QĐND Online – Luật Tố tụng hành chính vẫn được người dân gọi nôm na là luật “dân kiện quan”. Làm thế nào để luật hiệu quả, không còn tình trạng án hành chính bị hủy nhiều ở cấp huyện là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, đóng góp ý kiến…

Tăng tính độc lập của thẩm phán

Góp ý vào thẩm quyền tòa án nhân dân huyện và tòa án nhân dân tỉnh, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) nhấn mạnh, khởi kiện hành chính là dân chủ trực tiếp, người dân được khởi kiện Nhà nước, tiếp cận công lý. Nhưng do thực tiễn “ít khi người dân thắng kiện, chủ yếu bảo vệ quan” nên trong lần xây dựng luật này đã đề xuất chuyển quyết định hành chính cấp huyện về đất đai lên tòa án cấp tỉnh. Tuy nhiên, đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp của Quốc hội không tán thành quy định mở rộng thẩm quyền cho tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xét xử sơ thẩm các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, chủ tịch UBND cấp huyện như dự thảo Luật. Đại biểu Thuyền bày tỏ đồng tình với Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, giữ nguyên thẩm quyền của tòa án nhân dân cấp huyện.

Thảo luận tại tổ 12.

Đại biểu Đặng Thuần Phong (đoàn Bến Tre) chỉ ra một thực tế: Thông thường tòa án huyện thấy vụ nào UBND huyện đúng thì xử ngay, nhưng nếu thấy sai thì tìm cách thỏa thuận, ngại xử nên muốn đưa về tỉnh xử. Nhưng nếu quy định như trong dự thảo đưa về tỉnh là dồn con đường tố tụng lên cấp cao. Theo đại biểu Phong, điều quan trọng là tạo cơ chế cho thẩm phán độc lập xét xử vì thực tế có sự can thiệp này nọ nên nguyên tắc này bị méo mó đi. “Do vậy, phải quy định để  đảm bảo để thẩm phán không ngại sức ép mới có bản án khách quan. Đây mới là vấn đề cần bổ sung chứ không  phải chuyển án huyện lên tỉnh” đại biểu Phong nhấn mạnh.

Đặt vấn đề ngược lại, khi nhiều người cho rằng tòa án nhân dân cấp huyện do trình độ kém nên nhiều vụ án hành chính bị hủy, đại biểu Trần Văn Độ (đoàn An Giang) khẳng định: Các vụ án hành chính bị hủy nhiều không phải do năng lực cán bộ mà do “dân kiện quan” vì “quan” đó cao hơn chức vụ của thẩm phán. Việc thẩm phán không hoàn toàn độc lập đã dẫn đến những bản án không đúng. Từ đó, đại biểu Độ đưa ra kiến nghị nên giao thẩm quyền chéo. Có nghĩa, công dân huyện này có quyền khởi kiện sang tòa án huyện khác, công dân tỉnh này có quyền kiện ở tòa án tỉnh khác. Đại biểu Độ cho biết, quy định công dân có quyền khởi kiện tòa án cùng cấp để khách quan hơn đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng.

Chia sẻ với đại biểu Độ, đại biểu Nguyễn Sáng Vang (đoàn Tuyên Quang) cho rằng, đúng là tố tụng hành chính thời gian qua tác dụng còn hạn chế, người dân dễ không tin xét xử của tòa án vì cho rằng “quan xử quan thế nào người dân cũng thua”. Từ đó đại biểu Vang đồng tình với đại biểu Độ nên nghiên cứu, quy định thẩm quyền chéo.

Tăng thẩm quyền giải quyết của tòa án?

Về những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân, đa số ý kiến của Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội tán thành với loại ý kiến cho rằng nên giữ nguyên các quy định của Luật Tố tụng hành chính hiện hành về thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện hành chính của tòa án nhân dân.

Đối với việc quy định cụ thể danh mục các quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật Nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao, Uỷ ban Tư pháp của Quốc đề nghị không quy định chi tiết trong Luật mà quy định trong các văn bản pháp luật về quốc phòng, an ninh, ngoại giao…

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng tán thành với việc loại trừ các khiếu kiện quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính của Tòa án ra khỏi đối tượng khởi kiện các vụ án hành chính như quy định trong dự thảo Luật.

Đại biểu Trần Văn Độ (đoàn An Giang)

Đối với việc khởi kiện quyết định xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tòa án nhân dân, đa số ý kiến của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tán thành với việc loại trừ việc khởi kiện loại quyết định này ra tòa hành chính. Bởi vì, nếu giao thẩm quyền cho tòa án nhân dân giải quyết khiếu kiện quyết định xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính của tòa án nhân dân, thì sẽ dẫn đến tình trạng tòa án vừa ra quyết định xử lý hành chính vừa tiến hành thụ lý để giải quyết vụ án hành chính đối với chính quyết định của tòa án đó, do đó không bảo đảm tính khách quan. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến khác lại cho rằng không nên loại trừ việc khởi kiện loại quyết định này vì quyết định này liên quan đến quyền con người đã được Hiến pháp ghi nhận.

Đại biểu Trần Văn Độ cho rằng, tòa án nhân dân bảo vệ quyền con người, quyền công dân, do vậy cần mở rộng thẩm quyền. Trong dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), tại khoản 2, Điều 4 quy định “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”. Nếu trong Luật Tố tụng hành chính lại không quy định như vậy là không thể hiện đúng tinh thần hiến pháp và tinh thần đổi mới là tòa án bảo vệ công lý.

Bài và ảnh: XUÂN DŨNG