QĐND Online – Đây là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đưa ra khi thảo luận về vấn đề quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong dự thảo Luật Hình sự (sửa đổi) trong phiên thảo luận tại tổ chiều 26-5…

Đại biểu Trần Văn Độ (đoàn An Giang) phát biểu ý kiến.

Trong Báo cáo thẩm tra, đa số ý kiến Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, việc bổ sung quy định trách nhiệm hình sự (TNHS) của pháp nhân là nội dung đã được Quốc hội thảo luận nhiều lần, vì vậy cần được cân nhắc kỹ. Những vướng mắc trong việc xử lý pháp nhân vi phạm pháp luật xuất phát từ khâu tổ chức thực hiện, mà không phải do thiếu cơ sở pháp lý. Căn cứ quy định hiện hành, vẫn có thể xử lý trách nhiệm dân sự, hành chính đối với pháp nhân và xử lý hình sự đối với người có thẩm quyền của pháp nhân. Bên cạnh đó, các chế tài hình sự áp dụng đối với pháp nhân theo phương án của dự thảo Bộ luật (tước quyền sử dụng giấy phép, đình chỉ hoạt động, cấm kinh doanh...) cũng đã được áp dụng trong xử lý vi phạm hành chính. Hơn nữa, nếu đặt ra vấn đề xử lý TNHS đối với các pháp nhân là tổ chức kinh tế  và chỉ trong một số loại tội như dự thảo, thì sẽ không bảo đảm tính công bằng với các loại hình pháp nhân khác cũng có vi phạm tương tự. Điều này có thể gây ảnh hưởng bất lợi trong việc thực hiện chủ trương thu hút đầu tư và khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển theo cơ chế thị trường định hướng XHCN hiện nay.

Tuy nhiên, tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Trần Văn Độ (đoàn An Giang) chỉ ra thực tế trên thế giới đã có 120 nước quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Đại biểu Độ phân tích, trong điều kiện hiện nay, đặc biệt trong kinh tế, xã hội… hành vi vi phạm cấu thành tôi phạm không phải do cá nhân, mà do hội đồng quản trị, do tập thể có nhiều. Với những trường hợp này, từ trước đến nay, chúng ta thường xử lý một vài cá nhân nào đó, mặc dù họ thực hiện mệnh lệnh, quyết định của tập thể. Xử lý cá nhân như vậy là không ổn vì làm cho tập thể sao người ta lại chịu mà cả tập thể không phải chịu, đặc biệt với những trường hợp là tổng giám đốc-người điều hành, là người được thuê. Rõ ràng cá nhân đó không có mặt mà phải chịu trách nhiệm. Có ý kiến nói luật có rồi, như xử phạt hành chính. Nhưng xử phạt hành chính có giải quyết được vấn đề hay không? Có thể trả lời là chỉ giải quyết được một góc nhỏ. Nếu xử lý hình sự sẽ còn bảo đảm quyền lợi cho xã hội, của người bị hại. Vì nếu truy cứu cá nhân thì chỉ cá nhân đền bù, pháp nhân không bồi thường, với những vụ hàng nghìn tỷ đồng thì cá nhân nào đền bù được?

Mặt khác, khi xử lý hình sự thì cơ quan nhà nước có trách nhiệm chứng minh thiệt hại, trong khi xử theo hành chính và dân sự thì người dân phải tự mình chứng minh thiệt hại. Với những như vụ Vedan vừa qua chẳng hạn, nhiều cấp, nhiều ngành vào còn không chứng minh được thì người dân sao chứng minh? Cùng với đó là việc người dân phải nộp án phí tới vài chục triệu đồng thì người dân lấy tiền ở đâu? Do vậy, cần sớm quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân càng sớm càng tốt. Có như vậy mới bảo đảm phòng, chống tội phạm, tránh tình trạng xử lý cá nhân, pháp nhân không sao lại thuê cá nhân khác làm tiếp, vi phạm tiếp.

Đại biểu Nguyễn Hòa Bình (đoàn Quảng Ngãi): Quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân là một sự tiến bộ.

Đại biểu Nguyễn Hòa Bình (đoàn Quảng Ngãi) đồng tình với quan điểm đại biểu Độ và cho rằng, đưa trách nhiệm hình sự của pháp nhân vào là tiến bộ, cần thiết. Vụ Vedan là một ví dụ cho thấy sự cần thiết này. Cùng với đó, việc đưa trách nhiệm này vào còn đáp ứng được yêu cầu của quốc tế hiện nay.

Đại biểu Lê Minh Thông (đoàn Thanh Hóa) cũng ủng hộ xử lý hình sự pháp nhân đối với một số tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, môi trường. Trước việc có ý kiến cho rằng, nếu xử trách nhiệm pháp nhân thì người lao động ra sao? Đại biểu Thông lập luận: "Phải chấp nhận rủi ro, phải nâng cao trách nhiệm của người lao động vì tôi không tin người lao động không biết có vi phạm. Quan trọng là đưa ra hình phạt thế nào thích hợp với pháp nhân. Tôi cho rằng, phạt tiền là chủ yếu và giám sát đặc biệt, ví dụ như vi phạm môi trường thì cảnh sát môi trường giám sát đặc biệt".

Trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu tán thành với định hướng tiếp tục hạn chế hình phạt tử hình ở cả 3 phương diện: Giảm bớt số tội danh có hình phạt tử hình; quy định điều kiện chặt chẽ nhằm hạn chế các trường hợp áp dụng hình phạt tử hình và mở rộng hơn đối tượng bị kết án tử hình nhưng không phải thi hành án tử hình nhằm thể hiện rõ sự khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước ta.

Bài và ảnh: XUÂN DŨNG