Nghĩa tình mùa dịch
Làn sóng bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư khiến TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội. Áp lực tăng giá hàng hóa đè nặng lên vai các DN khi chi phí chống dịch, phương án tổ chức sản xuất "3 tại chỗ" tác động lớn tới chi phí sản xuất.
Khó khăn với DN là nhìn thấy rõ, nhưng bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Ba Huân quyết giữ giá bình ổn, nhất là với mặt hàng trứng gia cầm. Bởi bà nghĩ, trong lúc dịch bệnh, trứng là mặt hàng được ưu tiên lựa chọn, đặc biệt với người dân nghèo.
“Đó là tấm lòng của Ba Huân với bà con nghèo và người dân TP Hồ Chí Minh. Tôi làm nghề này đã hơn nửa thế kỷ, kinh doanh là công việc cả đời chứ đâu phải một, hai tháng. Người dân đang khó khăn như thế mà mình “té nước theo mưa” thì đâu có đặng", bà Phạm Thị Huân bộc bạch.
 |
Tập đoàn Sun Group trao Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) tặng tỉnh Bắc Giang. |
Dịch Covid-19 ập đến khiến cuộc sống của những người nghèo, người yếu thế thêm chật vật với gánh nặng mưu sinh. Chính phủ đã kịp thời đưa ra các gói cứu trợ an sinh xã hội được đánh giá là có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, nhưng thực tế không thể gánh vác hết khó khăn của một bộ phận người dân.
Tự nguyện san bớt gánh nặng đang đè lên vai Chính phủ, dù cũng lao đao vì đại dịch nhưng nhiều DN vẫn sẵn sàng đóng góp tiền của, vật chất, cùng những hành động cấp thiết nhằm ngăn chặn dịch Covid-19. Theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đến nay, Việt Nam đã có hơn 800.000 DN hoạt động, hơn 25.000 hợp tác xã và khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh phi nông nghiệp. Tính một cách tương đối, cả nước có khoảng 7-8 triệu doanh nhân.
“Nét đặc trưng của doanh nhân, DN Việt Nam là tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm với xã hội. Điều này thể hiện đặc biệt rõ khi vừa qua, doanh nhân, DN Việt Nam đã quyên góp tiền và hiện vật trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng, triển khai hàng loạt chương trình thiện nguyện trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. DN, doanh nhân là lực lượng chủ lực trong phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động và thực hiện an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo”, ông Phạm Tấn Công bày tỏ.
Cần có một vaccine về thể chế
Thực tế cho thấy, không phải chỉ thời điểm dịch Covid-19 mà trong tương lai, biến đổi khí hậu, biến động thương mại toàn cầu sẽ ngày càng gia tăng. Chính vì vậy, để tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, Việt Nam nhất thiết phải thúc đẩy khu vực tư nhân năng động, đa dạng.
Đề cập tới giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân (KTTN), ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng: "Trong bối cảnh hiện nay, điều cộng đồng DN mong mỏi chính là “bên cạnh vaccine y tế, cần có một vaccine về thể chế để thúc đẩy nền kinh tế phát triển”.
Ghi nhận ý kiến từ cộng đồng DN nhỏ và vừa, theo ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội, DN kỳ vọng những cơ chế, chính sách để thúc đẩy chương trình đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực khoa học công nghệ
Đồng thời, các DN đều đang chờ đợi một gói kích cầu tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế. Trong đó, DN mong muốn các chính sách hỗ trợ tới đây cần theo hướng tập trung hơn, hỗ trợ thực chất hơn; các gói vay hỗ trợ cần ưu tiên cho khu vực DN nhỏ và vừa và cần đơn giản hóa những thủ tục tiếp cận các chính sách hỗ trợ.
Thực tiễn hơn 35 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, KTTN phát triển rộng khắp trên cả nước; ngày càng khẳng định là một động lực quan trọng của nền kinh tế; tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, tăng ngân sách nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị, an sinh xã hội.
Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định, KTTN là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và tạo mọi điều kiện thuận lợi để KTTN phát triển nhanh, bền vững, đa dạng cả về quy mô, chất lượng. Đây là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, là nền tảng vững chắc để thúc đẩy KTTN ngày càng lớn mạnh, ngày càng đóng góp to lớn vào công cuộc ích nước, lợi dân.
Bài và ảnh: KHÁNH AN