QĐND Online – Đây là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tổ về  Dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) chiều 27-5…

Mở rộng sẽ trùng với các cơ quan đã có

Theo Chính phủ, nhằm xử lý nhanh chóng, kịp thời tội phạm, phát huy khả năng và điều kiện đặc thù của các cơ quan quản lý nhà nước trong khám phá vụ án, cần mở rộng phạm vi các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đối với: Kiểm ngư, Thuế, Ủy ban chứng khoán Nhà nước. Giao Kiểm ngư điều tra ban đầu sẽ bảo đảm phát hiện kịp thời các tội phạm xảy ra trên biển. Đối với tội phạm trong lĩnh vực thuế, chứng khoán, ngoài kiến thức pháp lý chung, đòi hỏi cán bộ điều tra phải am hiểu sâu sắc kiến thức chuyên ngành tài chính, kinh tế. Do đó, giao cho cơ quan Thuế, Ủy ban chứng khoán Nhà nước điều tra ban đầu sẽ giúp các cơ quan tố tụng nhanh chóng phát hiện tội phạm.

Đại biểu Nguyễn Doãn Khánh (đoàn Phú Thọ) phát biểu ý kiên.

Tuy nhiên, trong phiên thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu kiến nghị không nên quy định mở rộng diện cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Đại biểu Nguyễn Doãn Khánh (đoàn Phú Thọ) cho rằng, quy định như vậy là trùng, không cần thiết, nên giữ nguyên như quy định hiện hành là phù hợp. Cùng với đó, đại biểu Khánh chỉ ra nhiều cơ quan khác cần hơn lại không được đề cập, như: Thanh tra, quản lý thị trường (đấu tranh, phát hiện nhiều hành vi vi phạm), kiểm toán nhà nước cũng phát hiện nhiều sai phạm. Tuy vậy, những cơ quan này không nhất thiết phải điều tra hình sự.

Đồng tình với đại biểu Khánh, đại biểu Lưu Văn Thành (đoàn Hải Phòng) lo lắng việc mở rộng sẽ làm thêm đầu mối điều tra, trong khi điều tra hình sự đòi hỏi phải có nghiệp vụ điều tra mà cái này đã có lực lượng khác rồi.

Đại biểu Bùi Ngọc Chương (đoàn Cà Mau) cho rằng nên giữ nguyên như hiện hành để nâng cao trách nhiệm cơ quan chuyên trách, phát huy tính chuyên nghiệp đội ngũ cán bộ tham gia điều tra.

Có nên bắt buộc phải ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can

Các đại biểu đều khẳng định ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can là quy định mới, tiến bộ. Quy định bắt buộc ghi âm hoặc ghi hình hoạt động hỏi cung bị can nhằm phản ánh trung thực quá trình hỏi cung, hạn chế tối đa các trường hợp bức cung, nhục hình. Đồng thời, đây chính là một trong những căn cứ quan trọng để bảo vệ các cán bộ tư pháp đã tiến hành tố tụng đúng pháp luật.

Tuy nhiên, theo các đại biểu, với điều kiện Việt Nam hiện nay cần cân nhắc quy định này. Đại biểu Bùi Ngọc Chương nói: Nếu tiến hành ghi âm, ghi hình hết thì phải bỏ ra chi phí lớn để mua thiết bị ghi âm, ghi hình và việc gỡ tư liệu ra, lưu trữ. Chúng ta nên thực hiện từng bước, phân loại án nghiêm trọng, phức tạp, lớn thì ghi âm, ghi hình để phục vụ cho quá trình xét xử. Theo đại biểu Chương, việc hạn chế tối đa các trường hợp bức cung, nhục hình còn liên quan đến chất lượng cán bộ tham gia tố tụng. Do vậy, cùng với việc tiến hành ghi âm, ghi hình một điều quan trọng là nâng cao chất lượng, trình độ của cán bộ tham gia quá trình tố tụng.

Đại biểu Trương Minh Hoàng (đoàn Cà Mau): Cần tính mức chi phí của việc ghi âm, ghi hình để xem xem có khả thi hay không.

Cùng quan điểm này, đại biểu Trương Minh Hoàng (đoàn Cà Mau) kiến nghị nên lựa chọn cho phù hợp với điều kiện. Nên quy định một số trường hợp, chứ tất cả đều ghi âm, ghi hình thì quá khả năng. Mặt khác, không biết kho chứa tư liệu này sẽ như thế nào và sẽ phải lưu trữ bao lâu? Đại biểu dẫn chứng trường hợp vụ ông Nguyễn Thanh Chấn kéo dài tới 10 năm, nếu ghi âm, ghi hình thì cũng phải lưu trữ tới 10 năm. Cùng với đó phải đảm bảo chất lượng tư liệu sau thời gian dài như vậy. Đại biểu Hoàng đề nghị Ban soạn thảo cần tính mức chi phí khi đưa ra vấn đề này và lực lượng đội ngũ đảm bảo để xem xem có khả thi hay không.

Tuy nhiên, đại biểu Lưu Văn Thành (đoàn Hải Phòng) cho rằng, đây là hoạt động hạn chế tối đa bức cung, nhục hình, cũng là để bảo vệ người tiến hành tố tụng và hiện nay đa phần các nước trên thế giới áp dụng. Đại biểu cho rằng, theo ý kiến chỉ ghi âm, ghi hình trong trường hợp phạm tội mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt chung thân, tử hình hoặc trong trường hợp cần thiết khác thì chưa đáp ứng được mục tiêu chống bức cung, nhục hình. Vì theo đại biểu Thành, việc bức cung, nhục hình lại xảy ra nhiều ở những vụ không nghiêm trọng. Từ đó, đại biểu Thành đề nghị nên quy định bắt buộc ghi âm hoặc ghi hình hoạt động hỏi cung bị can.

Bài và ảnh: XUÂN DŨNG