QĐND - Biết tin ông Diến trú ở phường Tân Thành, TP Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc) sắp xây nhà, bà con lối xóm ai cũng đến để chia vui. Thế nhưng từ khi nhà ông gọi xe chở vật liệu chuẩn bị xây nhà, trong hẻm bắt đầu có lời ra tiếng vào.

Con hẻm chạy qua cửa nhà ông Diến là đường “tiểu ngạch”, nối giữa hai trục đường chính, cả hẻm có gần 20 hộ dân sinh sống. Trước đây, bà con đi ra đường chính hoặc qua lại thăm nhau rất thuận tiện. Nhà ông Diến nằm ở giữa con hẻm, để thuận lợi cho việc xây dựng, ông yêu cầu xe tải chở vật liệu về đổ ngay tận cổng. Chuyện cũng chẳng có gì phức tạp nếu gia đình ông chịu khó thu dọn vật liệu cho gọn gàng. Đằng này, xe tải đổ xuống ra sao, ông cứ để nguyên như vậy, vật liệu xây dựng tràn cả ra đường. Người đi bộ có thể dò dẫm mà qua, nhưng xe đạp, xe máy hay ô tô thì đành chịu.

Thấy gia chủ dễ dãi không nhắc nhở, dọn dẹp gì, nên thợ thuyền cứ bày các loại dụng cụ thi công ra kín lối không ai đi qua được. Gặp ai, ông Diến cũng xoa tay: “Các bác thông cảm, nhà em đang làm nên bừa bộn, các bác chịu khó đi vòng một chút”.

Thực ra, trước đây trong con hẻm, mỗi khi nhà ai có công việc, bà con đều sẵn lòng giúp đỡ và thông cảm. Năm ngoái, nhà cô Quang cưới con gái, vì diện tích sân quá chật chội, có lời xin phép bà con để dựng rạp đón khách ngoài đường, bà con vẫn vui vẻ tạo điều kiện. Trong hẻm cũng đã có hàng chục hộ xây nhà, nhưng mỗi lần có xe tải đổ vật liệu, gia chủ đều tranh thủ thu dọn cho gọn lại, lấy lối để bà con đi. Còn nhà ông Diến thì cứ đổ vật liệu tràn lan mặc nhiên xem con hẻm như đất nhà mình...

Có hôm, mới sáng sớm, chiếc xe tải chở vật liệu cho nhà ông Diến vào hẻm, bít hết cả lối đi, bụi xi măng bay khắp nơi. Anh Huy, hàng xóm của ông Diến, dắt xe máy ra cổng để đi làm thì bị chiếc xe tải chắn lối, đành phải gọi tắc-xi cho kịp giờ… Buổi chiều đi làm về, anh Huy lại càng bực hơn khi có một đống bột xi măng rơi vãi ngay trước cổng mà chẳng thấy ai thu dọn. Gặp mấy hôm trời mưa, đống cát nhà ông Diến chảy tràn khắp nơi, cũng không thấy gia đình ông dọn dẹp, che chắn gì. Biết bà con bức xúc, bác Tổ trưởng Tổ liên gia và một số bác hưu trí cũng tế nhị góp ý, thế nhưng ông Diến cứ cười xòa: “Cả đời em mới làm nhà một lần, các bác thông cảm, mấy hôm nữa là hết thôi”.

Nhắc nhở nhẹ nhàng không xong, có người bức xúc định làm đơn gửi chính quyền, nhưng nghĩ đi nghĩ lại họ đành thôi, vì dẫu sao cũng là hàng xóm láng giềng. Họ chỉ ngao ngán rỉ tai nhau: “Sống giữa tập thể, mỗi người nên có ý thức tự giác trong hành vi, cư xử, hạn chế thấp nhất sự phiền toái cho những người khác...”.

VIỆT HÙNG