QĐND - Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Văn Bình, 8 ngân hàng thương mại (gồm LienvietPostBank, VietcomBank, VietinBank, AgriBank, BIDV, SHB, MB, SacomBank) vừa ký kết với 17 doanh nghiệp thực hiện 16 dự án trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Đồng thời, các ngân hàng cam kết cho vay trung và dài hạn với số tiền khoảng 15.000 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh của khu vực như: Thủy điện, giao thông, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi,…
Điểm sáng đầu tư
Theo ông Trần Việt Hùng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, khu vực Tây Nguyên (gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng) là một trong sáu vùng kinh tế lớn của nước ta, có tiềm năng lớn cho phát triển kinh tế, trong đó kinh tế nông nghiệp, nông thôn đóng vai trò mũi nhọn. Với điều kiện tự nhiên, khí hậu đặc biệt, sở hữu trên 2 triệu héc-ta đất đỏ bazan màu mỡ, khu vực Tây Nguyên rất phù hợp để phát triển các cây công nghiệp có giá trị xuất khẩu cao như cà phê, cao su, hồ tiêu, điều và có tiềm năng phát triển cây mắc ca. Cà phê hiện nay là cây công nghiệp chủ lực trên địa bàn Tây Nguyên, chiếm 92% sản lượng cả nước và đóng góp khoảng 30% GDP tại các tỉnh trong khu vực. Ngoài ra, với vị trí ở lưu vực 3 con sông lớn là: Sê San, Srepok và sông Đồng Nai, Tây Nguyên còn có tiềm năng lớn về thủy điện và có trữ lượng khá về các loại khoáng sản như bô-xít, quặng vàng, đá quý... Trong 10 sản phẩm nông nghiệp có giá trị xuất khẩu cao nhất của nước ta thì Tây Nguyên đã đóng góp đến 4 sản phẩm là cà phê, điều, cao su, hồ tiêu. Ngoài ra, Tây Nguyên còn có thế mạnh về kinh tế lâm nghiệp, công nghiệp khai khoáng và dịch vụ du lịch...
 |
Hoa được trồng và chăm sóc bằng công nghệ cao tại Công ty cổ phần sinh học Rừng hoa Đà Lạt, Lâm Đồng. Ảnh: Vũ Đình Đông.
|
Tính đến hết năm 2014 đã có tổng số 148 dự án FDI đầu tư vào các tỉnh khu vực Tây Nguyên với tổng vốn đăng ký 819 triệu USD. Bình quân 1 dự án là 5,5 triệu USD. Giai đoạn từ năm 2011 đến nay, vùng Tây Nguyên có 38 dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép với tổng số vốn đầu tư là 122 triệu USD. Trong đó, Lâm Đồng đang đứng đầu vùng với 29 dự án và 74,9 triệu USD vốn đầu tư, chiếm 61,5% tổng vốn đầu tư của cả vùng. Đắc Lắc đứng thứ hai với 3 dự án đầu tư với tổng số vốn là 33 triệu USD, chiếm 27,1% tổng vốn đầu tư của cả vùng. Đứng thứ ba là Gia Lai với 3 dự án và 7,6 triệu USD vốn đầu tư, chiếm 6,3% tổng vốn đầu tư của cả vùng. Hai tỉnh tiếp theo là Kon Tum và Đắc Nông với tổng số vốn đầu tư lần lượt là 3,2 triệu USD và 3 triệu USD. Đã có 10 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại vùng Tây Nguyên: Hàn Quốc đứng đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào vùng này với 14 dự án và 38,6 triệu USD vốn đăng ký, chiếm 31,7% tổng vốn đầu tư của toàn vùng; Hà Lan đứng thứ hai với 3 dự án, tổng số vốn đầu tư là 26,2 triệu USD, chiếm 21,5%; Hồng Công (Trung Quốc) đứng thứ ba với 3 dự án và 19,4 triệu USD vốn đăng ký, chiếm 15,9%.
Ông Trần Việt Hùng nhấn mạnh, xét về lĩnh vực đầu tư trong giai đoạn 2011-2015 tại Tây Nguyên thì lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo đứng thứ nhất, với 16 dự án và 54,4 triệu USD vốn đăng ký, chiếm 44,6% tổng vốn đầu tư của toàn vùng. Đứng thứ hai là lĩnh vực nông, lâm, thủy sản có 16 dự án với 20,1 triệu USD vốn đăng ký, chiếm 16,5% tổng vốn đầu tư của toàn vùng. Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa với tổng số vốn là 19,5 triệu USD, chiếm 16% tổng vốn đầu tư.
Còn theo đại diện lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm của tỉnh đạt 14,1%; tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 26.192 tỷ đồng; tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1.749 triệu USD, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn 80.924 tỷ đồng. Số doanh nghiệp đang hoạt động 5.410 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký kinh doanh gần 63.669 tỷ đồng. Tổng số dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư là 639 dự án, vốn đăng ký 99.728 tỷ đồng. Toàn tỉnh đã có 109 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực hoạt động với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 468 triệu USD.
Ngân hàng vào cuộc
Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định, những hợp đồng tín dụng giữa ngành ngân hàng với các doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh trên địa bàn 5 tỉnh vùng Tây Nguyên là những minh chứng cụ thể về tiềm năng, thế mạnh của vùng. Tính đến hết quý I năm 2015, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn các tỉnh vùng Tây Nguyên đạt 152.427 tỷ đồng, cao hơn bình quân của cả nước (2,65%) và chiếm 3,74% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Trong đó, dư nợ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn khu vực Tây Nguyên đạt 72.971 tỷ đồng, tăng 3,29% so với cuối năm 2014 và chiếm tỷ trọng 47,87% tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế của cả khu vực. Riêng dư nợ cho vay đối với ngành cà phê tại khu vực Tây Nguyên tính đến cùng thời điểm trên đạt 32.526 tỷ đồng, tăng 8,37% so với cuối năm 2014 (chiếm 78,58% dư nợ cho vay ngành cà phê toàn quốc). Ông Võ Minh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, tổng số tiền các ngân hàng cam kết cho vay hơn 2.800 khách hàng doanh nghiệp tại Tây Nguyên đến nay đạt hơn 25.000 tỷ đồng. Các hình thức hỗ trợ khác như cơ cấu nợ, điều chỉnh giảm lãi suất cho các khoản vay cũ… đạt dư nợ hơn 4.000 tỷ đồng. Thêm vào đó, dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại khu vực Tây Nguyên là hơn 11.000 tỷ đồng, với gần 517.000 hộ dân còn dư nợ. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp hơn 228.000 hộ thoát nghèo, tạo điều kiện cho gần 45.500 lao động có việc làm, hơn 212.000 học sinh, sinh viên được vay vốn đi học và hơn 323.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn được xây dựng... Có thể khẳng định, ngành ngân hàng đã và đang tiếp tục khơi dòng tín dụng để giúp Tây Nguyên phát triển từng ngày.
 |
Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột-một trong những hoạt động quảng bá, thu hút đầu tư vào Tây Nguyên. Ảnh: Kiều Bình Định.
|
Còn theo ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị LienVietPostBank, doanh nghiệp phải liên hệ ngay với hợp tác xã và chính hợp tác xã sẽ liên kết với các hộ thì nó sẽ tạo điều kiện cho chúng ta phát triển nông nghiệp tốt hơn và bền vững hơn. Nếu không theo được hướng này thì chắc chắn sẽ khó tìm được mô hình nào tốt trong điều kiện hiện nay của Tây Nguyên với đặc điểm phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số canh tác.
Tuy nhiên, theo ông Võ Minh Tuấn, hiện nhu cầu vốn tín dụng ưu đãi của khu vực Tây Nguyên ngày càng lớn trong khi nguồn vốn ưu đãi có hạn, vốn tín dụng ngân hàng vẫn chưa đáp ứng hết được nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh và nâng cao đời sống nhân dân, nhất là các khu vực kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Các chương trình tín dụng chính sách cho vay bằng nguồn ngân sách Nhà nước cấp còn hạn chế, chưa kịp thời. Bên cạnh đó, một bộ phận hộ nghèo, hộ cận nghèo còn có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào chính sách Nhà nước; việc sử dụng vốn vay kém hiệu quả; công tác bình xét, lập danh sách cho vay ở một số nơi còn chậm. Để thu hút nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước phát triển Tây Nguyên trong thời gian tới, các bộ, ngành Trung ương cần phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên tạo cơ chế thông thoáng, có chính sách thu hút thỏa đáng các doanh nghiệp, đầu tư trọng điểm, có tính lan tỏa. Các ngân hàng thương mại tập trung dành các nguồn vốn vay ưu đãi, giải ngân sớm cho các dự án đầu tư trọng điểm vào lĩnh vực chế biến nông-lâm sản, tạo đà cho Tây Nguyên phát triển và ngày càng hấp dẫn, trở thành vùng kinh tế động lực của cả nước.
HOÀNG TRƯỜNG GIANG