QĐND - Lâu nay, cà phê ở nước ta vẫn bị mang tiếng là không có thương hiệu cũng như giá trị không cao trên thị trường thế giới. Sản phẩm cà phê xuất khẩu của nước ta có giá trị cạnh tranh thấp nên luôn bị thua thiệt, gây thiệt hại cho người sản xuất và kinh doanh. Ở Đắc Lắc, thủ phủ của cà phê Tây Nguyên, có một hợp tác xã (HTX) chuyên trồng, chế biến cà phê đang có những cách làm, bước đi đột phá để xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Chúng tôi về HTX Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Kiết khi các thành viên của đơn vị này đã hoàn tất thu hái cà phê niên vụ 2015. Đứng chân trên địa bàn xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar, đây là HTX nông nghiệp đi đầu trong áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cà phê chất lượng cao vì sức khỏe cộng đồng, sản phẩm luôn bán được với giá cao hơn tới 30-40% so với giá thị trường.

Chế biến cà phê ướt của HTX Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Kiết.

Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Kiết Nguyễn Văn Phúc cho biết, đầu năm 2011, HTX được thành lập với 48 thành viên, đến nay đã có 97 thành viên với tổng diện tích hơn 183ha, tổng sản lượng năm 2015 đạt 722,2 tấn. Mục đích của HTX là liên kết các hộ trồng cà phê có cùng nhu cầu để giúp đỡ và phát triển, làm gia tăng giá trị sản phẩm cà phê. Được hỗ trợ về vật tư nông nghiệp, kỹ thuật canh tác, chế biến bảo quản và cùng nhau cam kết tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn canh tác cà phê tiên tiến của thế giới, đến nay HTX đã được Tổ chức Quốc tế về thương mại công bằng (FLO) cấp chứng nhận cà phê bền vững Fairtrade.

Sản phẩm của HTX đưa ra thị trường đã tương đối nhiều, được người tiêu dùng trong nước chấp nhận, trong đó có cà phê bột Robusta và HTX đang từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cà phê này. Tất cả các sản phẩm của HTX đã được đăng ký bảo hộ, gồm cả bao bì, mã vạch.

Để nâng cao chất lượng và tạo ra sản phẩm tốt nhất, HTX đã đầu tư nhà máy chế biến cà phê ướt. Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác, chăm sóc nên cà phê của xã viên bán được với giá cao hơn so với giá thị trường. Ông Nguyễn Văn Phúc cho biết, hiện nay, giá cà phê của xã viên HTX bán được 40.000 đồng/kg, cao hơn so với thị trường 8.000 đồng/kg. Riêng đối với cà phê chế biến ướt bán được giá cao hơn 6.000 đồng/kg so với thị trường. Thu nhập bình quân ước đạt 154 triệu đồng/ha.

Có thể thấy rõ lợi ích của các xã viên khi tham gia HTX. Ngoài việc bán được cà phê với giá thành cao, không bị tư thương ép giá, thì thành viên HTX còn được cấp chứng nhận cà phê bền vững, được hỗ trợ dịch vụ phân bón; được thưởng từ 200-300 đồng/kg cà phê quả tươi chín từ 80% trở lên...

Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt của những thành viên HTX về một vụ cà phê được mùa, được giá và không ít kỳ vọng vào những vụ mùa tiếp theo khi sản phẩm cà phê của xã viên đã được bảo hộ và từng bước khẳng định được chất lượng, thương hiệu trên thị trường. HTX Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Kiết thực sự là mô hình HTX kiểu mới, gắn kết tập thể hộ nông dân với doanh nghiệp, cùng nông dân đưa sản phẩm vươn ra thị trường thế giới, khẳng định và nâng cao vị thế cà phê Việt Nam.

Bài, ảnh: MINH MẠNH - BÌNH ĐỊNH