Thận trọng, chắc chắn, không nóng vội, chủ quan
PV: Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã lựa chọn quận 7 và huyện Củ Chi để thí điểm nới lỏng giãn cách xã hội, từng bước khôi phục các hoạt động KT-XH. Ông đánh giá vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Hoàng Dũng: Tôi rất ủng hộ và đồng tình. Chủ trương đưa thành phố mở cửa trở lại các hoạt động KT-XH thể hiện sự đột phá quan trọng. Diễn biến của dịch còn rất phức tạp, chưa thể khẳng định một cách chắc chắn là dịch đã đến đỉnh hay đã đi ngang và xuống dốc hay chưa. Tuy nhiên, các chủ trương, chiến lược, chính sách, giải pháp kiềm chế dịch bệnh của chúng ta thì đã đi vào nền nếp, thiết lập một trật tự mới trong phòng, chống dịch, mang lại niềm tin cho nhân dân rất lớn. Những thành quả đạt được đến thời điểm này cho phép chúng ta tính phương án ổn định, tái lập trạng thái bình thường mới với những bước đi thận trọng, chắc chắn.
 |
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng. |
PV: Có ý kiến cho rằng, mở cửa trở lại các hoạt động KT-XH trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 vẫn ở mức cao, nghĩa là chúng ta phải chấp nhận “sống chung với dịch”?
Ông Nguyễn Hoàng Dũng: Tôi không đồng tình với quan điểm này, ít nhất là về cách dùng từ. Covid-19 là dịch bệnh gây chết người nên không thể đặt vấn đề “sống chung với dịch”. Để có sự thống nhất về nhận thức, chúng ta cần có sự điều chỉnh về mặt quan niệm, muốn “sống chung” thì tiêu chí hàng đầu phải là “sống chung an toàn”. Đặc biệt là phải tạo được sự an tâm, môi trường an toàn đối với các lực lượng tham gia trực tiếp vào chuỗi hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa khi mở cửa trở lại các hoạt động KT-XH. Trong tình hình hiện nay, để đưa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam sớm trở lại trạng thái bình thường mới thì chúng ta phải tiến hành song song hai nhiệm vụ, vừa thực hiện phòng, chống dịch hiệu quả, vừa tái lập, khôi phục các hoạt động kinh tế một cách thận trọng. Muốn nhanh thì phải... từ từ. Tuyệt đối không được chủ quan, nóng vội, duy ý chí.
PV: Cụ thể của việc “muốn nhanh thì phải... từ từ” là thế nào?
Ông Nguyễn Hoàng Dũng: Chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng, chu đáo kịch bản tái lập kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, phức tạp với sự bổ sung những cơ chế, chính sách, thiết chế mới. Đó là điều kiện để chúng ta phục hồi kinh tế, tạo nguồn lực vật chất cho đời sống xã hội, để phòng, chống dịch hiệu quả hơn. Vấn đề này phải bắt đầu từ mỗi tế bào kinh tế, đó là những cá thể, doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, kinh doanh. Họ phải thực sự được an tâm, an toàn trong các hoạt động. Để làm được điều này, không chỉ có cách ly, tiêm vaccine, điều trị bệnh nhân... mà phải đưa các hoạt động của các lực lượng, thành phần xã hội vào một trật tự mới. Bản chất của trật tự này là coi việc mở cửa trở lại các hoạt động KT-XH là một cơ hội để phát triển chứ không phải là việc bắt buộc phải làm trong bối cảnh thiếu an toàn. Cho đến nay, chúng tôi rất mong muốn tham gia tư vấn, góp sức cùng chính quyền các tỉnh, thành phố trong vùng dịch đưa ra được những kịch bản tái lập, phục hồi kinh tế mang tính an dân, bền vững. Chúng ta không thể nóng vội mở cửa, tái lập bằng mọi giá, mà muốn nhanh thì phải... từ từ.
 |
Huyện Củ Chi đang từng bước nới lỏng giãn cách xã hội. Ảnh Lê Hùng Khoa |
Doanh nghiệp phải chủ động ứng phó tại chỗ
PV: Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, ông có những đề xuất, hiến kế gì về vấn đề này?
Ông Nguyễn Hoàng Dũng: Chúng ta phải xây dựng cho được một chương trình, chiến lược mới với các điều kiện cần và đủ. Hiện, chúng tôi đang nghiên cứu, biên soạn một đề án với những giải pháp tổng thể để đề xuất lên lãnh đạo các cấp và Chính phủ, cùng góp sức giúp TP Hồ Chí Minh và các địa phương trong vùng thực hiện mục tiêu kép trong bối cảnh mới. Mục tiêu chúng tôi đặt ra là đảm bảo cho các hoạt động KT-XH trong trạng thái bình thường mới, hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra. Chúng ta phải tính toán đến khả năng sau khi tái lập, phục hồi các hoạt động KT-XH, nếu có một “làn sóng” dịch bệnh thứ 5, thứ 6 xảy ra do một biến chủng virus mới, thì phải chủ động các giải pháp ứng phó rủi ro, không để bị động, bất ngờ. Muốn vậy thì giải pháp phải mang tính tổng thể, đồng bộ. Đầu tiên là việc thí điểm mở cửa trở lại ở quận 7 và huyện Củ Chi. Chúng ta phải rà soát, tính toán xem hai địa bàn này đã thực sự khống chế được dịch bệnh trên thực tế hay chưa? Khả năng mầm bệnh còn tồn tại trong cộng đồng? Việc kiểm soát các F0 không có triệu chứng? Vấn đề ranh giới đô thị được kiểm soát ra sao?... Nếu thí điểm ở một vài địa phương bằng áp dụng các biện pháp phong tỏa theo địa giới hành chính thì chuỗi sản xuất, lưu thông hàng hóa của doanh nghiệp sẽ vô cùng khó khăn. Như vậy, để thí điểm thành công thì phải xây dựng đề án theo hướng mở cho hai địa phương này dựa trên một trật tự mới, có sự đồng thuận của các chủ thể kinh tế, đó là các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia vào chuỗi sản xuất, kinh doanh.
Vấn đề tiếp theo đó là, để đảm bảo cho doanh nghiệp tái thiết các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh theo chuỗi an toàn, thì doanh nghiệp phải được cấp phép dựa trên các tiêu chí về y tế, nhân lực, đảm bảo chuỗi cung ứng cả trong nước và quốc tế. Đây là vấn đề chúng ta phải tiến hành chặt chẽ và thận trọng, tránh tâm lý bị phong tỏa quá lâu, doanh nghiệp nóng lòng muốn mở cửa trở lại nhanh chóng bằng mọi giá.
 |
Một số dịch vụ thiết yếu ở TP Hồ Chí Minh bắt đầu được hoạt động trở lại. |
PV: Trong bối cảnh hiện nay, đặt vấn đề cấp giấy phép cho doanh nghiệp hoạt động trở lại, liệu có tăng thêm áp lực thủ tục hành chính, rối rắm giống như giấy phép đi đường ở một số địa phương vừa qua không?
Ông Nguyễn Hoàng Dũng: Xin nhấn mạnh và khẳng định, đây không phải là dạng “giấy phép con” hay “đẻ” ra thủ tục hành chính để làm khó doanh nghiệp, mà là điều kiện để doanh nghiệp hoạt động trở lại đảm bảo an toàn. Chúng ta đã chọn địa phương an toàn để thí điểm mở cửa trở lại các hoạt động KTXH thì cộng đồng doanh nghiệp và môi trường sản xuất, kinh doanh cũng phải thực hiện thí điểm, bắt đầu bằng các ngành, các lĩnh vực thiết yếu trước, ví dụ như các ngành lương thực, thực phẩm, y tế, dịch vụ thiết yếu... Phải xây dựng lộ trình và danh mục rõ ràng. Ngay cả các ngành, các lĩnh vực thiết yếu cũng phải chọn những doanh nghiệp đủ điều kiện thí điểm làm trước chứ không thể mở cửa đại trà. Trong thời gian hoạt động thí điểm, phải định lượng được hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp để tạo cơ sở mở rộng hoạt động ở các bước tiếp theo. Để kiểm soát được thì phải có “giấy phép xanh” cho doanh nghiệp. Nếu không làm chặt chẽ, thận trọng, mở cửa trở lại nhanh quá, rộng quá, nguy cơ mất an toàn, tiềm ẩn rủi ro rất cao, cái giá phải trả rất khó nói.
Chúng tôi đề xuất, ở mỗi doanh nghiệp có quy mô 100 lao động trở lên phải có một mô hình y tế tại chỗ. Đó giống như là những “bệnh viện dã chiến mi ni” để kịp thời ứng phó, xử lý ngay tại chỗ các tình huống dịch bệnh phát sinh. Đối với những doanh nghiệp quy mô lớn, lên đến hàng ngàn công nhân thì vấn đề này càng phải được chú ý triển khai theo đúng quy mô, yêu cầu đòi hỏi. Trong tình huống phát sinh ổ dịch, doanh nghiệp phải có phương án, điều kiện y tế để chủ động ứng phó giải quyết các công việc bước đầu ngay tại chỗ, tránh gây áp lực lên cộng đồng, xã hội.
Mở cửa trở lại các hoạt động KT-XH là khát khao, nguyện vọng, nhu cầu bức thiết của mọi người dân, mọi doanh nghiệp. Bởi thế, phải có lộ trình chắc chắn, tiến hành từng bước thận trọng trên nguyên tắc bảo đảm an toàn. Muốn nhanh thì phải từ từ, tuyệt đối không được vội vàng, hấp tấp.
PV: Cảm ơn ông đã chia sẻ!
PHAN TÙNG SƠN (thực hiện)