QĐND Online – Đó là cảm nhận của nhiều người tham dự Lễ trao giải Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý" lần thứ 6 (2014-2015) và Chương trình giao lưu-nghệ thuật với chủ đề “Trọn đời theo Bác”, được tổ chức trọng thể tại Nhà hát Bến Thành (TP Hồ Chí Minh) tối 9-6. Chương trình do Báo Quân đội nhân dân (QĐND) phối hợp với Tổng công ty Cổ phần dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần công thương Việt Nam (VietinBank) tổ chức; được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2 (Đài Truyền hình Việt Nam) và ghi hình phát sóng trên Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam; phát thanh trực tiếp trên hệ Thời sự-chính trị-tổng hợp VOV1 (Đài Tiếng nói Việt Nam)...
Rừng hoa nở rộ
 |
Ca sĩ Thanh Thúy và tốp múa thể hiện bài hát "Tự nguyện" trong Lễ trao giải và chương trình giao lưu-nghệ thuật. |
Đến dự Lễ trao giải và Chương trình giao lưu-nghệ thuật có các đồng chí: Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Mai Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Thượng tướng Bùi Văn Huấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Thiếu tướng Nguyễn Gia Hòa, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7; Phạm Quốc Toàn, Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Hùng Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam; Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo QĐND, Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi; đại diện cán bộ, chiến sĩ LLVT và nhiều tấm gương người tốt xuất hiện trong các tác phẩm của Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 6 (2014-2015) do Báo Quân đội nhân dân tổ chức.
Ca khúc “Tiếng hát từ Thành phố mang tên Người” do Nghệ sĩ ưu tú Việt Hoàn cùng các diễn viên Đoàn văn công Quân khu 7 thể hiện, mở đầu Lễ trao giải và Chương trình giao lưu-nghệ thuật, khiến lòng người rưng rưng xúc động, tự hào, càng thêm nhớ Bác và đinh ninh lời dạy của Người: "Mỗi người tốt, việc tốt là một bông hoa đẹp. Cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp". Nhớ lời Bác dạy, các thế hệ người Việt Nam trong suốt những năm qua vẫn ra sức thi đua làm việc tốt, để cho rừng hoa người tốt, việc tốt mỗi ngày thêm phát triển, thêm rực rỡ, qua đó tạo ra đề tài vô cùng phong phú cho Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý”.
 |
Thượng tướng Nguyễn Thành Cung trao giải nhất Cuộc thi viết lần thứ 6 (2014-2015) tặng tác giả Nguyễn Hồng Hải. |
Giải nhất Cuộc thi viết năm nay được Thượng tướng Nguyễn Thành Cung trao tặng Trung tá Nguyễn Hồng Hải (bút danh Nguyễn Thị Hương), tác giả bài viết “Hai cựu chiến binh phá nhà, hiến đất xây dựng nông thôn mới”; ngoài ra, 2 giải nhì, 3 giải ba, 9 giải khuyến khích đã được trao cho các tác giả có các tác phẩm xuất sắc tham dự Cuộc thi. Tập thể đoàn viên, thanh niên Học viện An ninh nhân dân đã được trao giải đặc biệt vì có nhiều bài dự thi và cách quảng bá về cuộc thi sinh động, độc đáo.
Cuộc thi viết lần thứ 6 thu hút hơn 200 tác phẩm gửi về dự thi. Ban tổ chức đã lựa chọn 107 tác phẩm đăng trên các ấn phẩm của Báo QĐND. Trong mỗi tác phẩm đều xuất hiện những tấm gương bình dị, có những việc làm cao quý vì đất nước, vì cộng đồng và có tác dụng lan tỏa sâu sắc trong xã hội. Các phóng sự truyền hình do Báo QĐND thực hiện, trình chiếu trong Lễ trao giải và Chương trình giao lưu-nghệ thuật đã mang đến cho người tham dự và khán giả truyền hình những cảm nhận sâu sắc về sức mạnh và sự lan tỏa của lòng nhân ái. Những tấm gương người tốt được phản ánh trong các phóng sự đã và đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực, thuộc nhiều lứa tuổi, ngành nghề khác nhau...nhưng họ đều có một điểm chung là luôn khát khao làm việc tốt, khát khao cống hiến vì sự phát triển của đất nước, vì hạnh phúc của những người sống quanh mình.
 |
Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa và đồng chí Võ Văn Thưởng trao giải nhì cho các tác giả. |
Trong tác phẩm đạt giải nhất Cuộc thi viết năm nay - “Hai cựu chiến binh phá nhà, hiến đất xây dựng nông thôn mới” - đã tỏa sáng những việc làm tốt vì cộng đồng, vì xã hội, của 2 cựu chiến binh ở xã Nam Nghĩa, huyện Nam Đàn, Nghệ An. Họ đã tự nguyện phá dỡ nhiều tài sản có giá trị trên đất ở của mình để hiến hàng trăm mét vuông đất phục vụ xây dựng nông thôn mới, qua đó cổ vũ phong trào hiến đất rộng khắp ở địa phương. Còn nhiều lắm những tấm gương người tốt xuất hiện trong nhiều tác phẩm khác: Đó là ông Nguyễn Lán ở Hà Tĩnh trong tác phẩm "Ông chủ rừng nơi cửa biển", tuy tuổi cao, sức yếu nhưng vẫn miệt mài mấy chục năm trồng rừng, mang lại màu xanh cho quê hương, đồng thời tham gia cứu gần 40 người bị đuối nước; là thầy giáo trường làng ở Chương Mỹ (Hà Nội) với nghị lực phi thường, bị khuyết tật, viết chữ bằng miệng nhưng vẫn mở lớp học miễn phí, dìu dắt hàng trăm học sinh tiến bộ; là bữa mì trưa tràn đầy tình thương của một cô giáo ở Đồng Nai, giúp những học trò nghèo nhà xa thêm ấm bụng; là ông Lê Văn Ý, thương binh hạng 1/4 (tỷ lệ thương tật 83%), ở ấp Mỹ Sơn Đông, xã Phú Mỹ, huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre, dành dụm tiền lương để giúp các cháu học sinh nghèo tiếp tục được đến trường; là người cựu chiến binh ở Hà Nội luôn hết lòng với Trường Sa, hằng tháng tiết kiệm tiền lương, thậm chí dành cả tiền con cháu chúc Tết, mừng thọ, để giúp cán bộ, chiến sĩ mua sắm trang bị phục vụ nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo và giúp ngư dân vươn khơi bám biển, bám ngư trường...
Đề cập đến Cuộc thi viết, Thiếu tướng Phạm Văn Huấn nhấn mạnh: "Chúng tôi quan niệm, tôn vinh những con người tốt, những việc làm tốt là trách nhiệm, tình cảm và đạo đức nghề nghiệp của các nhà báo. Qua việc tôn vinh những tấm gương, những việc làm tiêu biểu sống, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại, những người làm Báo QĐND thấy mình trưởng thành hơn và uy tín của tờ báo được nâng cao hơn trong lòng bạn đọc”.
 |
Các đồng chí Trương Minh Tuấn, Phạm Quốc Toàn, Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, trao giải ba tặng các tác giả. |
Sức mạnh của tình người
Là nhân vật trong bài viết “Má Ngọc” và học bổng “1&1” đã được đăng trên Báo Quân đội nhân dân hằng ngày, bà Lê Minh Ngọc, Phó chủ tịch Hội khuyến học TP Hồ Chí Minh đã mang đến chương trình giao lưu-nghệ thuật những chia sẻ dung dị mà vô cùng sâu sắc. Bố bà Ngọc là liệt sĩ trong kháng chiến chống Pháp. Năm 1955, bà được ra miền Bắc học tập. Đến năm 1959, từ trường học dành cho học sinh miền Nam ở Hải Phòng, bà Ngọc được về Hà Nội gặp Bác Hồ.
"Trong lần gặp ấy, Người đã ân cần trò chuyện và dặn dò tôi: “Cháu nhớ miền Nam, nhớ má lắm phải không? Càng nhớ thì càng phải học cho tốt, tu dưỡng thật tốt, để mai này về miền Nam phục vụ quê hương”", bà Lê Minh Ngọc nghẹn ngào nhắc lại kỷ niệm sâu sắc và chia sẻ rằng, những kỷ niệm trong lần gặp Bác và lời dạy của Người sẽ theo bà đến trọn cuộc đời.
 |
Bà Lê Minh Ngọc (thứ 2, từ phải qua) và Thiếu tá Phùng Văn Liêm tham gia giao lưu. |
Nhớ lời Bác dạy, bà Lê Minh Ngọc đã nỗ lực cố gắng vươn lên, đóng góp tích cực cho ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh. Về hưu, bà lại tham gia Hội Khuyến học thành phố, bởi muốn tiếp tục góp phần thực hiện mong ước của Bác lúc sinh thời, đó là "ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Bà hình thành ý tưởng và triển khai có hiệu quả Qũy học bổng “1&1” (tức là một ân nhân chu cấp học bổng cho một sinh viên vượt khó, học giỏi). Nhờ quỹ học bổng này, nhiều sinh viên nghèo, học giỏi tiếp tục được thực hiện ước mơ đến giảng đường đại học. Tính đến nay, sau 14 năm triển khai, đã có 2.075 sinh viên được nhận Học bổng “1&1” với tổng số tiền gần 16 tỷ đồng, trong đó có 1.056 sinh viên tốt nghiệp đại học. Có không ít sinh viên được nhận Học bổng “1&1” trước đây lại triển khai các quỹ học bổng khác, giúp những học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.
Trong năm qua, cán bộ, chiến sĩ quân đội, trong đó có Tiểu đoàn hỗn hợp đảo Mê, Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa tiếp tục thực hiện nhiều việc làm có ý nghĩa, tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”. Đến với chương trình giao lưu-nghệ thuật, Thiếu tá Phùng Văn Liêm, Chính trị viên Tiểu đoàn hỗn hợp đảo Mê đã chia sẻ câu chuyện trồng cây và “trồng người” ở đơn vị mình. Để đảo có màu xanh mát mắt như hôm nay, bao lớp cán bộ, chiến sĩ đảo Mê đã miệt mài đào đá, gùi từng bao đất, chuyển từng xô nước dưới chân đồi lên đồi trồng cây, trồng rau. Chính quá trình tu dưỡng, rèn luyện, vượt lên gian khó đã giúp cán bộ, chiến sĩ của đảo ngày càng trưởng thành hơn; hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ đã qua công tác ở đảo Mê khi về với đời thường đều phát huy tốt và làm lan tỏa phẩm chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”.
“Dì Tư hiến máu” - đó là cái tên thân thương mà bà con nhân dân địa phương dành cho bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, ở ấp 4, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Hơn 21 năm TP Hồ Chí Minh phát động phong trào hiến máu tình nguyện thì bà Nhàn đã tham gia 19 năm với hơn 80 lần hiến máu, mặc dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn: Nhà phải đi thuê nay chỗ này mai chỗ khác; chồng mắc bệnh vẫn phải chạy xe ôm; bản thân bà phải dọn nhà, giặt đồ thuê kiếm sống. Năm 2010, bà được tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận là người phụ nữ có số lần hiến máu nhiều nhất; tháng 1-2015, bà được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao giải thưởng tình nguyện quốc gia năm 2014; và ngay trong buổi sáng 9-6-2015, bà được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích tham gia phong trào hiến máu tình nguyện. Một điều đáng nói nữa là bà Nhàn đã vận động những người trong gia đình và mọi người xung quanh cùng tham gia hiến máu với mình. Đến nay, bà đã hình thành được một nhóm gần 30 người cứ đến định kỳ lại đi hiến máu tình nguyện.
 |
Ông Nguyễn Tấn Hòa (thứ 2, từ phải qua), Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam và bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (thứ 3, từ phải qua) tham gia giao lưu. |
Trong đêm giao lưu, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã có những sẻ chia dung dị song khiến mọi người vô cùng xúc động về lý do hiến máu của mình. Năm 1997, đến thăm một người bạn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, bà Nhàn gặp một bệnh nhi bị bệnh máu trắng, nhưng gia đình không có tiền để thay máu. Bà liền xin bệnh viện được hiến máu để cứu chữa cho cháu bé. Sau lần đó, bà thấy mình phải có trách nhiệm chia sẻ, đồng hành, gắn bó với hoạt động hiến máu tình nguyện. Bà Nhàn cũng đã đăng ký hiến xác cho y học sau khi mình qua đời, đơn giản vì nghĩ rằng sống đã giúp người thì chết cũng nên làm việc gì đó có ích cho xã hội.
Câu chuyện của 3 trong hàng trăm tấm gương người tốt, việc tốt xuất hiện trong Cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý" lần này là minh chứng sinh động cho sức mạnh của tình người. Nó thôi thúc mỗi người hướng đến những việc làm bình dị nhưng vô cùng cao quý một cách vô điều kiện, tạo ra sự ảnh hưởng tích cực, to lớn đối với sự phát triển của cộng đồng, xã hội.
Nhân lên những tấm gương
Tham dự Lễ trao giải và Chương trình giao lưu-nghệ thuật, ông Nguyễn Tấn Hòa, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) chia sẻ, đồng hành với Cuộc thi từ 6 năm nay, tập thể cán bộ và những người lao động ở PTSC đã được chứng kiến và rất xúc động trước nhiều tấm gương người tốt, việc tốt. Đó cũng chính là nguồn động lực động viên, cổ vũ cán bộ, nhân viên, người lao động ở PTSC phải lao động bằng tinh thần, trách nhiệm, với trí tuệ và năng lực cao nhất của mình để đem lại lợi ích cho xã hội, cho từng người lao động.
 |
Các tác giả đạt giải chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương và Báo Quân đội nhân dân. |
Phát biểu tại Lễ trao giải và Chương trình giao lưu-nghệ thuật, Thượng tướng Nguyễn Thành Cung biểu dương và đánh giá cao những kết quả đạt được trong Cuộc thi viết lần này. Đồng chí Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, Cuộc thi đã góp phần tuyên truyền, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ngày càng thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị. Các tác phẩm đều đề cập tới những con người cụ thể, những việc làm cụ thể trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác; được thể hiện chân thực và cảm động. Những nhân vật trong các bài viết rất đa dạng, từ các đồng chí cán bộ, đảng viên lão thành, các cựu chiến binh, đến những thanh niên, sinh viên; từ những tiến sĩ, kỹ sư, giám đốc doanh nghiệp đến những cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an đang làm nhiệm vụ ở những nơi gian khó, và rất nhiều người là nông dân, người lao động... Những tấm gương như thế có sự truyền cảm, sức cổ vũ, lay động rất lớn cộng đồng.
Thượng tướng Nguyễn Thành Cung mong muốn, Báo QĐND tiếp tục đi sâu vào cuộc sống, phát hiện thêm nhiều tấm gương sáng của các tập thể và cá nhân để kịp thời nêu gương, cổ vũ, nhân rộng điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Tiếp nối những ca khúc nổi tiếng ca ngợi Đảng, Bác Hồ, đất nước, Quân đội, chùm ca khúc “Khát vọng tuổi hai mươi” và liên khúc “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”, “Hát mãi khúc quân hành”, “Tổ quốc gọi tên mình” đã khép lại đêm trao giải và giao lưu-nghệ thuật. Cùng với niềm vui lan tỏa trong buổi tối hết sức ý nghĩa này, mọi người tiếp tục gửi gắm niềm tin và hy vọng sẽ có nhiều gương “người tốt, việc tốt” tiếp tục nảy nở và được phản ánh sinh động, sâu sắc trong Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 7 (2015-2016).
Bài, ảnh: PHẠM HOÀNG HÀ