QĐND - Ngày thế giới không thuốc lá năm nay có chủ đề "Ngăn chặn buôn bán sản phẩm thuốc lá trái phép". Đây cũng là vấn đề đang được quan tâm tại Việt Nam bởi theo thống kê của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, mỗi năm có 40 tỉ điếu thuốc được thẩm lậu vào nội địa, ngân sách Nhà nước thất thu rất lớn từ hoạt động buôn lậu này.

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến  về việc tăng cường đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá. Tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh: Phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của Chính phủ. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần nhận thức rõ để đề cao trách nhiệm đối với vấn đề này. Theo báo cáo tại hội nghị, trong nhiều năm, tình trạng buôn lậu thuốc lá diễn ra nghiêm trọng, đặc biệt tại các tỉnh giáp biên giới và các thành phố lớn. Thống kê trong năm 2014, thuốc lá lậu chiếm hơn 20% thị trường tiêu thụ thuốc lá trong nước, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, thất thu ngân sách bình quân là 6.000 tỷ đồng/năm. Đó là những thiệt hại nặng nề về kinh tế cũng như sức khỏe của người dân Việt Nam.

Bên cạnh việc ngăn chặn buôn bán sản phẩm thuốc lá trái phép, đã có nhiều ý kiến về việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá để giảm bớt những người hút thuốc. Về vấn đề này, PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: Việc áp dụng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ ngày 1-1-2016 đối với thuốc lá từ 65% lên 70% và từ 1-1-2019 tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá từ 70% lên 75% thì mức tăng giá bán lẻ trung bình cho giai đoạn 2015-2020 là tăng dưới 1%/năm, trong khi thu nhập bình quân đầu người thực tế dự kiến tăng 4,8% mỗi năm. Do đó sức mua thuốc lá vẫn tăng mạnh và sử dụng thuốc lá vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Tiêu dùng thuốc lá chỉ giảm rất nhẹ vào năm tăng thuế 2016 và 2019, nhưng xét cả giai đoạn 2014-2020 tiêu dùng thuốc lá vẫn tăng. Tỷ lệ hút thuốc của nam giới Việt Nam hầu như không thay đổi, giữ nguyên ở mức 47,4% từ năm 2014 đến 2020 (trong khi mục tiêu chiến lược quốc gia về tỷ lệ hút thuốc của nam là 39% vào năm 2020). Nguyên nhân chính của tiêu dùng không giảm là do mức tăng thuế quá thấp, tác động tới giá bán lẻ thuốc lá là không đáng kể, không theo kịp mức tăng đều đặn hằng năm của lạm phát và thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam. Chính vì vậy, sức mua thuốc lá của người Việt Nam vẫn càng ngày càng tăng. Và theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê thì phương án này không giúp đạt mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc.

Theo các chuyên gia y tế, khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư. Sử dụng thuốc lá gây ra 25 loại bệnh như: Ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư da, các bệnh tim mạch... Hút thuốc là nguyên nhân của 90% các ca ung thư phổi, 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, 25% ca bệnh tim thiếu máu cục bộ. Mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 40.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Nếu Việt Nam không thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả, con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca/năm vào năm 2030. Các bệnh có nguyên nhân chính từ sử dụng thuốc lá như: Đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi... là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở cả nam và nữ. Mặc dù ngành công nghiệp thuốc lá có những đóng góp cho ngân sách quốc gia, nhưng phần đóng góp của ngành công nghiệp thuốc lá không đủ để bù đắp những tổn thất kinh tế và sức khỏe do sử dụng thuốc lá gây ra đối với các cá nhân, gia đình và xã hội. Những tổn thất này bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi cho khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, do mất khả năng lao động vì bệnh tật và tử vong sớm, tổn thất do cháy nổ, ô nhiễm môi trường...

AN AN