khắt khe của thị trường lao động, tránh rơi vào cảnh thất nghiệp, người lao động cần: Xây dựng chiến lược phát triển tổng thể và dài hạn. Đồng thời, trong mỗi giai đoạn nhất định, cần xây dựng những chương trình hành động với mục tiêu, định hướng cụ thể (tập trung vào việc phân tích, đánh giá thời cơ, thách thức; những khó khăn, hạn chế và nguyên nhân...) để đề ra mục tiêu, giải pháp cho từng giai đoạn phù hợp với bối cảnh kinh tế-xã hội trong nước, khu vực và quốc tế. Chú trọng phát triển theo chiều sâu gồm trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, khả năng làm việc nhóm và thích ứng trong môi trường cạnh tranh, đa văn hóa...; đẩy mạnh rèn luyện thể chất; nâng cao khả năng giao tiếp, năng lực giải quyết vấn đề xung đột trong quá trình lao động...