Ngày 13-2-2023, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí thông qua hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước. Ngay sau khi Pháp lệnh được thông qua, Kiểm toán nhà nước đã khẩn trương ban hành các hướng dẫn để hoàn thiện các văn bản của ngành, bảo đảm pháp lệnh được đưa vào cuộc sống đúng thời hạn quy định. 

Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước nhằm bảo đảm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước có cơ chế bảo đảm thi hành, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm; có chế tài xử lý được vi phạm. Mặt khác, các hành vi vi phạm trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước ở cấp độ hành chính có cơ quan chức năng xử lý những hành vi vi phạm.

Việc ban hành Pháp lệnh là hết sức cần thiết, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về Kiểm toán nhà nước; tạo cơ sở pháp lý cho việc xử phạt hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước; nâng cao hiệu lực hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước và tính nghiêm minh của pháp luật.

leftcenterrightdel

Hoạt động nghiệp vụ của các kiểm toán viên thuộc Kiểm toán nhà nước. Ảnh: THU HẢI 

Theo lãnh đạo Vụ Pháp chế Kiểm toán nhà nước, trong bối cảnh hệ thống pháp luật của Việt Nam vẫn còn những khoảng trống pháp lý, quy định thiếu đồng bộ, việc hoàn thiện pháp luật Kiểm toán nhà nước bảo đảm theo đúng định hướng của Đảng, tuân thủ các quy định chung của Nhà nước và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa là hết sức cần thiết.

Theo đó, Kiểm toán nhà nước cần tiếp tục rà soát và hoàn thiện Luật Kiểm toán nhà nước theo hướng bảo đảm bao quát nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát mọi nguồn lực tài sản công; bổ sung thẩm quyền của kiểm toán viên áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng.

Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện các văn bản để cụ thể hóa Luật Kiểm toán nhà nước, phối hợp với các cơ quan có liên quan hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Kiểm toán nhà nước như: Xây dựng Thông tư liên tịch trong việc trao đổi, cung cấp thông tin trong phòng, chống tham nhũng; Thông tư liên tịch trong việc chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra đối với các vụ việc phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán và phối hợp khi tham gia tố tụng.

Bên cạnh đó, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định về chế tài đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân không thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước, nhất là thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Ban hành quy định việc truy cập, khai thác trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán; hoàn thiện và quy định đầy đủ về kiểm tra, đối chiếu các hoạt động có liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán; xây dựng quy định thực hiện nhiệm vụ trình ý kiến của Kiểm toán nhà nước để Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án trọng điểm quốc gia, dự toán Kiểm toán nhà nước và phương án phân bổ ngân sách…

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, để nâng cao hiệu quả, hiệu lực của Kiểm toán nhà nước, vấn đề quan trọng nhất là cơ sở pháp lý cho vị trí, vai trò và tổ chức hoạt động của Kiểm toán nhà nước. Tiếp đó, Kiểm toán nhà nước và các các cơ quan liên quan phải giải quyết được vấn đề chồng chéo, trùng lặp, phân công chưa thật rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, công việc được giao. Đồng thời, Kiểm toán nhà nước phải bảo đảm tính độc lập tương xứng với vị trí, vai trò là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập chỉ tuân theo pháp luật. 

Kiểm toán nhà nước phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm sự phân định, phân công rõ ràng chức năng, nhiệm vụ; nâng cao trách nhiệm trong việc kiểm soát, phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn lực công; đồng thời, phải tăng cường đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ và đổi mới phương thức kiểm toán.

Để phấn đấu đạt kết quả tốt nhất trong thực hiện kế hoạch công tác năm 2024, Kiểm toán nhà nước đã đề ra 8 nhiệm vụ trọng tâm và 8 nhóm giải pháp chủ yếu. Trong đó, Kiểm toán nhà nước phấn đấu hoàn thành xuất sắc và toàn diện các nhiệm vụ năm 2024; tiếp tục thực hiện có hiệu quả, chất lượng các hoạt động theo Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030 bảo đảm đúng tiến độ. Tổ chức thực hiện các cuộc kiểm toán thuộc kế hoạch kiểm toán năm 2024 bảo đảm tiến độ, hiệu quả và chất lượng trên tinh thần đổi mới toàn diện, đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin.

ANH VIỆT

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.