Đến huyện Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh), chúng tôi được thăm trang trại gà của gia đình ông Nguyễn Văn Quyền (thôn Hà Giàn, xã Đông Ngũ). Bắt đầu thực hiện mô hình chăn nuôi gà theo hình thức bán công nghiệp từ năm 2015 với vốn đầu tư ban đầu 54 triệu đồng, đến nay tổng đàn gà của ông Quyền có trên 10.000 con, trong đó có 300 con gà sinh sản.

Để đạt được kết quả trên, ông Quyền đã được UBND huyện Tiên Yên khuyến khích xuống tận các thôn, bản vùng sâu, vùng xa để lấy giống gà bố, mẹ gốc. Nhằm tiện cho việc chăm sóc gà cũng như ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, gia đình ông đã xây dựng hệ thống chuồng trại bảo đảm kỹ thuật, chia làm nhiều khu vực như: Khu ấp trứng, chăm sóc gà giống; khu nuôi gà sinh sản; khu nuôi gà thương phẩm. Mỗi năm, gia đình ông Quyền xuất được 6.000 con gà thương phẩm, đem lại giá trị kinh tế cao.

Mô hình nuôi gà Tiên Yên theo hình thức bán công nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao. 

Nhắc đến mô hình nuôi gà Tiên Yên bán công nghiệp thì không thể không nói đến ông Phạm Văn Bình (xã Yên Than). Năm 2012, ông Bình thấy gà Tiên Yên có giá cao, nhưng người dân nuôi vất vả không có mà bán cho khách nên đã nghĩ ra việc mở trang trại nuôi gà. Vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm và nhận được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh, trang trại gà của gia đình ông Phạm Văn Bình đã trở thành mô hình điểm để nhiều người dân trong huyện đến học hỏi kinh nghiệm.

Ông Phạm Văn Bình cho biết: "Trước đây, trong suy nghĩ của nhiều người, gà Tiên Yên ngon là vì được nuôi trên đồi, ăn hạt ngô, củ sắn. Vì thế khi nghe tin gà được nuôi theo mô hình trang trại, nhiều người đã dè bỉu. Với mô hình bán công nghiệp, gà được ấp bằng máy, nở ra không để mẹ nuôi và được cho ăn cám công nghiệp. Nhưng khi gà đã đủ độ cứng, gà Tiên Yên sẽ được nuôi bằng ngô, thóc cho tới khi bán. Dù nuôi theo hình thức bán công nghiệp nhưng gà Tiên Yên cho thịt ngon không thua kém gì nuôi bằng phương pháp thủ công".

Ông Phạm Văn Bình chia sẻ kinh nghiệm nuôi gà Tiên Yên. 

Để gà Tiên Yên có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, huyện Tiên Yên đã chú trọng xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm đặc sản này. Từ năm 2017 đến nay, UBND huyện Tiên Yên đã phối hợp với Ban Xây dựng Nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh tiến hành dán tem điện tử và đeo nhẫn truy xuất nguồn gốc gà Tiên Yên. Theo đó, tem điện tử, nhẫn sẽ giúp người tiêu dùng có thể biết được cơ sở sản xuất, thành phần, công dụng của sản phẩm, biết được chủ nuôi, ngày, tháng vật nuôi được tiêm phòng… của con gà Tiên Yên.

Ông Lý Văn Thắng, Phó trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Tiên Yên cho biết: “Chúng tôi tiến hành việc dán tem điện tử và đeo nhẫn truy xuất nguồn gốc để xây dựng con gà Tiên Yên theo hướng độc quyền sản phẩm. Vì khi người tiêu dùng sử dụng con gà có phản ánh không tốt chúng tôi dễ dàng truy xuất nguồn gốc để xử lý. Bên cạnh đó, việc kiểm soát chặt chẽ gà cũng giúp cho người nuôi theo dõi được sự thay đổi của nó trong suốt quá trình chăm sóc. Hiện tại, chúng tôi cũng đang tiếp tục đầu tư thêm một số tiện ích nữa để gà Tiên Yên khi được đưa ra thị trường sẽ nhận được sự ủng hộ của nhiều người tiêu dùng hơn”.

Giống gà Tiên Yên được đồng bào các dân tộc trong huyện nuôi dưỡng tự nhiên từ nhiều đời nay nên không thể tránh khỏi việc nguồn gen bị lai tạp. Chính vì vậy, việc áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vừa giúp bảo tồn bộ gen, vừa giúp chọn lọc giống thuần chủng đúng tiêu chuẩn gà Tiên Yên được đặt lên hàng đầu. Được biết, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh đang tham mưu lên các cấp lãnh đạo thực hiện chương trình bảo tồn, lưu trữ nguồn gen, xác định lại mã gen chuẩn của gà Tiên Yên; mong muốn đưa bản đồ gen gà Tiên Yên vào bản đồ gen các loài vật nuôi của Việt Nam".

Bài và ảnh: HOÀI PHƯƠNG