Không chỉ làm trang sức, ngọc trai nước ngọt của Ninh Bình còn là đồ trang trí cho những chiếc bút, quyển sổ, dây treo xe ô tô... Trai trang trí đều lấp lánh ánh ngũ sắc xà cừ rất đẹp. Theo anh Đinh Văn Việt, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Hồng Ngọc Pearl, cơ sở sản xuất ngọc trai nước ngọt xã Khánh Lợi, những sản phẩm này được làm với hy vọng nâng tầm cho các sản phẩm du lịch Việt Nam. Đặc biệt, ngọc đều được nuôi cấy từ trai nước ngọt chứ không phải ngọc trai nước biển như thường thấy.

leftcenterrightdel
Anh Đinh Văn Việt trình diễn thao tác cấy ngọc vào trai cho du khách tham quan. 

Tại sao là trai nước ngọt? Bởi vì nó phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và mong muốn xây dựng quê hương của anh Đinh Văn Việt. Thực ra, Việt Nam đã bắt đầu nghiên cứu nuôi cấy trai nước ngọt từ thập niên 1970. Nhiều công trình cấp nhà nước đã được nghiên cứu nhưng không đưa vào sản xuất, kinh doanh được vì nhiều lý do, trong đó chủ yếu là chưa giải quyết, hoàn thiện được quy trình kỹ thuật. Trên thế giới, Trung Quốc là nước sản xuất lâu đời ngọc trai nước ngọt, mỗi năm đưa ra thị trường hàng tấn ngọc. Họ nuôi cấy chủ yếu bằng cấy mô, là kỹ thuật cấy mô tế bào vào xoang màng áo ngoài của trai. Hiện dòng ngọc này chiếm xấp xỉ 70% thị phần trên thị trường ngọc trai thế giới với ưu điểm giá rẻ, cho sản lượng lớn nhưng chất lượng kém vì có hình dạng méo mó, kết cấu mềm, có nhiều viên bị rỗng ở giữa.

Anh Đinh Văn Việt được học chuyên về con trai Akoya ở biển có nguồn gốc Nhật Bản. Anh cũng từng thử sức mình với con trai ở nhiều vùng của Việt Nam. Sau những bôn ba sóng gió, về quê hương Khánh Lợi, anh chợt nhận ra có thể thử sức với trai nước ngọt. Thế nhưng bắt trai nước ngọt dưới đầm, ao nhả ngọc không dễ. Anh từng thất bại vô số lần, bao mồ hôi, nước mắt ra đi với giấc mơ ngọc trai nước ngọt tan vỡ, trai chết hàng loạt. Những lúc khó khăn, bản lĩnh kỷ luật cùng tinh thần trách nhiệm theo đuổi niềm đam mê anh tích lũy được khi còn phục vụ trong quân ngũ và niềm tự hào với bố, anh trai đều là Bộ đội Cụ Hồ đã vực anh dậy.

Không có tài liệu tham khảo, anh mày mò rút dần kinh nghiệm. Thấy trên thế giới có kỹ thuật cấy ghép nhân cứng và mô tế bào cho ngọc tròn, kết cấu viên ngọc có độ cứng cao, có giá ngang với dòng ngọc trai Akoya, anh cũng muốn làm theo. Có điều, tỷ lệ thất bại của kỹ thuật này lên tới 80%. Trong 7 năm (từ 2010 đến 2016), hết lần này đến lần khác, ngã xuống rồi lại đứng lên, anh Đinh Văn Việt đã ứng dụng thành công quy trình kỹ thuật nuôi cấy ghép phôi nhân cứng và mô tế bào vào xoang màng áo ngoài của trai trên đối tượng trai đen cánh dày và trai xanh cánh mỏng. Hồng Ngọc Pearl trở thành đơn vị đầu tiên của Việt Nam nghiên cứu và ứng dụng thành công quy trình với tỷ lệ trai ngậm ngọc đạt hơn 80%, ngọc trai đa dạng màu sắc.

"Trung bình mỗi năm Hồng Ngọc Pearl sản xuất ra hàng chục nghìn viên ngọc trai nước ngọt, trong đó có hàng nghìn viên thuộc loại xuất sắc có giá trị từ triệu đồng đến hàng chục triệu đồng một viên. Đây cũng là sản phẩm du lịch được nhiều du khách ưa chuộng bởi màu sắc đẹp, giá thành phải chăng hơn so với trai nước mặn", anh Đinh Văn Việt tiết lộ.

Bài và ảnh: THÚY VY

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.