Theo kết quả công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2022 vừa diễn ra, dịch vụ hành chính công trực tuyến ở cấp quốc gia và địa phương chưa được nhiều người dân sử dụng mặc dù tỷ lệ người dùng internet tại Việt Nam tiếp tục gia tăng. Kết quả khảo sát cho thấy, mức độ cải thiện của hai lĩnh vực: “Sử dụng cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương” và “Phúc đáp của chính quyền qua cổng thông tin điện tử” còn thấp và hầu như không có biến chuyển qua 3 năm, từ năm 2020 đến năm 2022 (chỉ đạt trung bình 0,42 điểm). Trong khi đó, tỷ lệ người dân được tiếp cận và sử dụng internet qua máy tính hoặc qua điện thoại thông minh tiếp tục tăng mạnh trong năm 2022 (đạt 2,27 điểm). 

Điều đó cho thấy, mặc dù tỷ lệ người dùng internet tăng cao theo từng năm, cơ sở hạ tầng để đáp ứng dịch vụ viễn thông cũng đã được triển khai đến những nơi vùng sâu, vùng xa của đất nước; tuy nhiên, tỷ lệ người dân dùng internet để truy cập, tìm hiểu thông tin cũng như thực hiện các thủ tục hành chính thông qua cổng thông tin điện tử của địa phương còn thấp, không tương xứng với mức độ bao phủ internet tại Việt Nam.

leftcenterrightdel
Người dân làm thủ tục hành chính tại Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội quận Thanh Xuân. Ảnh: ANH CHIẾN  

Năm 2022, có tới gần 76% số người trả lời khảo sát cho biết họ đã dùng internet, tăng 2% so với kết quả khảo sát năm 2021. Mặc dù điều kiện truy cập và sử dụng internet được cải thiện, việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn rất hạn chế. Năm 2022, tỷ lệ người làm thủ tục xin chứng thực, xác nhận của chính quyền địa phương hoặc xin cấp mới, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thông qua các cổng dịch vụ công trực tuyến đã giảm so với năm 2021. 

Một điểm sáng là Cổng Dịch vụ công trực tuyến quốc gia nhận được sự quan tâm sử dụng nhiều hơn trong năm 2022 so với hai năm trước, nhưng người dùng chủ yếu tập trung ở TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Năm 2022, trung bình toàn quốc có khoảng 3,05% số người được khảo sát cho biết họ đã lập hồ sơ người dùng trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến quốc gia, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ 2,8% của năm 2021. 

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện tốt quản trị điện tử, song kết quả khảo sát cho thấy có khoảng cách lớn giữa điều kiện tiếp cận internet với khả năng cung ứng dịch vụ công trực tuyến cho đối tượng người dùng là công dân. Tỷ lệ người dùng internet và các kênh thông tin trên môi trường mạng tiếp tục tăng lên là điều kiện cần cho việc phát triển chính quyền điện tử ở Việt Nam. Tuy nhiên, sử dụng dịch vụ công trực tuyến dường như vẫn chưa trở thành thói quen của người dân. Do vậy, các cấp chính quyền cần đầu tư nhiều hơn vào việc cải thiện tính khả dụng, tính dễ tiếp cận của các cổng dịch vụ công trực tuyến, đồng thời đơn giản hóa các quy trình, thủ tục hành chính để người dân có thể sử dụng các tiện ích của chính quyền điện tử dễ dàng, thuận tiện hơn. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp cần tiếp tục đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, thiết bị máy móc, hệ thống phần mềm, thay đổi nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức để nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số từ Trung ương đến địa phương.

HOÀNG CHUNG