QĐND Online – Sáng 9-6, với 427 đại biểu tán thành (đạt 86,26% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015.
Trước khi thông qua, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết, có ý kiến đề nghị xem xét, sớm thông qua các dự án Luật Biểu tình, Luật về hội, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII. Ý kiến khác đề nghị rà soát thứ tự ưu tiên, tính toán kỹ về thời điểm ban hành của từng dự án cho phù hợp. Cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc việc xem xét các dự án luật này ở 2 khóa Quốc hội; đây là các luật khó, đề nghị chuyển sang nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.
 |
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015. Ảnh: TTXVN
|
Giải trình vấn đề này, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng: Theo Chương trình đã được Quốc hội thông qua, dự án Luật Biểu tình sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9; các dự án Luật về hội, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10-2015). Căn cứ vào tình hình chuẩn bị của Chính phủ, đề nghị Quốc hội cho giữ thời gian trình Quốc hội cho ý kiến dự án Luật về hội, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo tại kỳ họp thứ 10 và đồng ý với đề nghị của Chính phủ lùi thời gian cho ý kiến dự án Luật Biểu tình sang kỳ họp thứ 11 (tháng 3-2016). Do đây là các dự án luật quan trọng nên để có thêm thời gian nghiên cứu, chuẩn bị, đề nghị Quốc hội cho được đưa vào Chương trình thông qua tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV.
Theo Nghị quyết được thông qua, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 được bổ sung: Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1269/2011/NQ-UBTVQH12 ngày 14-7-2011 về biểu thuế bảo vệ môi trường (đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua tại phiên họp tháng 3-2015); Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13 ngày 16-12-2013 về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) thông qua tại kỳ họp thứ 10 theo quy trình tại một kỳ họp Quốc hội; Luật Dược (sửa đổi) cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10; Nghị quyết của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động sau một năm nghỉ việc thông qua tại kỳ họp thứ 9 theo quy trình tại một kỳ họp Quốc hội; Pháp lệnh Quản lý thị trường.
Cùng với đó, Quốc hội quyết định chuyển dự án Luật Khí tượng thủy văn từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 lên Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9, thông qua tại kỳ họp thứ 10; lùi thời gian trình dự án Luật Biểu tình từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 sang Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 11; lùi thời gian trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ từ chương trình thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII sang Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV. Quốc hội cũng quyết định rút dự án Luật Dân số ra khỏi Chương trình năm 2015.
Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, dự kiến sẽ cho ý kiến Luật Biểu tình và thông qua 6 dự án, bao gồm: Luật Tiếp cận thông tin; Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Luật Quy hoạch; Luật Báo chí (sửa đổi); Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Luật Dược (sửa đổi).
Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự
Cũng trong sáng 9-6, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân và dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi).
Về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự, cơ bản có ba loại ý kiến. Đa số ý kiến nhất trí với quy định như trong dự thảo Bộ luật về trách nhiệm của tòa án, cơ quan khác có thẩm quyền của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền dân sự và cho rằng, đây là một trong các nội dung mang tính đột phá, thể hiện giá trị nhân văn của việc sửa đổi Bộ luật dân sự lần này; góp phần thể hiện sự tôn trọng và bảo vệ một cách kịp thời, triệt để hơn quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực dân sự, là một bước đi cụ thể trong việc triển khai thi hành khoản 3 Điều 102 của Hiến pháp năm 2013, theo đó, “Tòa án Nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”; đồng thời, góp phần thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước ta.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị không quy định vấn đề này vì sẽ khó bảo đảm tính khả thi, tạo gánh nặng cho cơ quan xét xử, trong khi theo quy định tại khoản 2 Điều 103 Hiến pháp năm 2013 thì “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Ngoài ra cũng có ý kiến nhất trí về sự cần thiết của việc quy định vấn đề này để tôn trọng, bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân, nhưng lại cho rằng, quy định về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự liên quan nhiều đến thẩm quyền, thủ tục tố tụng nên cần được quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự thay vì quy định trong Bộ luật Dân sự.
Chính phủ nhất trí với ý kiến đa số của nhân dân. Về việc có nên quy định hay không quy định vấn đề này trong Bộ luật Dân sự, Chính phủ cho rằng, quyền được yêu cầu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình là một trong những nội dung cơ bản của quyền dân sự. Mặt khác, dự thảo Bộ luật lần này không chỉ quy định về trách nhiệm thụ lý, giải quyết vụ, việc dân sự đối với tòa án mà còn đối với cả các cơ quan khác có thẩm quyền của Nhà nước như cơ quan hành chính Nhà nước. Do đó, xuất phát từ vị trí, vai trò của Bộ luật Dân sự là luật chung, luật nền của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự thì quy định vấn đề này trong Bộ luật Dân sự là phù hợp.
Tiếp thu ý kiến nhân dân về việc cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự, Chính phủ đã chỉ đạo chỉnh lý quy định về vấn đề này theo hướng, Tòa án, cơ quan khác có thẩm quyền có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân; Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; trong trường hợp này, trước hết ưu tiên áp dụng sự thỏa thuận của các chủ thể, nếu chủ thể không có thỏa thuận thì tập quán, tương tự pháp luật, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ và lẽ công bằng được áp dụng để xem xét, giải quyết (Điều 14).
XUÂN DŨNG