Và sau ít năm, 1,9ha đất hoang hóa được Nguyễn Ngọc Hà biến thành mô hình trang trại tổng hợp, tạo việc làm ổn định cho 7 lao động, với doanh thu 200 triệu đồng/năm. Mô hình trang trại tổng hợp của Nguyễn Ngọc Hà là một điển hình phản ánh cách xây dựng nông thôn mới (NTM) của xã Liên Lộc.

Liên Lộc vốn là xã thuần nông, diện tích đất canh tác eo hẹp, lại không màu mỡ. 5 năm trước, khi bàn về việc xây dựng NTM, không ít cán bộ, đảng viên, người dân trong xã đều lắc đầu vì thấy... khó. Và cho đến bây giờ, khi xã vừa được công nhận đạt chuẩn NTM, với cả 19 tiêu chí đều đạt và vượt mức quy định, thì nhiều người vẫn cảm thấy khó tin.

Vì sao như vậy? Làm gì cũng cần có vốn. Ước tính để xây dựng, củng cố hạ tầng cơ sở, xã cần 130 tỷ đồng. Tâm lý ban đầu, ai cũng trông ngóng, dựa vào nguồn lực từ Trung ương và tỉnh. Nhưng nguồn vốn Trung ương chỉ hỗ trợ xã 3,5 tỷ đồng; nguồn vốn từ tỉnh cấp cho chương trình xây dựng NTM được gần 6 tỷ đồng... Vậy nguồn vốn biết dựa vào đâu? Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Mậu chia sẻ:

- Thấy rõ thuận lợi, khó khăn của xã, ngay từ đầu, Đảng ủy, UBND xã xác định phải tuyên truyền, vận động đến từng người dân, cộng đồng dân cư nhận thức đầy đủ và sâu sắc, xác định rõ trách nhiệm, vai trò chủ thể trực tiếp thực hiện xây dựng NTM với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ” thành quả xây dựng NTM.

Ngay sau khi ra nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM, thành lập Ban chỉ đạo, đồng thời xây dựng chương trình hành động thực hiện, Đảng ủy xã đã phân công các đồng chí Ủy viên Ban thường vụ, Ban chấp hành, các ngành, đoàn thể, cán bộ công chức phụ trách và hướng dẫn từng thôn tổ chức thực hiện. Từ đó căn cứ vào điều kiện thực tế của xã, xây dựng đề án, kế hoạch cụ thể từng năm và triển khai đến các đơn vị thực hiện. Cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên giao ban để nắm tình hình, tâm tư nguyện vọng của nhân dân và những khó khăn cần tháo gỡ để đề án đi vào cuộc sống; khuyến khích mọi người dân suy nghĩ, sáng tạo ra cách tìm nguồn vốn, cách làm mới.

Hệ thống giao thông nông thôn ở xã Liên Lộc được xây dựng khang trang, sạch đẹp.

Là xã thuần nông, Đảng ủy xã đã xác định trước hết phải đi lên từ sản xuất nông nghiệp. Đảng ủy, UBND xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu lao động, chuyển đổi ruộng đất, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ cây trồng, vật nuôi; khuyến khích tăng quy mô sản xuất phát triển hợp tác xã, trang trại, gia trại. Các giống lúa Thiên ưu 8, BC15, LT2, Bắc Thơm số 7, Nam Dương được khuyến khích đưa vào gieo trồng, thực hiện gieo trồng đúng thời vụ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Thực hiện chương trình cải tạo vườn tạp, đưa các giống cây có năng suất, hiệu quả kinh tế cao, như: Na, nhãn, hồng xiêm… vào trồng; tập trung thực hiện quy hoạch nông nghiệp, như vùng lúa thâm canh năng suất, chất lượng, hiệu quả cao chiếm 75% tổng diện tích, năng suất luôn đạt từ 62 tạ/ha trở lên. Đến nay, cùng với chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất NTM, toàn xã đã có 25 trang trại, gia trại và cơ sở chăn nuôi tập trung chăn nuôi gia súc, gia cầm, đi vào hoạt động đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động.

Trong điều kiện công nghiệp, dịch vụ chưa phát triển, Liên Lộc đã tìm ra hướng đi chắc chắn bằng cách “công nghiệp hóa nông nghiệp”, khuyến khích nhân dân đưa máy móc, kỹ thuật vào sản xuất, tạo năng suất cao, nâng cao thu nhập. Các ngành nghề truyền thống, như: Mộc, xây dựng, may mặc… được quan tâm phát triển, tạo ra nguồn thu nhập của nhân dân trong lĩnh vực công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp ổn định 5-7 triệu đồng/người/tháng.

Tầm nhìn của lãnh đạo xã trong xây dựng NTM thể hiện ở việc biết bắt đầu từ xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Dù là xã nghèo, nhưng Liên Lộc sớm đầu tư xây dựng nhà văn hóa 5/5 thôn khang trang, cùng các sân vận động, khu vui chơi thể thao được đưa vào hoạt động nền nếp. Đội văn nghệ quần chúng mà hạt nhân thường là những người cao tuổi khiến đời sống văn hóa nông thôn đi vào thực chất, “sáng thể dục, chiều thể thao, tối cất cao tiếng hát”. Nhiều thanh niên sau một thời gian ly hương, quay về thấy quê hương thực là nơi “đáng sống” đã ở lại xây dựng NTM.

Và câu chuyện huy động nguồn lực trong dân cũng sớm tìm được câu trả lời. Liên Lộc đã thực hiện mô hình xây dựng hạ tầng cơ sở theo phương châm “từ nhà ra ngõ”. Tức là, trước hết xã vận động người dân tự đầu tư xây dựng ngôi nhà của mình khang trang trước. 8 năm qua, đã có gần 600 gia đình tự huy động vốn để xây mới, cải tạo, chỉnh trang nhà ở của mình. Nhà đẹp, khang trang thì con cháu đi xa cũng về thăm nhiều hơn, từ đó nảy sinh nhu cầu nâng cấp “điện, đường, trường, trạm”. Xã đã khai thác có hiệu quả các nguồn thu trên địa bàn, vận động nhân dân đóng góp, vận động con em Liên Lộc đang học tập và công tác trong và ngoài tỉnh ủng hộ, cùng với ngân sách Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng, đến nay cơ bản đã hoàn thành các hạng mục công trình phục vụ tốt cho nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ dân sinh.

Một niềm vui lớn của người dân Liên Lộc là cầu Thắm (thuộc địa bàn xã) trên Quốc lộ 10 bắc qua sông Lèn được Bộ Giao thông vận tải đầu tư xây dựng. Giao thông, thủy lợi thêm thuận tiện, Liên Lộc được ví như “từ trong ngõ ra mặt đường”.

Nhưng “con đường lớn nhất” mà Liên Lộc xây dựng thành công đó chính là làm cho người dân thấy được vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM.

 Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG - VĂN TOAN