Lương tăng- nỗi buồn của người nông dân

Sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện, nhất là trong việc cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và cải thiện đời sống của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nông nghiệp tiếp tục được phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao và tiếp tục khẳng định được vai trò và vị trí quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.

Tính đến nay đã có tới gần 65% số xã cả nước đạt tiêu chí nông thôn mới. Nhiều địa phương cấp xã, cấp huyện đang bắt tay vào thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập của người nông dân các khu vực bình quân đã cao hơn từ 2 đến 2,5 lần so với năm 2010, khi chúng ta mới bắt tay vào thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

leftcenterrightdel
Giá bán nông sản tại ruộng, tại trại thường thấp hơn nhiều so với giá trên thị trường. Ảnh: Thúy An

Tuy nhiên, chúng ta cũng đang phải đối diện với nhiều hạn chế nội tại của nền kinh tế, đòi hỏi phải sớm khắc phục. Trong đó, việc tăng lương cho đối tượng hưởng lương từ ngân sách và người hưu trí đang trở thành thách thức cho người nông dân vốn không có lương.

Theo phân tích của chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, đồng tiền là giá trị để đo lường sản phẩm giữa cung và cầu, vậy việc tăng lương kiểu gì cũng ảnh hưởng. Trước hết ảnh hưởng về mặt tích cực, chắc chắn khi lương tăng sẽ có sức đẩy giá lên, thu nhập của người nông dân cũng tăng do nông sản được giá hơn lợi. Tuy nhiên ở đây, tuy có tác động tích cực, nhưng không tạo ra được ra sự chuyển biến rõ nét mà bản thân người nông dân cảm nhận thấy sau khi tăng lương. Bởi lẽ, giá bán nông sản tại ruộng, trại thường thấp hơn nhiều so với giá trên thị trường. Phần lớn giá trị thặng dư của sản phẩm nông nghiệp rơi vào tay các nhà phân phối. Thực tế trên thị trường, ai là người nắm khâu phân phối, người đó quyết định giá, không phải là người sản xuất quyết định giá và cũng không phải người mua quyết định giá.

Mặt khác, nông sản chỉ là một trong nhiều mặt hàng phục vụ cuộc sống. Người nông dân có thể nhận được giá trị tăng thêm khi bán nông sản nhưng lại phải chịu sự tăng giá của tất cả các hàng hóa, dịch vụ khác.

leftcenterrightdel
 Ảnh: chinhphu.vn

Cùng đó, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy nhận định, với cơ chế thị trường này, giá dịch vụ sẽ đi trước người nông dân. “Tôi khẳng định rằng, khi hỏi việc tăng lương cho khối cán bộ, công nhân viên chức, người nông dân có vui mừng không? Chắc chắn đến 2/3 số nông dân cảm thấy không vui mừng, thậm chí người nông dân sản xuất nhỏ cảm thấy không có tác dụng vì họ không có năng lực hàng hóa bán ra. Việc tăng lương tạo ra về mặt nhu cầu, nhưng đối với nông sản, người nông dân được thụ hưởng thì rất mơ hồ”, ông Hoàng Trọng Thủy nói.

Kết cục, trong hầu hết những lần tăng lương, người nông dân đều phải đối mặt với tình trạng thu nhập tăng thêm không nhiều, trong khi giá cả hàng hóa, dịch vụ nói chung đều tăng. Điều đó dẫn tới việc đời sống của người nông dân bị ảnh hưởng tiêu cực. Hơn thế, nông dân vốn là đối tượng có thu nhập thấp hơn so với mặt bằng chung của xã hội. Vì thế, họ càng phải chịu ảnh hưởng nặng nề khi giá cả hàng hóa tăng.

Làm gì để nâng thu nhập của người nông dân?

Theo TS Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): Trong nhiều năm qua, đời sống của người nông dân hay nói chung là hộ nông dân Việt Nam đã được cải thiện tích cực. Thu nhập trung bình một hộ nông dân tăng từ 53,9 triệu đồng năm 2010 lên 77,1 triệu đồng năm 2020 (theo giá so sánh 2010), với tốc độ tăng 3,6%/năm trong giai đoạn này, tức là mỗi năm thu nhập của một hộ nông dân tăng trung bình khoảng 2,3 triệu đồng. Tuy nhiên, mức thu nhập này chỉ bằng khoảng 2/3 so với mặt bằng chung (thu nhập bình quân một hộ cả nước là 115 triệu đồng năm 2020 - giá so sánh 2010).

leftcenterrightdel
Người nông dân chịu ảnh hưởng khi giá cả hàng hóa tăng. Ảnh: Thúy An

Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn phân tích, có nhiều nguyên nhân khiến thu nhập hộ nông dân thấp hơn so với mặt bằng chung như: Quy mô đất đai nhỏ hẹp; giá sản phẩm đầu ra kém ổn định trong khi chi phí đầu vào liên tục tăng cao; lãi suất vay cao; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn; dịch bệnh làm tăng chi phí và giảm năng suất; công nghiệp hóa, đô thị hóa gây thu hẹp đất đai và cạnh tranh các nguồn lực khác…

“Từ những phân tích trên và nguyên nhân ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân cho ta thấy để giải quyết bài toán tăng thu nhập cho người nông dân không dễ vì có những yếu tố “không thể kiểm soát” 100% được. Tuy nhiên, chúng ta cũng có giải pháp giúp nâng cao thu nhập, hiệu quả sản xuất nông nghiệp của người nông dân”, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn chia sẻ.

Để nâng cao thu nhập cho người nông dân từ sản xuất nông nghiệp thì việc đầu tiên là phải làm sao có được giá bán cao hơn. Tuy nhiên, quan trọng hơn trong lúc này là phải làm sao giảm giá thành sản xuất. Nếu vừa giảm giá thành sản xuất, vừa nâng giá bán thì sẽ giúp nâng cao thu nhập từ sản xuất nông nghiệp cho người nông dân.

Hiện nay, theo TS Trần Công Thắng để có thể giảm chi phí sản xuất thì bà con cần biết tiết kiệm chi phí (giống, phân, thuốc, lao động, nước, đất). Muốn vậy, bà con cần biết phương pháp canh tác hiệu quả (vừa ít tốn vật tư), bền vững (không hại tới môi trường). Bên cạnh đó, có thể tổ chức lại hộ nông dân thành các tổ chức như tổ hợp tác, hợp tác xã để tăng quy mô cánh đồng, thúc đẩy áp dụng máy móc, có lợi thế kinh tế dựa trên quy mô do đó có thể giảm chi phí. Đồng thời, hợp tác xã có thể liên kết mua vật tư đầu vào với chất lượng tốt, giá rẻ hơn.

leftcenterrightdel
Để nâng cao thu nhập cho người nông dân việc đầu tiên là nông sản phải có được giá bán cao hơn. Ảnh: Thúy An

Ngoài ra, có thể tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất giúp bà con có năng suất cao, giống mới. Để đạt được điều này thì bắt buộc cần có vai trò Nhà nước trong việc thúc đẩy nghiên cứu giống mới, vật tư mới và cần có hệ thống khuyến nông chuyển giao những kỹ thuật mới cho người nông dân để dần dần hình thành hệ thống nông dân chuyên nghiệp. Cùng đó, cần đào tạo, nâng cao năng lực cho người nông dân, để họ hiểu biết về sản xuất, thị trường, để họ có tư duy kinh tế nông nghiệp, biết quản trị, quản lý, làm giàu và dần dần lan tỏa tinh thần cho mọi người xung quanh.

Với tư duy kinh tế, người nông dân sẽ biết sản xuất sản phẩm gì mà thị trường cần, theo tiêu chuẩn nào. Họ sẽ biết cách làm sao tích hợp các giá trị vào trong một sản phẩm để có giá bán cao hơn. Đồng thời, với những kiến thức tốt họ có thể hạn chế thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; biết tận dụng các phụ phẩm để thành những nguyên liệu sản xuất quý giá cho những sản phẩm có giá trị kinh tế cao.

leftcenterrightdel
 Ảnh: chinhphu.vn

Bên cạnh việc giảm giá thành thì người nông dân cũng cần phải đảm bảo ổn định giá bán, bán giá cao hơn thì mới có thu nhập cao hơn. Muốn vậy thì cần sản xuất sản phẩm có chất lượng, đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, các yêu cầu khác liên quan đến môi trường xã hội. Để có giá ổn định, đầu ra ổn định thì cần có sự liên kết theo chuỗi đối với các tác nhân. Giải pháp ở đây là làm sao thúc đẩy sự liên kết theo chuỗi, thúc đẩy được mua bán nông sản qua hợp đồng. Hiện nay, chúng ta đã có một số nghị định, chính sách nhưng vẫn chưa mạnh. Cần phải có những chính sách tạo sự thuận lợi, hỗ trợ liên kết theo chuỗi tốt hơn. Nhà nước cũng có thể giúp các hộ nông dân tiếp cận thị trường tốt hơn thông qua các triển lãm, hội chợ, hỗ trợ đào tạo phát triển kênh bán hàng trực tuyến. Việc thúc đẩy đàm phán xuất khẩu nông sản sang các nước cũng là những yếu tố rất quan trọng để phát triển thị trường, tạo điều kiện tiền đề cho thúc đẩy sản xuất.

Cùng đó, phải tạo môi trường sôi động cho thế hệ trẻ tham gia vào sản xuất kinh doanh nông sản. Dần hình thành lực lượng nông dân mới, có tri thức, chuyên nghiệp, hội nhập, trách nhiệm. Phải làm sao hình thành hệ sinh thái ngành hàng nông sản có sự tham gia của Hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia trong và ngoài nước hỗ trợ nâng cao năng lực cộng đồng, nâng cao năng lực cho người nông dân và tổ chức nông dân.

Để giúp người nông dân chia sẻ rủi ro, Nhà nước có thể có chính sách bảo hiểm nông nghiệp. Hiện nay Việt Nam và các nước trong khu vực đều đang cố gắng triển khai chính sách này những vẫn chưa phổ biến, chính sách chưa thực hiện trên diện rộng.

Bên cạnh những giải pháp trên thì một trong giải pháp rất quan trọng là phải tạo điều kiện tăng quy mô hộ sản xuất để góp phần thúc đẩy tích tụ, tập trung tăng hiệu quả sản xuất, thu nhập cho người nông dân. Để làm được điều này thì bên cạnh việc điều chỉnh lại một số chính sách đất đai, thì cần có chính sách không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp mà phải có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, tạo việc làm phi nông nghiệp, phát triển các hoạt động phi nông nghiệp ở địa phương, hay phải có chính sách hỗ trợ làm việc ở khu công nghiệp.


leftcenterrightdel
Ngành nông nghiệp cần ứng dụng những thành tựu trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào sản xuất. Ảnh: Thúy An

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần sớm hình thành đội ngũ những người làm nông nghiệp chuyên nghiệp hội tụ các yếu tố kiến thức, tư duy phát triển kinh tế, kỹ năng sản xuất hiện đại, có phương pháp quản trị, tổ chức liên kết sản xuất phù hợp là rất quan trọng, góp phần phát huy hiệu quả vai trò chủ thể của người nông dân trong xây dựng, phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời cần đổi mới sáng tạo để người nông dân hiểu biết sâu hơn, rộng hơn, tiếp thu thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 nhanh hơn để sớm thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp.

leftcenterrightdel
 

(còn nữa)

VĂN PHONG- NGUYỄN THẢO- THU THỦY