QĐND - Việt Nam được xác định là một trong những nước có tỷ lệ người uống rượu, bia cũng như lượng bia, rượu tiêu thụ cao nhất trong khu vực. Tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia cũng được xác định là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, thương tích trong các vụ tai nạn giao thông (TNGT). Mặc dù vậy, theo ý kiến một số chuyên gia, nhà quản lý, tỷ lệ phát hiện và xử lý hành vi này còn thấp, chế tài xử phạt cũng chưa đủ sức răn đe.
Tại Hội thảo chuyên đề “Hành vi người điều khiển phương tiện khi sử dụng
 |
Lực lượng chức năng tại Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông. Ảnh: Lê Việt.
|
rượu, bia” vừa được Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (UBATGTQG) tổ chức, ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng UBATGTQG cho biết, từ năm 2012 đến nay, TNGT giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương). Tuy nhiên, hiện nay, mỗi ngày vẫn có khoảng 26 người chết vì TNGT, chủ yếu là trên đường bộ. Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2014, TNGT có liên quan đến rượu, bia chiếm 36,5%, riêng nam giới là 35,7%. Trong khi đó, sản xuất rượu, bia ở nước ta ngày càng tăng, ước tính khoảng 15%/năm. Sản lượng bia năm 2015 dự kiến có thể đạt 4 tỷ lít và 350 triệu lít rượu. Việt Nam được xếp là một trong số 25 quốc gia đứng đầu trong danh sách các nước có mức tiêu thụ bia gia tăng nhiều nhất.
Theo ông Phạm Gia Anh (Bệnh viện Việt Đức), rượu, bia gây ảnh hưởng lớn đến khả năng điều khiển phương tiện giao thông như biểu hiện bốc đồng, chạy với tốc độ cao, không làm chủ được hành vi, ức chế não bộ gây buồn ngủ, giảm 10-30% phản xạ khi gặp tình huống… Hiểu được tác hại của rượu, bia để người điều khiển phương tiện chủ động kiểm soát hành vi là yếu tố hàng đầu hạn chế TNGT. Tuy nhiên, theo ý kiến của ông Hoàng Đình Ban, Trưởng khoa Cảnh sát giao thông, Học viện Cảnh sát nhân dân, việc phát hiện và xử lý vi phạm nồng độ cồn rất hạn chế, mức xử phạt không đủ tính răn đe dẫn đến tình trạng “nhờn” luật. Cụ thể, năm 2014, số trường hợp sử dụng rượu, bia gây TNGT được phát hiện chỉ chiếm 1,62% tổng số vụ, tỷ lệ số vụ tương tự bị xử phạt vi phạm hành chính còn thấp hơn, chỉ 0,25%. Ông Hoàng Đình Ban đề nghị, nên nghiên cứu sửa đổi quy định của pháp luật theo hướng xử lý hình sự hành vi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, xem đây là lỗi cố ý, để tạo sức răn đe lớn.
Bên cạnh tăng cường phát hiện, xử lý những trường hợp tham gia giao thông sử dụng rượu, bia vượt quá nồng độ cho phép, việc nâng cao ý thức của người dân cũng được xem là giải pháp trọng tâm. Các doanh nghiệp sản xuất rượu, bia cần có khuyến cáo, cảnh báo nguy cơ hay hàm lượng trên sản phẩm để người sử dụng biết thông tin, chủ động khi uống. Cơ quan chức năng cũng nên tuyên truyền về mức xử phạt vi phạm của hành vi này nhằm tạo chuyển biến về nhận thức của cộng đồng. Người ngồi trên xe có trách nhiệm nhắc nhở cũng như phản đối những người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu, bia…
MẠNH HƯNG