QĐND - Thảo luận về dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) vào chiều 9-6, nhiều ý kiến đại biểu quốc hội đề nghị cần xác định rõ tính pháp lý của kết luận, nghị quyết giám sát. Bên cạnh đó, công tác hậu giám sát phải được chú trọng hơn nữa để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND.

Cần quy định rõ tính pháp lý của kết luận, nghị quyết giám sát

Theo đánh giá của một số đại biểu quốc hội, hiệu quả, hiệu lực giám sát của Quốc hội, HĐND trong thời gian qua chưa được như mong muốn. Đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) cho rằng, khâu yếu nhất trong hoạt động giám sát hiện nay là thực hiện kết luận, nghị quyết giám sát, hay còn gọi là hậu giám sát. Đại biểu Đặng Thị Kim Chi đề nghị, cần làm rõ tính pháp lý của kết luận, nghị quyết giám sát, trách nhiệm của những chủ thể giám sát cũng như trách nhiệm thi hành của đơn vị chịu sự giám sát. “Cần quy định cụ thể thời gian bao nhiêu ngày thì đối tượng giám sát phải thực hiện kết luận, nghị quyết giám sát, nếu không làm được thì phải chịu chế tài như thế nào chứ không để giám sát xong rồi trôi đi, không thực hiện”, đại biểu Đặng Thị Kim Chi bày tỏ.

Ảnh minh họa: TTXVN

 

Đại biểu Lê Văn Tân (Hà Nam) đánh giá, có lĩnh vực sau khi giám sát đã được khắc phục nhanh như sửa đổi văn bản, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo hay giảm tai nạn giao thông, ngược lại, còn nhiều kiến nghị của các chủ thể giám sát thực hiện chậm, không biết bao giờ mới xong, ví dụ như tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề nghiêm trọng, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm... Đại biểu chỉ ra nguyên nhân do đây là những lĩnh vực lớn, để khắc phục cần nhiều nguồn lực, sự tham gia của các cấp, ngành nhưng chưa chỉ rõ trách nhiệm cụ thể, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu. Đại biểu Lê Văn Tân đề nghị quy định rõ hơn trách nhiệm chính trị của người đứng đầu ngành, khu vực nếu chậm thực hiện kết luận, nghị quyết giám sát. Quan tâm đến việc làm thế nào tạo được cơ chế để người dân có thể tham gia tích cực hơn nữa vào hoạt động giám sát thông qua các tổ chức chính trị-xã hội, đại biểu Hoàng Thị Hoa (Bắc Giang) nhấn mạnh, cần công bố công khai chương trình giám sát của Quốc hội, HĐND để người dân biết. Đồng thời, bổ sung quy định dự thảo luật theo hướng đoàn giám sát, cơ quan giám sát sẵn sàng tiếp nhận thông tin, kiến nghị của người dân.

Dự thảo luật có quy định việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn là hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND, đồng thời, luật hóa các quy định chung có tính nguyên tắc về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Đại biểu Lê Anh Sơn (Nam Định) đề nghị, ngoài chức danh do HĐND bầu, cần bổ sung thêm thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND cũng nằm trong thành phần lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm bởi đây là kênh rất tốt để người dân giám sát, đánh giá cán bộ. Theo Đại biểu Lê Văn Tân (Hà Nam), trong dự thảo luật nên quy định rõ đối tượng, thời điểm, các mức độ tín nhiệm.

Phát biểu kết luận phần thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, nhiều ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội rất xác đáng, thể hiện mong muốn khắc phục hạn chế, bất cập hiện nay về quy định của pháp luật đối với hoạt động giám sát, đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả giám sát để đây thật sự là chức năng cơ bản của Quốc hội, HĐND. Những ý kiến đóng góp sẽ được nghiên cứu, tiếp thu vào dự thảo luật.

Quốc hội thông qua Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi)

Chiều cùng ngày, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) với 422 đại biểu tán thành (đạt tỷ lệ 85,25%). Bên cạnh đó, với 427 đại biểu tán thành (tỷ lệ 86,26%), Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015. Theo đó, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 các dự án: Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1269/2011/NQ-UBTVQH12 về biểu thuế bảo vệ môi trường; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13 về việc ban hành biểu mức thuế suất Thuế tài nguyên; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi); Luật Dược (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động sau một năm nghỉ việc; Pháp lệnh Quản lý thị trường. Điều chỉnh thời hạn trình Quốc hội dự án Luật Khí tượng thủy văn, lùi thời gian trình dự án Luật Biểu tình từ cho ý kiến tại kỳ họp thứ chín sang kỳ họp thứ 11 và lùi thời gian trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ. Rút dự án Luật Dân số ra khỏi Chương trình năm 2015.

Năm 2016, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII (dự kiến diễn ra vào tháng 3-2016) sẽ trình Quốc hội thông qua 6 dự án và cho ý kiến 1 dự án luật. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV (dự kiến vào tháng 7-2016) sẽ trình Quốc hội thông qua 1dự thảo nghị quyết và tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV (dự kiến tháng 10-2016) sẽ trình thông qua 5 dự án và cho ý kiến 17 dự án luật.

Sáng cùng ngày, Quốc hội đã nghe báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân và dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi); báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016.

Hôm nay (10-6), Quốc hội tiếp tục làm việc.

MẠNH HƯNG