Tín hiệu vui từ “thủ phủ” vải

Đầu tháng 6-2022, chúng tôi về huyện Lục Ngạn-“thủ phủ” vải thiều của tỉnh Bắc Giang. Trò chuyện với chúng tôi trong vườn vải đã chín đỏ, ông Thăng Văn Báo, thôn Muối, xã Giáp Sơn hồ hởi nói: “Giá vải hiện ở mức 30.000-35.000 đồng/kg, nếu giữ được giá này thì người trồng vải chúng tôi vui lắm!”.

Gia đình ông Báo trồng 2ha vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Trong các năm 2020, 2021, để bảo đảm chất lượng, đáp ứng đòi hỏi của người tiêu dùng trên thị trường và xuất khẩu, lại chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, gia đình ông chỉ lãi được khoảng từ 200 đến 300 triệu đồng. Vụ vải năm 2019, do vừa được mùa, lại bán được giá ở mức khá cao, sau khi trừ các chi phí, gia đình ông lãi hơn 700 triệu đồng. Ông Báo chia sẻ, vườn vải của gia đình ông vốn là đất trồng lúa trước đây. Nhưng trồng lúa kém hiệu quả nên gia đình ông quyết chuyển sang trồng vải. Trồng vải lợi gấp hàng chục lần trồng lúa. Từ năm 1990, gia đình ông gắn bó với cây vải.

Cũng có 2ha diện tích trồng vải, ông Trần Đức Thắng, người cùng thôn Muối kể: "Năm 2021, đúng mùa vải thì dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát, nhờ có xã, huyện, tỉnh hỗ trợ nên người dân trong thôn tiêu thụ được vải, nếu không sẽ chẳng biết xoay xở thế nào". Vải nhà ông Thắng được tiêu thụ hết, lãi hơn 200 triệu đồng.

leftcenterrightdel
Ông Thăng Văn Báo trong vườn vải của gia đình. 

Đẩy mạnh tìm thị trường cho vải

Theo thông tin từ UBND huyện Lục Ngạn, vụ vải thiều năm 2022 dự kiến sản lượng quả tươi đạt khoảng 95.000 tấn, trong đó, vải chín sớm khoảng 21.000 tấn, vải chính vụ khoảng 74.000 tấn.

Trao đổi với ông La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, chúng tôi được biết, toàn huyện có khoảng 16.000ha vải thiều, trong đó, hơn 12.000ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn Việt Nam) và GlobalGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn toàn cầu); gần 500ha xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, EU; 100% diện tích vải của huyện đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Hiện giá bán vải sớm ở Lục Ngạn khá cao và ổn định. Đến nay, huyện Lục Ngạn đã tiêu thụ khoảng 5.000 tấn vải, giá dao động từ 18.000 đến 35.000 đồng/kg, cao hơn so với năm 2021.

Theo ông La Văn Nam, phía Trung Quốc vẫn dành riêng luồng xanh cho vải thiều xuất khẩu của Việt Nam. Sau khi kiểm dịch xong, vải thiều sẽ được tập kết vào một bãi riêng, có đường riêng xuất khẩu nhanh nhất sang nước bạn. Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc từ năm 2018 trở về trước chiếm 60-70% tổng lượng vải của Lục Ngạn, tiêu thụ nội địa chỉ chiếm 30-40%. Nhưng đến năm 2021, xuất khẩu sang thị trường nước bạn chỉ chiếm khoảng 50%, tiêu thụ nội địa chiếm 50%. Năm nay thị trường tiêu thụ trong nước có thể lên đến 60-65%, xuất khẩu sang thị trường nước bạn chỉ chiếm khoảng 30-35%.

Lường trước khó khăn từ phía các thị trường, ngay từ đầu năm 2022, UBND huyện Lục Ngạn đã chỉ đạo ngành nông nghiệp hướng dẫn, tập huấn cho người dân cũng như giám sát việc tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật chăm sóc, bảo đảm sản phẩm quả vải có chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu cao về kiểm định chất lượng để xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Mỹ... Hiện nay, vải thiều đã chín và vào chính vụ thu hoạch. "Năm nay, khó khăn lớn nhất chính là kiểm dịch bảo vệ thực vật và kiểm dịch Covid-19. Huyện đã chủ động làm việc với lực lượng chức năng Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh), Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn); trao đổi với lãnh đạo hai tỉnh Hà Giang, Lào Cai để mở rộng thêm các cửa khẩu, giúp sản lượng vải xuất sang nước bạn được nhiều hơn", ông Nam chia sẻ.

Mấy tháng qua, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Lục Ngạn đã trực tiếp đi đến các chợ đầu mối ở miền Nam để chào hàng và kết nối tiêu thụ, như chợ đầu mối ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Cần Thơ, Sóc Trăng. Không chỉ tìm thị trường tiêu thụ cho vải theo cách truyền thống, những năm gần đây, nhất là khi đại dịch Covid-19 xảy ra, huyện Lục Ngạn và cả tỉnh Bắc Giang đã đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại điện tử; nhờ đó, việc hỗ trợ tiêu thụ vải cho bà con nông dân trên địa bàn có thêm kênh tiêu thụ mới. Riêng năm 2021, lượng vải tiêu thụ của huyện Lục Ngạn trên các sàn giao dịch điện tử khoảng 9.000 tấn. Năm nay, hình thức quảng bá, tiêu thụ vải thiều tiếp tục được Bắc Giang và huyện Lục Ngạn triển khai thực hiện.

Tin vui nữa với người dân vùng vải là dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 31 từ thành phố Bắc Giang lên huyện Lục Ngạn có tổng chiều dài 39,1km, với tổng mức đầu tư 863,6 tỷ đồng, dự kiến cuối tháng 6-2022 khởi công, phấn đấu đến đầu năm 2024 sẽ hoàn thành; góp phần giúp vải Lục Ngạn tỏa đi muôn phương dễ dàng, nhanh chóng, thuận lợi hơn.

 Sản lượng vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang năm 2022 ước đạt 180.000 tấn, trong đó, vải sớm khoảng 60.000 tấn, vải chính vụ khoảng 120.000 tấn. Thời gian thu hoạch vải thiều sớm từ ngày 20-5, vải thiều chính vụ từ ngày 10-6 đến ngày 25-7.

Bài và ảnh: NGUYỄN KIỂM