LTS: Ngày 29-10-2009, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ra Chỉ thị số 93/CT-BQP về việc tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng “Đơn vị quản lý tài chính tốt” và việc tổ chức Hội nghị “Đơn vị quản lý tài chính tốt” toàn quân lần thứ VI. Thực hiện Chỉ thị của Bộ trưởng, Báo Quân đội nhân dân sẽ chọn lọc, giới thiệu một số tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua “Đơn vị quản lý tài chính tốt”.  

Nhiệm vụ chính trị mà Bộ Quốc phòng giao ngành Kỹ thuật là bảo đảm kỹ thuật, duy trì chất lượng hệ thống VKTBKT hiện có, bảo đảm cho huấn luyện, SSCĐ và bảo quản cất giữ lâu dài, dự phòng khi có tình huống xảy ra. Hiện nay, phần lớn VKTBKT đã qua sử dụng lâu năm nên hư hỏng, mất đồng bộ, nhiều nước đã dừng sản xuất, không còn vật tư thay thế. Số mới mua sắm những năm gần đây, ta chưa làm chủ được kỹ thuật, chưa có công nghệ sửa chữa và vật tư bảo đảm rất đắt. Trong thời bình nhưng nhu cầu sử dụng VKTBKT của quân đội cho các nhiệm vụ SSCĐ; huấn luyện; diễn tập; phòng, chống thiên tai… rất lớn nên phát sinh hư hỏng nhiều. Vì vậy, nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật, duy trì chất lượng của hệ thống VKTBKT toàn quân rất nặng nề, nhu cầu ngân sách cho công tác kỹ thuật rất lớn. Những năm qua, ngành Kỹ thuật quân đội đã được Nhà nước, Bộ Quốc phòng quan tâm đầu tư ngân sách khá lớn, tuy nhiên so với nhu cầu vẫn chưa đáp ứng. Vì vậy trong công tác tài chính, ngành Kỹ thuật xác định bảo đảm đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm; tập trung cho các đơn vị làm nhiệm vụ SSCĐ trên các địa bàn trọng điểm và những nhiệm vụ đột xuất.

Kiểm tra sổ sách kế toán và nghiệp vụ tài chính tại Kho KT788 (Cục Kỹ thuật binh chủng, Tổng cục Kỹ thuật). Ảnh: Đình Xuân.

Trong chương trình thực hiện Nghị quyết 382/NQ-ĐUQSTƯ của ĐUQS Trung ương về lãnh đạo công tác kỹ thuật trong tình hình mới, của toàn ngành Kỹ thuật, một nội dung quan trọng là tập trung đầu tư ngân sách để bảo đảm cho các nhiệm vụ kỹ thuật cấp bách. Theo đó, trong chỉ đạo, điều hành công tác tài chính, lãnh đạo, chỉ huy Tổng cục luôn quán triệt và thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, quy chế của ĐUQS Trung ương, cũng như các quy định của ngành Tài chính quân đội. Là cơ quan đầu ngành Kỹ thuật của quân đội, Tổng cục Kỹ thuật (TCKT) có chức năng làm tham mưu cho ĐUQS Trung ương và Bộ Quốc phòng về công tác kỹ thuật, trong đó có chức năng tham mưu phân bổ ngân sách kỹ thuật toàn quân. Trong điều kiện ngân sách quốc phòng còn hạn hẹp, lãnh đạo, chỉ huy và các cơ quan của TCKT thường xuyên nắm chắc tình hình VKTBKT và nhiệm vụ của từng chuyên ngành, đơn vị để phân bổ, cân đối giữa 17 chuyên ngành và các đầu mối kỹ thuật toàn quân theo đúng định hướng, bảo đảm các chuyên ngành đều hoàn thành nhiệm vụ.

Trong điều hành phân bổ ngân sách kỹ thuật toàn quân, TCKT đã chấp hành nghiêm các chỉ thị, ý kiến chỉ đạo của Bộ Quốc phòng. Trong chỉ thị về xây dựng kế hoạch ngân sách kỹ thuật hằng năm, TCKT đều yêu cầu các chuyên ngành cân đối phân cấp đủ cho việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, bảo đảm theo thứ tự ưu tiên. Quy trình phân bổ ngân sách kỹ thuật công khai, dân chủ. Kế hoạch ngân sách được xây dựng chặt chẽ, không bố trí ngân sách cho các nhiệm vụ, các dự án chưa cấp bách, chưa đủ yếu tố thực hiện hoặc chồng chéo giữa các cơ quan bảo đảm. Đối với nội bộ TCKT, Đảng ủy - chỉ huy Tổng cục đã sớm ban hành các quy chế, nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác tài chính. Các nghị quyết của Đảng ủy TCKT về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ hằng năm đều chú trọng đề ra các chủ trương, biện pháp lãnh đạo công tác tài chính, trong đó có bảo đảm tài chính cho thực hiện nhiệm vụ kỹ thuật.

Từ chủ trương sử dụng ngân sách kỹ thuật đúng nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, tiết kiệm, hiệu quả… ngành Kỹ thuật toàn quân và nội bộ TCKT đã đạt được những kết quả đáng kể. Ngành Kỹ thuật đã thực hiện cải tiến, hiện đại hóa nhiều loại VKTBKT thông qua các chương trình, dự án đầu tư. Qua đó đã nâng cấp tính năng kỹ, chiến thuật của nhiều loại VKTBKT có giá trị lớn, góp phần làm tăng tiềm lực quốc phòng, như: Cải tiến tăng hạn các loại tên lửa pháo binh, hải quân, phòng không, tăng hạn máy bay, cải tiến xe tăng, xe thiết giáp… Hệ thống kho tàng kỹ thuật đã được chú trọng đầu tư xây dựng và củng cố ở cả 3 cấp chiến lược, chiến dịch, chiến thuật. Ngành Kỹ thuật toàn quân đã biên soạn được gần 80% quy trình niêm cất; niêm cất được 50-90% trang bị đặc chủng tại kho của các chuyên ngành làm nguồn dự trữ chiến lược lâu dài.

Các xí nghiệp sửa chữa quốc phòng được đầu tư công nghệ, có năng lực sửa chữa được phần lớn các loại VKTBKT thế hệ cũ và nhiều loại VKTBKT hiện đại trước đây chưa sửa chữa được; sản xuất được 30% số loại VTKT. Các xưởng chiến dịch có thể sửa chữa vừa thay thế cụm ô tô, vũ khí, tăng - thiết giáp và một số trang bị chuyên ngành. Kết quả sửa chữa đã khôi phục các tính năng kỹ, chiến thuật cơ bản của một số lượng lớn VKTBKT sau nhiều năm khai thác sử dụng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ SSCĐ và huấn luyện của đơn vị. TCKT nói chung, cơ quan tài chính Tổng cục nói riêng đã thực hiện tốt vai trò tham mưu về công tác tài chính cho cấp ủy, người chỉ huy các cấp. Cơ quan tài chính đã tham mưu, phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng quy chế, nghị quyết, chỉ thị… về lãnh đạo, chỉ đạo công tác tài chính phù hợp đặc thù, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, tạo hành lang pháp lý cho việc điều hành dự toán thu-chi tài chính bảo đảm đúng Luật Ngân sách và Điều lệ công tác Tài chính quân đội.

Ngành Tài chính TCKT đã tích cực, chủ động phối hợp các cơ quan tổ chức phân bổ dự toàn ngân sách hàng năm có định hướng, đúng trọng tâm, tổ chức giao chỉ tiêu ngay sau khi được Bộ giao. Ngành Tài chính TCKT thường xuyên đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nguồn kinh phí theo dự toán được giao để phục vụ cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện toàn diện các nhiệm vụ công tác, trong đó có nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật. Quá trình điều hành ngân sách, cơ quan tài chính đã kịp thời phát hiện, đề xuất với người chỉ huy làm các thủ tục điều chỉnh chỉ tiêu, kế hoạch nhiệm vụ, phù hợp ngân sách được thông báo; báo cáo trên bổ sung khi có thay đổi chính sách, chế độ hoặc phải thực hiện các nhiệm vụ đột xuất.

Cơ quan Tài chính TCKT đã bám sát hướng dẫn của Cục Tài chính về quyết toán và tổng kết công tác tài chính hằng năm. Thủ trưởng TCKT trực tiếp chủ trì Hội nghị xét duyệt quyết toán cho các đơn vị trực thuộc. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của các ngành, nhất là vai trò trách nhiệm của người chỉ huy - chủ tài khoản trong chi tiêu, sử dụng các nguồn kinh phí.

Huy Đức