Trung Quốc luôn là thị trường quan trọng, vì vậy Việt Nam cần kịp thời ban hành những giải pháp, kế hoạch đúng đắn để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiến sâu vào thị trường này.
Hai thị trường có tính chất bổ trợ
Trong bối cảnh tình hình ùn tắc hàng hóa tại khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc tiếp tục diễn biến phức tạp, một số ý kiến đã đưa ra câu chuyện đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu như liều thuốc hữu hiệu. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh, không thể đánh đồng hai khái niệm đa dạng hóa thị trường và chuyển hướng thị trường. Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu và nhập khẩu, quan trọng đối với Việt Nam trong thời gian tới.
 |
Hàng hóa ùn ứ tại cửa khẩu Móng Cái-Quảng Ninh thời điểm cuối năm 2021. |
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, thời gian tới, Việt Nam còn nhiều dư địa để khai thác thị trường Trung Quốc. Với dân số hơn 1,4 tỷ người, chiếm 18,7% tổng dân số toàn thế giới, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt các sản phẩm nông, thủy sản của thị trường Trung Quốc phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng như sản xuất chế biến hàng xuất khẩu là rất lớn và đa dạng, phong phú. Đáng chú ý, riêng 2 địa phương có biên giới tiếp giáp với Việt Nam là tỉnh Vân Nam (48,0 triệu người) và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (48,8 triệu người) mang lại cơ hội trực tiếp cho Việt Nam khai thác thương mại qua biên giới.
Bên cạnh đó, Việt Nam-Trung Quốc có đường biên giới trải dài tạo lợi thế về logistics và tập quán giao thương lâu đời. Đến nay, trên toàn tuyến biên giới phía Bắc có 76 cửa khẩu, lối mở, gồm: 7 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu chính, 21 cửa khẩu phụ và 42 lối mở, điểm thông quan. Hệ thống này mang lại lợi thế lớn về logistics cho hoạt động thương mại Việt Nam - Trung Quốc. Đặc biệt, Việt Nam-Trung Quốc còn là 2 thị trường có tính chất bổ trợ lẫn nhau. Việt Nam hiện xuất khẩu sang Trung Quốc 4 nhóm hàng chính gồm: Nhóm nguyên nhiên liệu; nhóm nông sản; nhóm thủy sản và nhóm hàng tiêu dùng. Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo.
Doanh nghiệp phải làm ăn quy củ hơn
Suốt thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ chưa từng có. Theo đó, khi xuất hiện các ca mắc Covid-19 tại khu vực cửa khẩu, Trung Quốc sẽ dừng hoạt động nhập khẩu một số mặt hàng nông sản, thực phẩm đông lạnh từ Việt Nam cũng như hoạt động thông quan tại nhiều cửa khẩu, lối mở. Điều này là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các tỉnh biên giới phía Bắc.
Ngoài ra, thời gian qua, Trung Quốc cũng ban hành nhiều thay đổi về quy định, chính sách để siết chặt hoạt động nhập khẩu. Điển hình có thể kể đến Lệnh số 248 về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài và Lệnh số 249 về quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu, ban hành từ năm 2019, chính thức có hiệu lực từ 1-1-2022. Việc siết chặt các quy định không chỉ áp dụng với doanh nghiệp, hàng hóa của Việt Nam mà với tất cả các quốc gia xuất khẩu vào Trung Quốc. Theo đó, những thay đổi về chính sách xuất nhập khẩu của nước bạn cũng đã cho thấy những quy định khắt khe về chất lượng hàng hóa nhập khẩu vào Trung Quốc.
 |
Nâng cao chất lượng hàng hóa để tiến sâu vào thị trường Trung Quốc. |
Nhấn mạnh về tiềm năng của thị trường Trung Quốc, song ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nhấn mạnh: Trung Quốc không còn là một thị trường dễ tính, hàng hóa, nhất là nông sản dù đi đường bộ, đường biển hay đường sắt, đường hàng không cũng đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc... Nhưng cũng chính những quy định như vậy sẽ buộc doanh nghiệp của chúng ta phải làm ăn quy củ hơn, ngay từ khâu sản xuất, thương mại cho đến logistics.
Ông Trần Thanh Hải cho biết thêm, thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các bộ, ngành rất nhiều lần có thông tin cảnh báo, hướng dẫn cho các địa phương, thương lái, doanh nghiệp làm sao có thể chuyển mạnh sang hình thức xuất khẩu chính ngạch, tiến tới xóa bỏ hình thức xuất khẩu tiểu ngạch. Về lâu dài cũng cần tăng cường chế biến sau thu hoạch nhằm đem lại những sản phẩm nông sản có giá trị cao hơn, không bị phụ thuộc vào yếu tố thời vụ. Như vậy, vừa có thể nâng cao giá trị của sản phẩm nông sản, vừa giảm bớt sức ép dồn lên các cửa khẩu như thời gian vừa qua.
Trung Quốc luôn là thị trường quan trọng đối với Việt Nam. Câu chuyện ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu dự báo có thể tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới khi hàng loạt trái cây, nông sản của Việt Nam đến vụ thu hoạch. Khó khăn, thách thức rất lớn, song cũng là cơ hội để các cơ quản lý nhà nước, địa phương và doanh nghiệp biến sức ép thành động lực đổi mới, thúc đẩy sự vận hành thông suốt, ổn định và hiệu quả của chuỗi xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới.
KHÁNH AN