QĐND - Chiều 4-7, với việc hoàn thành bài thi môn Sinh học, thí sinh (TS) trên cả nước đã hoàn thành Kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2015. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của các địa phương, các cơ quan, đoàn thể, đặc biệt là nhân dân cả nước, qua kỳ thi đã xuất hiện nhiều việc làm tốt, mô hình hay cần nhân rộng...

Đề Lịch sử không bắt học sinh nhớ máy móc, đề Sinh học khó

Sáng 4-7, sau khi kết thúc phần thi môn Lịch sử, theo ghi nhận của phóng viên Báo Quân đội nhân dân, tại các cụm thi trên cả nước, đa số TS đều cảm thấy thoải mái với cách ra đề không còn bắt học sinh nhớ quá nhiều mốc thời gian mà thiên về hướng tư duy, tổng hợp và phân tích. Đề thi chỉ có một câu 3 điểm hỏi về nền kinh tế của Nhật Bản, 3 câu còn lại đều phải vận dụng hiểu biết thực tế để bàn về quyền tự do và độc lập, quyết tâm của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giữ vững quyền độc lập, tự do; suy nghĩ, trách nhiệm của người trẻ về bảo vệ và phát triển đất nước…

Tại điểm thi Trường Đại học (ĐH) Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), sau 2/3 thời gian, nhiều TS rời khỏi phòng với nụ cười tươi tắn. Các em cho biết làm bài tốt vì đề thi không đóng khung kiến thức học thuộc lòng trong sách giáo khoa.

Quang cảnh buổi họp báo chiều 4-7.

 

Theo học khối C, nên TS Trần Văn Quang (Hà Nội) cho rằng, đề thi vừa yêu cầu TS có kiến thức tổng hợp, không chỉ học trong sách mà cần cập nhật tình hình thời sự hiện nay. Nếu TS chỉ học môn Lịch sử để làm điều kiện xét tốt nghiệp cũng dễ được 5-6 điểm, đặc biệt môn Lịch sử năm nay sẽ không có điểm "liệt" vì có nhiều câu cảm thụ, liên hệ để gỡ điểm. Với 4 câu hỏi của đề thi, Quang hứng thú với câu hỏi trách nhiệm của thanh niên Việt Nam với sự phát triển của đất nước. Câu hỏi này ngoài khả năng gỡ điểm, còn khơi dậy lòng yêu nước, trách nhiệm của mỗi người trẻ đối với lịch sử của dân tộc, công lao của thế hệ cha anh đi trước.

Đánh giá cao đề thi Lịch sử, thầy Phạm Ngọc Thụ, giáo viên Lịch sử, Trường THPT Anhxtanh Hà Nội cho biết, đề bài cho sẵn dữ kiện, học sinh không phải nhớ hay học thuộc, đây là điểm đổi mới so với các đề thi trước. Tư tưởng về độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ bao trùm toàn bộ các câu hỏi về lịch sử Việt Nam. Vì vậy, đây là đề thi hay cả về dữ liệu lịch sử, cả về cách hỏi. Đề thi có cấu trúc rõ ràng, hợp lý và phân hóa, giúp bảo đảm việc xét tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH. Để làm tốt đề thi này, học sinh cần có phương pháp hơn là học thuộc. Học sinh trung bình có thể được 5-6 điểm, học sinh học khá có thể được 7-8, không dễ được 9-10.

Chiều 4-7, thời tiết trên cả nước, đặc biệt là tại Hà Nội đã có phần dịu đi khá nhiều so với những ngày thi trước, tạo thuận lợi cho TS hoàn thành bài thi môn Sinh học. Tuy nhiên, kết thúc 90 phút với hình thức làm bài thi trắc nghiệm, nhiều TS cho rằng, đề thi môn Sinh học dài, khó hơn đề minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đưa ra trước đó. Đề gồm 50 câu hỏi, các câu hỏi khó tập trung chủ yếu vào phần di truyền, lai giống.

Tại TP Hồ Chí Minh, ngày cuối cùng của Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 diễn ra khá suôn sẻ, tuy nhiên số TS tham gia thi hai môn Lịch sử và Sinh học ít hơn nhiều so với các môn khác. Gần 18 giờ ngày 4-7, tại Văn phòng 2, Bộ GD-ĐT đã tổ chức họp báo, thông báo về tình hình tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, theo đó, ở khu vực phía Nam, công tác tổ chức thi đã bảo đảm đúng kế hoạch, tổ chức chặt chẽ, mỗi ngày thi có gần 15.000 tình nguyện viên tham gia hỗ trợ thí sinh và phụ huynh thí sinh; công tác bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự tại các điểm thi được thực hiện tốt; các trường hợp bị bệnh, tai nạn giao thông trong thời gian tham gia kỳ thi được hỗ trợ kịp thời… 

Giải đáp nhiều vấn đề “nóng”

Chiều 4-7,  Bộ GD-ĐT tổ chức họp báo thông báo kết thúc công tác coi thi Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015. Một loạt những câu hỏi “nóng” đã được đặt ra cho Ban chỉ đạo thi. Điển hình như, dư luận băn khoăn về tính nghiêm minh, chặt chẽ giữa hai loại cụm thi, khi cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì ít TS vi phạm trong khi đó ở cụm thi do ĐH chủ trì xử lý nhiều TS vi phạm? Có tình trạng dùng công nghệ cao đọc lời giải môn Lịch sử vào phòng thi hay không? Có chính xác không khi cho rằng đề thi môn Ngoại ngữ đã bị lộ?  Các trường ĐH, cao đẳng tới đây sẽ tuyển sinh như thế nào để bảo đảm được số lượng cũng như chất lượng?

Trả lời những thông tin liên quan đến vấn đề này, Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT Mai Văn Trinh cho biết: Cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì và cụm thi do các trường ĐH chủ trì không có sự phân biệt về các khâu, mọi quy trình đều được tổ chức giống nhau, chỉ khác địa điểm thi. Việc hình thành hai cụm để tạo điều kiện cho TS. Cụm thi do các trường ĐH tổ chức có vi phạm nhiều hơn vì ở đây có tính cạnh tranh cao hơn và kết quả không chỉ lấy để xét tốt nghiệp như ở cụm thi địa phương mà là cơ sở xét tuyển vào ĐH, cao đẳng nên TS nghĩ đến việc gian lận cũng là điều dễ hiểu.

Ông Mai Văn Trinh cũng phân tích: Trong tuyển sinh ĐH, cao đẳng năm nay có nhiều điểm mới, nhưng học sinh sẽ dựa trên kết quả thi và chất lượng các trường để đăng ký. Năm nay thi xong rồi mới đăng ký xét tuyển, điều này tránh việc TS đạt điểm cao nhưng không đỗ ĐH, còn TS đạt điểm thấp lại đỗ ĐH. Các trường sẽ cạnh tranh nhau bằng chất lượng và uy tín của trường.

Liên quan đến vấn đề lộ đề thi môn Ngoại ngữ trênFacebook, Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng khẳng định: Ngay sau khi biết thông tin, Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi Bộ Công an đề nghị phối hợp thực hiện điều tra. Thông tin ban đầu từ phía công an, đây là tài khoảnFacebook được thành lập năm 2013, chỉ có 4 lần đăng thông tin. Lần gần nhất là ngày 17-1-2015. Việc đăng đề thi lên tài khoản này là điều khó xảy ra trên thực tế.         

Kỳ thi cơ bản diễn ra an toàn, nghiêm túc

Đánh giá chung về công tác tổ chức kỳ thi, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, Trưởng ban Chỉ đạo kỳ thi nhấn mạnh: Cơ bản kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đạt được những yêu cầu đặt ra. Các cụm thi, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong việc xếp phòng thi cho các TS đăng ký muộn, thay đổi nguyện vọng vào sát ngày thi nhưng với tinh thần tạo thuận lợi cho TS đã cho phép các em tiếp tục nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc sửa lỗi môn thi kể cả trong ngày làm thủ tục dự thi. Tất cả TS, kể cả trường hợp ốm đau phải cách ly, không tự viết bài được cũng đã được các cụm thi tạo điều kiện để có thể tham dự kỳ thi, không có học sinh vì hoàn cảnh khó khăn mà bỏ thi. "Đây là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nên vẫn còn những hạn chế, thiếu sót cần rút kinh nghiệm để điều chỉnh cho những năm sau. Đồng thời, cũng có nhiều việc làm tốt, mô hình hay cần nhân rộng để công tác chỉ đạo, tổ chức đạt hiệu quả cao”-Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh.

Chiều tối 4-7, Bộ GD-ĐT công bố đề thi và đáp án các môn thi Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 trên website của Bộ GD-ĐT (moet.gov.vn).

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tính đến hết buổi thi thứ tám, tổng số TS bị kỷ luật là 770, trong đó khiển trách 49, cảnh cáo 27 và đình chỉ 694 trường hợp. Tỷ lệ dự thi các môn: Toán 98,68%; Ngoại ngữ 99,3%; Ngữ văn 99,03%; Vật lý 98,59%; Địa lý 98,26%; Hóa học 98,08%; Lịch sử 96,32%; Sinh học 97,45%.

(Nguồn Bộ GD-ĐT)

Sáng 4-7, tại cụm thi THPT quốc gia 2015 do Trường Đại học Đà Lạt tổ chức, 25 thí sinh phải thi lại môn Toán do nhầm lẫn của giám thị. Trước đó, vào buổi thi môn Toán ngày 1-7, tại phòng thi M18, điểm thi Trường Đại học Yersin, khi làm thủ tục cho 29 thí sinh, giám thị đã kí nhầm vị trí trên giấy thi. Sau khi các thí sinh đã làm bài được quá nửa thời gian, giám thị mới phát hiện ra sai sót và yêu cầu thí sinh chép lại nội dung sang tờ giấy thi khác.

Sau khi phát hiện vụ việc, Hội đồng thi Trường Đại học Đà Lạt đã xin ý kiến của Bộ GD-ĐT và được đồng ý cho tổ chức thi lại. Theo đó, 29 thí sinh có thể giữ nguyên kết quả thi ngày 1-7 hoặc thi lại bằng đề thi dự phòng. Có 25 thí sinh đăng kí thi lại, 4 thí sinh khác không thi lại và sử dụng kết quả trong ngày thi 1-7.

(ĐÌNH ĐÔNG)

 

Bài, ảnh: VŨ DUNG – TRUNG KIÊN