Trong đó, các ý kiến đã nêu bật những đóng góp quan trọng của ngành dầu khí Việt Nam đối với phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh đất nước; đồng thời nhận diện những cơ hội, thách thức cũng như đề xuất các giải pháp để ngành dầu khí tiếp tục phát triển bền vững. Báo Quân đội nhân dân trân trọng trích đăng các ý kiến.

* Ông Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam:

Giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ của người dầu khí

Những bước phát triển của ngành dầu khí thời gian qua luôn có sự sát cánh, kề vai giúp đỡ của quân đội, đặc biệt là các lực lượng Hải quân, Biên phòng, Phòng không-Không quân. Cùng với đó, trong suốt lịch sử ngành dầu khí nước ta, những người làm dầu khí luôn nỗ lực giữ vững phẩm chất của người chiến sĩ. Câu dặn dò của thế hệ trước về bản lĩnh, lòng yêu nước của người dầu khí vẫn luôn được khắc ghi. Để phát triển, ngành dầu khí đã tận dụng mọi cơ hội có được. Tất cả các thềm lục địa của nước ta đều đã được khảo sát, đều có dấu chân của người dầu khí. Một giàn khoan được đặt trên biển chính là lời khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền trên biển của Tổ quốc. Ngành dầu khí đã tận dụng mọi cơ hội cho nhiệm vụ này, trong đó có sự bảo vệ, sát cánh hiệu quả của các lực lượng vũ trang. Điều này cho thấy chất Bộ đội Cụ Hồ trong ngành dầu khí luôn thường trực.

 

Trong thời kỳ đất nước mở cửa, ảnh hưởng của cơ chế thị trường đã có những tác động nhất định đến một bộ phận của ngành dầu khí. Lượng cán bộ, người lao động vào ngành dầu khí rất lớn, văn hóa, truyền thống ngành dầu khí, chất Bộ đội Cụ Hồ trong ngành dầu khí cũng bị ảnh hưởng nhất định. Vấn đề quan trọng hàng đầu được lãnh đạo tập đoàn đặt ra hiện nay là làm tốt công tác tư tưởng. Cần củng cố và lấy lại những điều tốt đẹp của văn hóa dầu khí, đậm chất người lính, bản lĩnh, trí tuệ, sự hy sinh của người dầu khí. Nguồn nhân lực có phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ là tài sản vô giá của ngành dầu khí Việt Nam. Hiện nay, có những nhà máy trong ngành dầu khí hoàn toàn do người Việt Nam vận hành, các giàn khai thác dầu khí giờ cũng phần lớn do người Việt Nam đảm nhiệm. Chúng ta không chỉ làm chủ được công nghệ mà còn đi đấu thầu ra nước ngoài. 

NGUYỄN VŨ (lược ghi)

* PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Tổng biên tập Báo Nhân Dân:

Phải giáo dục tinh thần "thắng không kiêu, bại không nản"

Tôi cho rằng cuộc Tọa đàm "Dầu khí Việt Nam phát triển cùng đất nước" diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 57 năm Ngày truyền thống của ngành Dầu khí Việt Nam, 74 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và thời điểm ngành dầu khí đang đứng trước thách thức mới, thời cơ mới.

 

Báo Quân đội nhân dân mở cuộc tọa đàm này chính là đi trước mở đường, giúp cho bạn đọc cả nước hiểu rõ hơn về ngành dầu khí để đồng hành với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trên chặng đường mới, phát huy thành tựu, vượt qua thách thức, hội nhập sâu rộng với thế giới.

Để phát huy sức mạnh của ngành dầu khí và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, thời gian tới, công tác giáo dục truyền thống cần phải được tiếp tục quan tâm. Thứ nhất, luôn luôn nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí vượt khó khăn và xây đắp niềm tự hào dân tộc của toàn thể cán bộ, nhân viên. Truyền thống của ngành dầu khí là không chùn bước, luôn tìm cách vượt qua khó khăn. Tôi nhấn mạnh, trí tuệ của Việt Nam, của ngành dầu khí rất dồi dào và cần có cơ chế, chính sách để khơi thông nguồn lực trí tuệ này.

Thứ hai, phải phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, ý thức vươn lên làm chủ khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 phải tận dụng tối đa thành tựu khoa học kỹ thuật vào ngành dầu khí. Kỹ thuật của ngành dầu khí rất đặc thù, nó liên quan tới toàn bộ quy trình kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới.

Thứ ba, phải giáo dục ý thức, kết hợp chặt chẽ giữa phát huy nội lực và tranh thủ tối đa ngoại lực. Cuối cùng, phải giáo dục tinh thần "thắng không kiêu, bại không nản", luôn nêu cao tinh thần đại đoàn kết, phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của tập đoàn. Ngoài ra, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện, bổ sung cơ chế, chính sách để tạo động lực mới, sức mạnh mới cho ngành dầu khí. Tập đoàn cần phối hợp tốt hơn nữa với các cơ quan truyền thông, báo chí để làm tốt công tác tuyên truyền, góp phần tạo ra sự nhìn nhận đúng đắn của xã hội về ngành dầu khí.

QUANG ĐỨC (lược ghi)

*  Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng:

Sát cánh cùng ngành dầu khí chính là tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia 

Quân đội đã tham gia xây dựng ngành dầu khí ngay từ giai đoạn đầu tiên của ngành dầu khí. Việc tham gia ngành dầu khí-một ngành mũi nhọn của đất nước chính là góp phần thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược, đó là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do đó, quân đội đã lựa chọn rất cẩn thận những sĩ quan ưu tú để đưa vào ngành dầu khí thực hiện trọng trách này.

 

Theo tôi nghĩ, quân đội tham gia sát cánh cùng ngành dầu khí cũng chính là quân đội đã tham gia bảo vệ chủ quyền trên biển. An ninh dầu khí chính là an ninh quốc gia. Về lâu dài, cần chuẩn bị thế trận quốc phòng toàn dân trên biển, tức là cả ngành thủy sản, ngư dân đánh cá phải cùng tham gia bảo vệ vùng biển của Tổ quốc. Điều đó vừa giúp người dân sản xuất, khai thác nguồn lợi thủy sản vừa tham gia bảo vệ chủ quyền của đất nước. Một vấn đề cũng đang nóng bỏng, đó chính là an ninh môi trường. Tôi nghĩ, ngành dầu khí phải có trách nhiệm phối hợp cùng với quân đội để bảo vệ an ninh môi trường trên biển, chống biến đổi khí hậu. Để làm được điều đó, chúng ta cần phải làm chủ về mặt khoa học-công nghệ, trong đó có những công nghệ tiên tiến của ngành dầu khí.

ANH VIỆT (lược ghi)

* Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam:

Cần thông tin chính xác, khách quan và mang tính xây dựng ngành dầu khí

Ngành dầu khí Việt Nam được đánh giá có tiềm năng vô cùng to lớn. Cùng với đó là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Đây là những thuận lợi to lớn của ngành dầu khí. Tuy nhiên, những mỏ dầu chúng ta khai thác được đang có dấu hiệu cạn kiệt. Ngoài ra, tình hình khu vực Biển Đông không ổn định, giá dầu có lúc xuống thấp, bản thân nội bộ ngành dầu khí gặp khó khăn cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của ngành. Do đó, cán bộ, công nhân viên của ngành cần phát huy bản lĩnh, đoàn kết, đổi mới, hành động, từ đó giữ vững và phát huy vị thế, vai trò của ngành dầu khí trong nền kinh tế.

 

Một trong những giải pháp quan trọng tháo gỡ khó khăn cho ngành dầu khí là vấn đề thông tin tuyên truyền. Thời gian qua, trên báo chí đã đưa nhiều thông tin về ngành dầu khí. Bên cạnh những thông tin vui, tích cực cũng còn có thông tin chưa thật chuẩn xác, tác động đến tâm lý của đội ngũ những người lao động trong ngành. Vấn đề thông tin, tuyên truyền trong thời đại ngày nay là hết sức quan trọng. Việt Nam có đội ngũ 24.000 người làm báo, với 900 cơ quan thông tấn, báo chí trên khắp cả nước. Nếu các cơ quan thông tấn, báo chí nắm bắt được những thông tin cần thiết của ngành dầu khí để chuyển tải đến xã hội một cách chính xác, khách quan bao gồm cả những thách thức cũng như sự cố gắng của ngành thì người dân sẽ nắm rõ bản chất vấn đề hơn; hạn chế được những thông tin chưa thật chuẩn xác, thiếu căn cứ gây ra sự hiểu lầm trong dư luận xã hội. Điều này cần sự nỗ lực từ cả hai phía là ngành dầu khí và những người làm báo trong việc kịp thời cung cấp thông tin và truyền tải thông tin một cách chính xác, đúng đắn và xây dựng.

TRÀ MY (lược ghi)

* Tiến sĩ Trần Văn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội khóa XIII:

Bảo đảm nguồn vốn để ngành dầu khí thực hiện các mục tiêu chiến lược

Ngành dầu khí quốc gia với nòng cốt là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong nhiều năm qua đã có đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, bảo vệ chủ quyền đất nước. Tầm quan trọng, vị trí, vai trò của ngành đã được khẳng định trong nhiều nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị.

Theo báo cáo mới đây của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, chỉ tính riêng giai đoạn từ năm 2015 đến nay, mặc dù có lúc giá dầu thô giảm mạnh, chỉ bằng khoảng 30% so với giá dầu trung bình giai đoạn 2010-2015, nhưng nộp ngân sách Nhà nước hằng năm của PVN vẫn chiếm tỷ trọng 9-11% tổng thu ngân sách Nhà nước và chiếm 16,5-17% tổng thu ngân sách Trung ương. Tập đoàn cũng đóng góp khoảng 10-13% GDP của cả nước.

 

Vừa qua, khi tham gia đoàn khảo sát của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội làm việc tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và một số đơn vị thành viên, tôi nhận thấy việc hoàn thiện thể chế cho ngành dầu khí theo tinh thần các nghị quyết của Đảng thực hiện rất chậm và đây có lẽ là nút thắt lớn nhất vì quy mô hoạt động dầu khí từ thượng nguồn đến trung nguồn, hạ nguồn yêu cầu sự đồng bộ, hài hòa, thống nhất của nhiều luật gắn với phân công, phân cấp quản lý và cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư.

Chúng ta phải xác định dầu khí là một ngành kinh tế đặc biệt, ngành công nghiệp ưu tiên do tính chất thiết yếu quan trọng đối với quốc gia, gắn kết phát triển kinh tế-xã hội với quốc phòng, an ninh, có tác động và ảnh hưởng lan tỏa đối với xu hướng phát triển của toàn ngành công nghiệp và cả nền kinh tế. Ngành dầu khí rất cần có các chính sách, cơ chế đặc thù, phù hợp với yêu cầu ưu tiên tập trung nguồn lực quốc gia để hình thành và phát triển một số ngành công nghiệp mạnh, có năng lực cạnh tranh quốc tế làm nền tảng để đất nước đi vào giai đoạn phát triển cao hơn, trong đó có bảo đảm nguồn vốn để ngành dầu khí thực hiện các mục tiêu chiến lược, không vì những khó khăn, mất cân đối nhất thời của ngân sách Nhà nước mà cắt giảm nguồn vốn đầu tư phát triển của tập đoàn.

LA DUY (lược ghi)

* TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, Phó trưởng Ban Tuyên truyền lý luận Báo Nhân Dân:

Trong khó khăn cần tìm ra những cơ hội 

Ngành dầu khí Việt Nam đang đứng trước một số khó khăn, như: Nguồn cung đang suy giảm; chi phí thăm dò đắt đỏ hơn, xa hơn, sâu hơn, khó hơn; những bất ổn về an ninh trên Biển Đông; việc giữ chân người tài, phát triển đội ngũ… Để khắc phục những khó khăn này, trước hết cần hoàn thiện quy hoạch phát triển, tìm kiếm, thăm dò, khai thác, bảo đảm ổn định, khả thi; đồng thời xây dựng danh mục các dự án, thu hút đầu tư nước ngoài, hướng đến những nhà đầu tư lớn: Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản...

 

Cần hoàn thiện xây dựng pháp luật về đấu thầu quốc tế. Hiện nay, trong đấu thầu quốc tế vẫn có lợi cho các nhà thầu nước ngoài trong khi những nhà thầu trong nước có năng lực lại không được tham gia hoặc tham gia hạn chế vào các dự án. Do đó, cần cụ thể hóa quy định về đấu thầu quốc tế. Cơ chế về liên doanh hợp tác đa dạng theo hình thức đối tác công-tư (PPP) cũng phải được xây dựng, hoàn thiện. Dầu khí là lĩnh vực nhạy cảm, lâu dài mà những đối tác phải được lựa chọn kỹ càng. Đặc biệt, chú trọng kết hợp quốc phòng với phát triển kinh tế biển, bảo đảm tính khả thi trong khai thác.

Cùng với đó, cần quan tâm tới một số vấn đề, như: Trích lợi nhuận để tái đầu tư và phát triển dự án mới; gia tăng những hoạt động bảo lãnh, vay tín chấp; mở rộng, phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến dầu khí, đa dạng hóa sản phẩm; tạo cơ chế giám sát minh bạch, biện pháp quyết liệt, chống tham nhũng; hình thành nhóm chuyên gia đề xuất, xây dựng cơ chế mới. Cơ chế giá cần bảo đảm tính hiệu quả, hài hòa, hợp lý giữa lợi ích của doanh nghiệp, Nhà nước và xã hội.

NGUYÊN LONG (lược ghi)

* Ông Nguyễn Hùng Dũng, Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam:

Cấp bách hoàn thiện hành lang pháp lý cho ngành dầu khí

Mục tiêu, định hướng phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã được Bộ Chính trị phê duyệt tại Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23-7-2015 và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1748/QĐ-TTg ngày 14-10-2015. Trong đó nêu rõ, mục tiêu tổng quát là phát triển ngành dầu khí thành ngành kinh tế-kỹ thuật quan trọng, then chốt, hoàn chỉnh, đồng bộ, bao gồm tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tồn trữ, phân phối, dịch vụ, xuất nhập khẩu, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết của Bộ Chính trị và quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ: Huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển ngành dầu khí, xây dựng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và các doanh nghiệp hoạt động trong ngành dầu khí có tiềm lực mạnh về tài chính và khoa học công nghệ, có sức cạnh tranh cao, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.

 

Để Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện được mục tiêu chiến lược phát triển ngành dầu khí, vấn đề cấp bách hiện nay là cần khẩn trương hoàn thiện chủ trương, hệ thống chính sách pháp luật cho ngành, bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế và xu thế, bối cảnh hiện tại. Tập đoàn đã báo cáo Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Công Thương trình Bộ Chính trị xem xét ban hành kết luận về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW trong tình hình mới, trong đó nêu rõ nhiệm vụ cụ thể của các ban, ngành. Đồng thời, cần hoàn chỉnh Luật Dầu khí, trong đó điều chỉnh các hoạt động dầu khí trong lĩnh vực thượng nguồn và các khâu trung, hạ nguồn, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và nhà đầu tư tham gia vào chuỗi giá trị của ngành dầu khí, tăng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, cần bổ sung các đối tượng dầu khí phi truyền thống (khí than, khí sét, băng cháy...) vào phạm vi điều chỉnh của luật; bảo đảm nguyên tắc ổn định và không hồi tố của luật... Ngoài ra, cần xem xét tổng thể các luật như: Luật Dầu khí; Luật Đầu tư; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; Luật Đầu tư công; Luật Xây dựng... để có quy định thống nhất. Một số nhiệm vụ, giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, ngành nhưng đến nay chưa hoàn thành, cần được quan tâm hơn nữa, trong đó có việc hoàn thiện thể chế phát triển ngành dầu khí, bảo đảm nguồn vốn, cân đối nguồn lực cho tập đoàn...

MẠNH HƯNG (lược ghi)

* Đại tá Đỗ Phú Thọ, Phó tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân:

Cùng hành động hướng tới xã hội

Do quân đội và ngành dầu khí gắn bó với nhau, Báo Quân đội nhân dân (QĐND) là một trong những cơ quan báo chí tuyên truyền sớm nhất và nhiều nhất về ngành dầu khí. Hàng nghìn bài viết về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam kể cả trong lúc thuận lợi và lúc khó khăn đã được đăng tải trên các ấn phẩm của Báo QĐND. Khi đưa thông tin về tập đoàn, Báo QĐND luôn khách quan, trung thực và theo đúng định hướng của Đảng, Nhà nước, quân đội. Qua các bài viết trên Báo QĐND, dư luận xã hội đã nhìn nhận rõ về đại đa số cán bộ, người lao động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vẫn vững vàng, ngày đêm lao động góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, từ đó động viên cán bộ, nhân viên và người lao động của tập đoàn vững tin vào truyền thống, vào tương lai của tập đoàn...

 

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cùng phối hợp với Báo QĐND tổ chức Cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý" đến nay đã sang năm thứ 10. Cuộc thi đã kịp thời cổ vũ, lan tỏa các tấm gương sáng, những điển hình tiên tiến, góp phần nhân lên nhiều hơn nữa cái đẹp, cái tốt. Ngoài ra, tập đoàn đã đồng hành với Báo QĐND trong các hoạt động xã hội từ thiện, xây dựng nhiều ngôi nhà, trao nhiều phần quà tặng các gia đình nghèo, giúp đỡ những người gặp khó khăn. Sự gắn bó, chia sẻ, giúp đỡ, hợp tác của báo và tập đoàn có vai trò quan trọng, góp phần để cả hai cơ quan hoàn thành tốt nhiệm vụ, vì lợi ích chung của quốc gia, dân tộc.

VIỆT ANH (lược ghi)

* Ông Nguyễn Hiệp, nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam

Ngành dầu khí và những dấu mốc lịch sử

Với tầm nhìn xa, trông rộng, từ năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến lĩnh vực dầu khí khi đến thăm giàn khoan dầu ở Anbani, nhà máy lọc dầu ở Bulgaria.  Trong chuyến thăm Liên Xô năm 1959, khi đến thăm Khu công nghiệp dầu khí Bacu tại Azerbaijan, Người đã đề nghị Liên Xô giúp đỡ Việt Nam khai thác dầu khí. Với sự trợ giúp của các chuyên gia Liên Xô, báo cáo “Triển vọng dầu khí nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa” đã được hoàn thành trong năm 1961. Trên cơ sở báo cáo này, ngày 27-11-1961, Tổng cục Địa chất Việt Nam quyết định thành lập Đoàn Thăm dò dầu lửa 36, tổ chức đầu tiên của Việt Nam có nhiệm vụ cụ thể là tìm kiếm, thăm dò dầu khí. Sau này, ngày 27-11 hằng năm trở thành Ngày truyền thống của ngành dầu khí Việt Nam. Đây là dấu mốc lịch sử đầu tiên.

Ông Nguyễn Hiệp, nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam.

Dấu mốc lịch sử thứ hai là sự ra đời của ngành dầu khí Việt Nam, ngày 3-9-1975, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 170/CP thành lập Tổng cục Dầu mỏ và khí đốt Việt Nam. Sau đó, ngày 9-9-1977, Chính phủ đã quyết định thành lập Công ty Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam (PetroVietnam) để hợp tác với các công ty dầu khí nước ngoài tiến hành thăm dò, khai thác dầu khí. Tuy nhiên, do chính sách cấm vận của Mỹ, các công ty dầu khí của Italia, Đức, Canada rút khỏi các hợp tác với Việt Nam.

Ngày 3-7-1980, Chính phủ Việt Nam và Liên Xô ký Hiệp định hợp tác tiến hành thăm dò địa chất và khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam; ngày 19-6-1981 tiếp tục ký Hiệp định thành lập Xí nghiệp Liên doanh Việt-Xô. Đây được coi là bước ngoặt lịch sử cực kỳ quan trọng cho sự phát triển của ngành dầu khí Việt Nam. Đến ngày 28-6-1986, Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt-Xô đã khai thác được tấn dầu đầu tiên từ mỏ Bạch Hổ, đưa Việt Nam vào danh sách các nước sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ trên bản đồ thế giới.     

Chỉ hơn 2 năm sau khi khai thác tấn dầu thô đầu tiên, ngành dầu khí Việt Nam đã có một đóng góp khoa học cực kỳ lớn cho ngành khai thác dầu mỏ toàn thế giới-khai thác dầu mỏ từ tầng đá móng. Trước đó, dầu khí chỉ được khai thác ở tầng trên với trữ lượng khiêm tốn. Trữ lượng dầu mỏ tầng đá móng chiếm từ 70 đến hơn 80% tổng trữ lượng dầu mỏ ở các mỏ dầu. Bởi vậy, công trình nghiên cứu về thăm dò, khai thác dầu khí trong tầng đá móng đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Một dấu mốc không thể không nhắc đến của ngành dầu khí Việt Nam, đó là sự ra đời của Công ty mẹ-Tập đoàn Dầu khí Việt Nam theo Quyết định số 199/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở tổ chức lại bộ máy quản lý, điều hành, tham mưu giúp việc và các ban quản lý dự án của Tổng công ty Dầu khí Việt Nam. Đây là điều kiện để tập đoàn tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với nhiều tập đoàn và công ty nước ngoài trong thăm dò, khai thác dầu khí cả trong và ngoài nước; tiếp tục phát triển ngành công nghiệp khí; vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất-mắt xích quan trọng đánh dấu việc Việt Nam có một ngành dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ khâu đầu đến khâu cuối.

CHIẾN THẮNG (lược ghi)

* Đại tá, PGS, TS Nguyễn Thái Sinh, Phó chính ủy Học viện Biên phòng

Bộ đội Biên phòng và ngành dầu khí phối hợp bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc

Ngày 8-5-2008, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã ký kết Quy chế số 3215/QC-DKVN về phối hợp công tác bảo vệ an ninh, an toàn dầu khí và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trên biển. Mười năm qua, hai đơn vị đã thực hiện nghiêm túc quy chế phối hợp, đồng thời các đơn vị trực thuộc đã chủ động triển khai ký kết và thực hiện nhiều kế hoạch phối hợp để cụ thể hóa các nhiệm vụ, phù hợp với tình hình các đơn vị, địa phương và khu vực.

Đại tá, PGS, TS Nguyễn Thái Sinh, Phó chính ủy Học viện Biên phòng.

 

Theo đánh giá của hai bên, công tác phối hợp đã đi vào chiều sâu, rất thiết thực, hiệu quả với nhiều hoạt động như: Tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật về bảo vệ chủ quyền an ninh, biên giới biển, đảo cho cán bộ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; tuyên truyền, vận động nhân dân hoạt động trên biển chấp hành pháp luật của Nhà nước, tuân thủ hành lang an toàn dầu khí khi thực hiện đánh bắt cá và khai thác tài nguyên trên biển; bảo đảm an ninh, an toàn cho các dự án dầu khí, nhất là các dự án lớn, trải dài trên nhiều vùng biển rộng; xử lý và khắc phục các sự cố về dầu khí trên biển để tránh thiệt hại xảy ra. Học viện Biên phòng là đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, những năm qua cùng với các cơ quan, đơn vị khác, học viện đã có những hoạt động thiết thực để thực hiện quy chế, thắt chặt mối quan hệ gắn kết giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Bộ đội Biên phòng.

Hoạt động khai thác dầu khí trên biển đã góp phần khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Mỗi cán bộ, nhân viên, người lao động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cùng với những dàn khoan dầu khí là những “cột mốc sống trên biển” gắn liền nhiệm vụ phát triển kinh tế với nhiệm vụ quốc phòng-an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia biển, đảo của Tổ quốc.

HƯNG MẠNH (lược ghi)

* Ông Hồ Công Kỳ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power)

Động lực mới từ công tác cổ phần hóa doanh nghiệp

Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) là đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), đảm nhiệm nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh điện năng. Hiện nay, PV Power đang quản lý và vận hành hiệu quả 8 nhà máy điện với tổng công suất 4.208 MW, trung bình hằng năm sản xuất hơn 21 tỷ kWh điện thương mại. Triển khai chủ trương của Đảng, Nhà nước, Tổng công ty đã thực hiện thành công công tác cổ phần hóa. PV Power đã bán hết số lượng cổ phần trong đợt IPO (chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng) với giá cao, mang lại thặng dư cho nhà nước hơn 2.300 tỷ đồng.

Ông Hồ Công Kỳ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam.

 

Để đạt được thành công trong công tác cổ phần hóa, PV Power đã tuân thủ tuyệt đối các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện. Đồng thời, tranh thủ sự ủng hộ của Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các thành viên ban chỉ đạo cổ phần hóa. Cùng với đó, tổng công ty đã xây dựng phương án cổ phần hóa phù hợp với đặc điểm tình hình trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm các đơn vị bạn, các đơn vị trong cùng lĩnh vực. PV Power cũng lựa chọn các đơn vị tư vấn có đủ năng lực và kinh nghiệm để tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp, xây dựng phương án cổ phần hóa. Thêm nữa là việc xây dựng kế hoạch triển khai công tác cổ phần hóa bài bản, chi tiết, cụ thể, thường xuyên kiểm điểm, đánh giá tiến độ thực hiện các nội dung công việc. Đồng thời, chuẩn bị và tận dụng mọi cơ hội tốt để quảng bá, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, chiến lược phát triển của PV Power với các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư, các tập đoàn nước ngoài… Cuối cùng là việc lựa chọn và quyết định thời điểm IPO phù hợp với tình hình thị trường.

Thành công trong công tác cổ phần hóa là động lực, nguồn lực mới cho sự phát triển của PV Power trong thời gian tới. Đây là cơ hội giúp tái cơ cấu doanh nghiệp theo hướng hoạt động và tổ chức gọn nhẹ hiệu quả hơn. Bước ngoặt này tạo điều kiện để PV Power vươn lên tầm cao mới, có năng lực cạnh tranh cao, gắn liền với chiến lược phát triển chung của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

TUẤN VŨ (lược ghi)

* Ông Phạm Việt Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans):

Vận tải dầu khí khai thác tiềm năng kinh tế biển

Nền kinh tế nước ta tuy đang phục hồi đà tăng trưởng nhanh nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức do chịu ảnh hưởng từ kinh tế thế giới. Đặc biệt là các diễn biến ở biển Đông và việc sụt giảm giá dầu thô đã có những tác động mạnh đến hoạt động của ngành dầu khí và ngành vận tải biển Việt Nam.

Tính đến nay, tổng tải trọng của ngành vận tải biển Việt Nam là 7,5 triệu tấn, đứng thứ 32 thế giới và đứng thứ 4 trong các nước ASEAN. Nhưng thực ra về mặt chất lượng vẫn còn hạn chế vì đội tàu đã cũ, đầu tư ban đầu lớn, vay nợ nhiều, quy mô nhỏ, lạc hậu. Điều này đã ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh và phát triển của đội tàu Việt Nam. Trong khi đó, tiềm năng về kinh tế biển của nước ta còn rất lớn.

Ông Phạm Việt Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí .

 

Những năm qua, Tổng công ty CP Vận tải Dầu khí (PVTrans) đã đảm nhiệm tốt vai trò đầu mối vận chuyển, bảo đảm an toàn, kịp thời toàn bộ nguyên liệu dầu thô đầu vào, kể cả dầu thô nhập khẩu và sản phẩm đầu ra của nhà máy lọc dầu Dung Quất. Tổng công ty cũng tham gia vận chuyển nguồn nguyên liệu dầu thô đầu vào cho Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn; vận chuyển dầu thô và sản phẩm dầu khí trên thị trường quốc tế. Đồng thời, duy trì ổn định dịch vụ FSO/FPSO (kho nổi xử lý và xuất khẩu dầu), tổ chức vận hành liên tục, an toàn và hiệu quả đối với Tàu FPSO Lewek Emas, Tàu FSO PVN Dai Hung Queen, FPSO MV19 tại các mỏ Chim Sáo, Đại Hùng, Sông Đốc… Qua đó, đã khẳng định thương hiệu, uy tín trên lĩnh vực FSO/FPSO trong và ngoài nước.

Việc duy trì khai thác an toàn và liên tục tại các mỏ giúp PVTrans khẳng định năng lực phát triển bền vững trong bối cảnh khó khăn của thị trường dịch vụ dầu khí hiện nay. PVTrans tự hào đã góp phần tận thu từng giọt dầu cho Tổ quốc, góp phần khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển và duy trì việc làm cho người lao động.

HỒNG ANH (lược ghi)

* Trung úy QNCN Đinh Thị Kim Xoa, Tiểu đoàn 45, Cục Hậu cần Hải quân, Quân chủng Hải quân:

Không thể quên tấm lòng của người dầu khí

Tôi là vợ liệt sĩ Đinh Văn Nam, anh hy sinh khi cùng đồng đội trên tàu 957, Lữ đoàn 125 Hải quân đang làm nhiệm vụ ở đảo Phan Vinh B, quần đảo Trường Sa năm 2013. Sau khi chồng mất, hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn, con gái tôi chưa đầy 1 tuổi, bản thân chưa có công ăn việc làm ổn định. Để mưu sinh, hằng ngày tôi đi chở hàng thuê cho các cơ sở kinh doanh, lúc thì đi bán hoa ở dọc đường Đằng Hải, quận Hải An, thành phố Hải Phòng.

Trung úy QNCN Đinh Thị Kim Xoa, Tiểu đoàn 45, Cục Hậu cần Hải quân, Quân chủng Hải quân.

Trong thời gian đó, tôi nhận được lời mời dự chương trình “Những tấm gương bình dị mà cao quý” do Báo Quân đội nhân dân phối hợp cùng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức. Thông qua chương trình, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã biết đến hoàn cảnh của gia đình tôi và nhận tôi vào làm việc. Tôi rất xúc động vì có công việc ổn định với mức thu nhập cao hơn trước tại cảng Dầu khí (Đình Vũ-Hải Phòng). Sau đó, tôi được Bộ Quốc phòng quyết định tuyển dụng vào công tác trong quân đội. Từ nhỏ tôi đã có ước mơ được phục vụ trong quân ngũ. Đến nay, ước mơ đó đã trở thành sự thực, được bước tiếp chặng đường của chồng tôi, khoác trên mình màu áo Hải quân, đó là niềm vui, niềm tự hào khôn xiết.

Trong lúc khó khăn nhất, tôi đã nhận được sự động viên, giúp đỡ kịp thời của gia đình, bạn bè, sự quan tâm của Bộ Quốc phòng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Quân chủng Hải quân, Báo Quân đội nhân dân. Qua đây, một lần nữa tôi xin chân thành cảm ơn Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân, Báo Quân đội nhân dân, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Cục Hậu cần Hải quân và Tiểu đoàn 45 đã giúp đỡ tôi có được cuộc sống ổn định như ngày hôm nay. Đó là niềm động lực để tôi bước tiếp trên chặng đường mới.

QUANG DUY (lược ghi)

* Ông Ngô Hữu Hải, Tổng giám đốc Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC):

Áp dụng khoa học công nghệ nâng cao năng lực sản xuất

Công ty Điều hành dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC) là chi nhánh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, là công ty liên doanh giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (51%) với Tập đoàn Dầu khí lớn nhất thế giới Gazprom, Liên bang Nga (49%). Dự án Biển Đông 1 của BIENDONG POC là dự án trọng điểm của tập đoàn, thuộc bể trầm tích Nam Côn Sơn với 11 mỏ lớn nhỏ khác nhau, nằm cách xa bờ nhất. Dự án nằm ở vùng nước biển sâu hơn 118 mét, có địa chất phức tạp, nhiệt độ, áp suất cao, đòi hỏi kỹ thuật và công nghệ thăm dò, khoan và khai thác hiện đại, tiên tiến nhất trên thế giới.

Ông Ngô Hữu Hải, Tổng giám đốc Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông.

Biển Đông hiện khai thác 2 mỏ là Mộc Tinh và Hải Thạch. Mộc Tinh chủ yếu là khí, Hải Thạch chủ yếu là dầu condensate và khí. Sau 5 năm kể từ ngày Dự án Biển Đông 1 hoàn thành và đi vào vận hành khai thác (6-9-2013), BIENDONG POC đã khai thác được hơn 10 tỷ mét khối khí, gần 17 triệu thùng condensate với tổng doanh thu đạt 2 tỷ 634 triệu USD trên tổng mức đầu tư 2 tỷ 869 triệu USD.

Về mục tiêu phát triển, trước mắt chúng tôi duy trì sản lượng và bảo đảm kế hoạch tập đoàn giao, áp dụng công nghệ tiên tiến, trí tuệ nhân tạo để tăng cường đào tạo, nâng cao tính ưu việt. Ngoài ra, tìm kiếm khả năng thăm dò và phát triển các tiềm năng địa chất trong lô 05-2,05-3; mở rộng hoạt động sang các lô khác do tập đoàn giao thêm hoặc dự án do Gazprom cùng đầu tư.

Tuy nhiên, từ năm 1996 đến nay, BIENDONG POC không có thêm nguồn lực tài chính để thăm dò, mở rộng sản xuất. Trong khi bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và trí tuệ nhân tạo, để tăng năng lực sản xuất, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bắt buộc phải áp dụng ngay công nghệ mới. Có lợi thế của nước đi sau, chúng ta phải đón đầu công nghệ từ các nước tiên tiến.

VŨ MY (lược ghi)

* Ông Bùi Ngọc Quang, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas):

Bảo đảm an ninh, an toàn trên các công trình khí

Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) là đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, giữ vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp khí, từ thu gom, nhập khẩu, vận chuyển đến chế biến, phân phối, kinh doanh khí và các sản phẩm khí trên toàn quốc.

Ông Bùi Ngọc Quang, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam.

Đặc điểm các công trình khí trải dài trên diện rộng, từ ngoài khơi tới đất liền, đi qua nhiều tỉnh, thành phố, khu vực có địa hình phức tạp như: Khu dân cư, khu công nghiệp, sông ngòi, rừng cây, đồng ruộng, đường giao thông,… nên luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ mất an toàn. Kinh nghiệm tại nhiều quốc gia đã cho thấy các sự cố cháy nổ công trình khí thường để lại hậu quả khôn lường, có khi trở thành thảm họa. Do đó, công tác an ninh, an toàn cho các công trình khí luôn luôn được tập thể lãnh đạo và cán bộ, công nhân viên của PV Gas coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, là kim chỉ nam xuyên suốt trong mọi quyết định, hành động của mình. PV Gas cũng đã xây dựng, ban hành và thường xuyên rà soát, cập nhật, hệ thống đầy đủ các quy trình vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa cho tất cả các dây chuyền sản xuất, công nghệ. Đồng thời, thiết lập các khoảng cách an toàn, hệ thống cột mốc, biển báo, biển cấm theo quy chuẩn và tiêu chuẩn hiện hành.

Bên cạnh đó, PV Gas đã chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng như Biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển, Công an, Hàng hải và chính quyền địa phương nơi có công trình khí để ký kết các quy chế phối hợp và triển khai các hoạt động bảo vệ an ninh, an toàn các công trình khí. Vì vậy, trong suốt 28 năm hình thành và phát triển, PV Gas đã bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối trong tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh, không để xảy ra bất kỳ vụ việc nghiêm trọng, ảnh hưởng đến con người, môi trường và tài sản cũng như hình ảnh, uy tín của PV Gas và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

HỒNG LINH (lược ghi)