QĐND - Buôn Ma Thuột là thành phố mang tên của vị tù trưởng Ama Thuột. Trải qua quá trình phát triển, theo nhiều già làng của đồng bào dân tộc Ê Đê cũng như một số cơ quan chức năng ở tỉnh Đắc Lắc cho biết, hiện nay, ngôi mộ của Ama Thuột nằm ở địa chỉ số 70 đường Nguyễn Tất Thành, thuộc phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột. Tuy nhiên, hiện nay, phần mộ này chỉ là gò đất bị cây cỏ mọc um tùm, không có lối vào, không có tên tuổi bia mộ, chứng tích để chứng tỏ đây là mộ của Ama Thuột.

Theo ông Đoàn Văn Thống, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thành phố Buôn Ma Thuột, địa danh Buôn Ma Thuột là tên một buôn của đồng bào dân tộc Ê Đê (thuộc nhóm Ê Đê Kpă) do tù trưởng Ama Thuột cai quản nằm bên dòng suối Ea Tam thơ mộng. Buôn Ma Thuột theo đồng bào dân tộc Ê Đê, tức là làng của cha Y Thuột (tiếng của đồng bào dân tộc Ê Đê, Ama có nghĩa là cha, Y Thuột là chỉ người con trai tên là Thuột, Buôn Ma Thuột tên gọi tắt là làng của cha Y Thuột). Vùng đất này, vào cuối thế kỷ XIX chỉ có một buôn, với khoảng 50 ngôi nhà dài, mỗi nhà có từ 30 đến 40 người là đồng bào dân tộc Ê Đê sinh sống. Đến những năm đầu thế kỷ XX, Buôn Ma Thuột không còn là một buôn đơn lẻ mà đã quy tụ, phát triển thêm hàng chục buôn mới khác. Tuy nhiên, Buôn Ma Thuột vẫn là một buôn lớn, trung tâm của cả vùng cũng do tù trưởng Ama Thuột cai quản.

Thời bấy giờ, trong buôn có việc lớn, việc nhỏ mọi người đều tìm đến gặp Ama Thuột để hỏi han, mời ông tham dự, tạo thành khối đoàn kết bền chặt. Năm 1904, thực dân Pháp bình định Đắc Lắc, Buôn Ma Thuột trở thành trung tâm hành chính thay cho Buôn Đôn.

Trải qua hơn 110 năm hình thành và phát triển, Buôn Ma Thuột đã không ngừng phát triển, lớn mạnh về mọi mặt, trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh Đắc Lắc vào năm 2010 và có vai trò quan trọng về nhiều mặt đối với cả nước nói chung và khu vực Tây Nguyên nói riêng.

Thực tế, hiện nay, không chỉ đông đảo đồng bào các dân tộc ở tỉnh Đắc Lắc mà nhiều khách du lịch trong và ngoài nước mỗi khi đến Buôn Ma Thuột đều mong muốn đến viếng thăm mộ của Ama Thuột nhưng đều thất vọng hoặc không thực hiện được.

Vợ chồng anh Hoàng Vĩnh Quyền ở quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh mới đây du lịch lên Đắc Lắc và nhờ người quen công tác ở ngành văn hóa trên địa bàn đưa đến viếng mộ Ama Thuột, vị tù trưởng của một thành phố Anh hùng. Tuy nhiên, đến nơi, vợ chồng anh Hoàng Vĩnh Quyền quá thất vọng, vì đây chỉ là một mô đất, không có bia mộ, chỉ có cây, cỏ rậm rạp, um tùm che kín. Không chỉ khách du lịch mà đông đảo đồng bào các dân tộc ở tỉnh Đắc Lắc cũng chưa được biết phần mộ của tù trưởng Ama Thuột nằm ở đâu!.

Ông Đoàn Văn Thống cho biết tiếp, mặc dù chưa có công trình nghiên cứu cụ thể nói về phần mộ của tù trưởng Ama Thuột, nhưng hằng năm cứ vào dịp lễ, Tết, Phòng Văn hóa-Thông tin cùng với đồng bào buôn Kô Siêr, phường Tự An, TP Buôn Ma Thuột tiến hành phát dọn cây cối, thắp nhang… Còn già làng Ama Nghé, Trưởng buôn Kô Siêr thì mong mỏi Nhà nước, các ngành chức năng ở tỉnh Đắc Lắc cần sớm có một công trình nghiên cứu để xác định rõ vị trí ngôi mộ và có kế hoạch xây dựng, tôn tạo để xứng danh là người được mang tên một địa danh đi vào lịch sử, được thế giới biết đến.

QUANG HUY