QĐND - Công ty TNHH MTV Đầu tư Xây dựng Vạn Tường (gọi tắt là Công ty Vạn Tường), Quân khu 5, được xem là đơn vị “mở tuyến” đầu tiên khi thi công gói thầu số 33, trên địa bàn xã Hiếu, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum, thuộc tuyến đường Trường Sơn Đông năm 2007. Sau năm 8 xẻ núi, ngủ rừng, các gói thầu đơn vị đảm trách đều về đích đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật. Điều đặc biệt là những gói thầu công ty thi công đều thuộc dạng “khó khăn” nhất tuyến.

Chúng tôi có mặt tại cầu Đắc Lô thuộc xã Ngọc Tem, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum, một trong những cây cầu vừa được bàn giao, đưa vào khai thác, sử dụng trên tuyến đường Trường Sơn Đông, giữa núi rừng Tây Nguyên đại ngàn. Đại tá Trịnh Minh Phiếu, Đảng ủy viên Quân khu, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Công ty Vạn Tường Quân khu 5, cho biết: Để hoàn thành được cầu Đắc Lô dài hơn 70m với 3 nhịp (24m một nhịp) qua sông Đắc Lô theo đúng cam kết là cả sự “dày công” của tập thể cán bộ, công nhân viên, người lao động công ty trong thực hiện gói thầu Đ19 (gồm cầu và đường với chiều dài 7km) trên địa bàn xã Ngọc Tem. Đây được xem là một trong những gói thầu khó khăn nhất trên tuyến đường Trường Sơn Đông, vì vị trí gói Đ19 ở giữa tuyến, đường vào khu vực công trường không có, bốn phía đều là núi cao, dốc đứng. Quá trình vận chuyển lương thực, thực phẩm vào công trường, công ty đều phải thuê nhân công gùi thức ăn đi men theo lối mòn mới vào được chỗ lán ở. Chưa kể địa chất, khí hậu nơi đây hết sức phức tạp nên quá trình thi công cầu và đường, công ty phải tiến hành nhiều biện pháp xử lý kỹ thuật phức tạp mới bảo đảm được chất lượng, tiến độ thi công.

Công trường gói thầu 12, trên địa bàn xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam do Xí nghiệp 103 thi công.

Được xem là một trong những nhà thầu đối mặt với nhiều thách thức nhất khi thi công các gói thầu trên tuyến đường Trường Sơn Đông vì các gói công ty đảm nhiệm đều qua những vùng địa chất, khí hậu phức tạp, nhưng ở đâu Công ty Vạn Tường cũng về đích đúng thời hạn theo cam kết, bảo đảm chất lượng về kỹ thuật, mỹ thuật công trình. Nhớ lại ngày vào địa bàn xã Hiếu, huyện Kon Plong (tỉnh Kon Tum) để thi công gói thầu số 33 dài 10km năm 2007, một trong những gói khó khăn nhất và cũng là gói khởi công mở tuyến đầu tiên, Đại tá Trịnh Minh Phiếu chia sẻ: “Thời điểm đó, đường vào tuyến chưa có, địa hình lại hiểm trở, anh em phải phá đá, nổ mìn, tách núi để làm đường công vụ từ Quốc lộ 24 cắt rừng vào công trường. Khó khăn trăm bề đối với những người tiên phong đi “mở tuyến”, nhưng cái khó nhất chính là khu vực công ty thi công lại là “rốn mưa” của vùng Tây Nguyên. 6 đến 7 tháng trời mưa ròng rã, bùn đất lúc nào cũng nhão nhoét. Chở được xe đá từ dưới huyện xa 60-70km lên mất trọn ngày đường để thi công, thế nhưng chỉ sau một trận mưa, công sức của cán bộ, công nhân viên, người lao động công ty lại trở thành “dã tràng xe cát” do mưa lũ xóa sạch. Quá trình “vật lộn” với thiên nhiên để hình thành con đường qua địa bàn xã Hiếu cứ thế được cán bộ, công nhân viên, người lao động công ty kiên trì thi công từng ngày, đến nay đoạn qua xã Hiếu đã được đưa vào khai thác, sử dụng, góp phần đánh thức vùng đất nghèo khó xa xôi nơi đây thành một trong những địa bàn tiềm năng về phát triển kinh tế-xã hội trong khu vực, giúp người dân đi lại được thuận lợi.

Không chỉ nỗ lực vượt khó để hoàn thành thi công các gói thầu: Đ33 (xã Hiếu), Đ19 (xã Ngọc Tem), mà những người lính thợ Công ty Vạn Tường còn vượt lên khó khăn về điều kiện địa chất, thời tiết để bàn giao đúng cam kết các gói thầu: Đ24, Đ13 (địa bàn xã Sơn Mùa, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi); Đ12 (địa bàn xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, tỉnh Quang Nam). Theo Đại úy Nguyễn Văn Bảy, Giám đốc Xí nghiệp 103 (Công ty Vạn Tường), gói thầu số 12 tại Km130-140 thuộc địa bàn xã Trà Vân, thi công cả cầu và đường với tổng chiều dài 3km (trong đó có cầu Đắc Buôn, dài 76m qua suối Đắc Buôn) cũng là gói thầu khó khăn trên khu vực địa chất phức tạp. Riêng chiều dài trụ cầu phải xử lý kỹ thuật sâu dưới đáy suối từ 5-12m. Cũng như các gói thầu khác, tại khu vực thi công cầu, khí hậu, thời tiết không ủng hộ. Mưa nhiều. Đường vận chuyển vật liệu thi công vào công trình xa hơn 120km... Vượt lên tất cả là sự quyết tâm của những người lính thợ mở đường Xí nghiệp 103 đã "làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm" để các gói thầu cán đích bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật (kể cả việc điều chỉnh kết cấu mặt đường). Bởi họ biết, hoàn thành tiến độ các gói thầu xây dựng đường Trường Sơn Đông chính là sớm giúp cho đồng bào các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên đi lại được thuận lợi, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh trên địa bàn 7 tỉnh miền Trung-Tây Nguyên: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, Đắc Lắc và Lâm Đồng - nơi tuyến đường Trường Sơn Đông đi qua.

Bài, ảnh: HOÀNG GIA MINH