Nhu cầu mua sắm của người dân sẽ tăng mạnh vào dịp Tết

Sở Công Thương Hà Nội dự báo dịp cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhu cầu mua sắm của người dân sẽ tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái nhờ sự hồi phục sau đại dịch.

Khả năng cung ứng một số nhóm hàng thiết yếu cần chuẩn bị phục vụ dịp cuối năm và Tết Nguyên đán năm 2023 cho khoảng 10,75 triệu người sinh sống, làm việc, học tập tại Hà Nội đạt khoảng 39.500 tỷ đồng (tăng 15% so với dịp Tết năm 2022).

Trong đó, nhóm hàng cần bảo đảm nguồn cung cầu trong dịp Tết là gạo, thịt bò, thịt lợn, thịt gà, thủy hải sản, trứng gà, trứng vịt, thực phẩm chế biến, rau củ, trái cây tươi và các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết như măng, miến, mộc nhĩ, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, hoa tươi, cây cảnh... đều được đảm bảo.

leftcenterrightdel
Nhu cầu mua sắm của người dân thường tăng mạnh vào dịp Tết. TP Hà Nội đã chủ động các phương án cung cấp hàng hóa cho người dân.

Hệ thống cung ứng hàng hóa trên địa bàn thành phố dịp Tết bao gồm các kênh bán hàng như: 28 trung tâm thương mại; 132 hệ thống siêu thị; 453 chợ; 2.000 cửa hàng tiện lợi; hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, thị trấn; 128 chuỗi kinh doanh các hàng nông sản, thực phẩm, 159 chuỗi liên kết sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông lâm sản trên địa bàn; 926 chuỗi, cơ sở cung ứng nông lâm, thủy sản của 43 tỉnh, thành phố; 60 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn.

Các kênh bán hàng đa phương tiện trên nền tảng số bao gồm khoảng 600 điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu, 35 doanh nghiệp gồm các sàn thương mại điện tử, siêu thị, hệ thống phân phối, cửa hàng lớn trên địa bàn Thành phố có hình thức bán hàng trực tuyến qua điện thoại (hotline), website, ứng dụng thương mại điện tử để người tiêu dùng nắm bắt thông tin, chủ động mua hàng hóa.

Hơn 40 sự kiện, hội chợ, tuần hàng giới thiệu sản phẩm,… phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân tại các quận, huyện, thị xã, các khu công nghiệp.

Không để bị động, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân

Để chuẩn bị mùa mua sắm Tết Quý Mão 2023 sắp tới, TP Hà Nội đã có nhiều giải pháp, chủ động các phương án đáp ứng nhu cầu hàng hóa tăng cao của người dân. Ngay từ cuối tháng 10-2022, trong phiên họp liên ngành, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành chức năng khẩn trương xây dựng Kế hoạch phục vụ các hoạt động Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 nhằm đảm bảo phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức phục vụ nhân dân đón Xuân mới vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. 

Theo đó, tình hình kinh tế-xã hội TP Hà Nội đã có nhiều bước phục hồi khả quan, nhưng khó khăn vẫn còn tồn tại nên Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị Sở Công Thương chuẩn bị chu đáo nguồn hàng, bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa với mức giá bình ổn để phục vụ nhân dân đón Tết. 

Với sự chỉ đạo khẩn trương từ lãnh đạo thành phố, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đơn vị đang tiếp tục nắm sát diễn biến tình hình dịch Covid -19 trên địa bàn để triển khai, hướng dẫn các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, UBND thành phố trong lĩnh vực Công Thương; bảo đảm các hoạt động kinh tế-xã hội thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

leftcenterrightdel

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội chủ trì phiên họp thực hiện Kế hoạch Kế hoạch phục vụ các hoạt động Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Sở đã chỉ đạo các cơ sở sản xuất các mặt hàng phục vụ Tết có kế hoạch sản xuất đảm bảo nguồn cung đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn thành phố theo Kế hoạch thành phố giao và tăng thêm tối thiểu ít nhất 30%; các đơn vị phân phối, cung ứng hàng hóa thiết yếu có kế hoạch khai thác nguồn hàng hợp lý, tổ chức các điểm bán hàng đảm bảo đầy đủ hàng hóa, giá cả ổn định và đảm bảo công tác phòng, chống dịch phục vụ nhân dân; tổ chức triển khai các chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, nhãn hàng sẽ triển khai tổ chức các chương trình, hoạt động, sự kiện kích cầu mua sắm phục vụ nhân dân trên địa bàn dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như: Tổ chức các điểm bán hàng, các chuyến bán hàng phục vụ Tết tại các huyện, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực nông thôn; các chợ hoa xuân phục vụ Tết; các sự kiện thực hiện kế hoạch kích cầu nội địa, tăng tổng mức lưu chuyển hàng hóa doanh thu dịch vụ; đẩy mạnh các hoạt động liên kết vùng, quảng bá, kết nối tiêu thụ trái cây, nông sản, sản phẩm OCOP trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương các tỉnh để chủ động nắm nguồn cung đối với các mặt hàng thiết yếu và sẵn sàng đưa nguồn cung về Hà Nội đáp ứng đầy đủ nhu cầu trong dịp Tết của nhân dân Thủ đô...

Đối với mặt hàng xăng dầu, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tiếp tục nắm bắt sát tình hình nguồn cung xăng dầu để kịp thời báo cáo Bộ Công Thương, UBND thành phố có phương án giải quyết khi có biến động về nguồn xăng dầu trên địa bàn; chủ động chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn có kế hoạch về nguồn cung xăng dầu, không găm hàng, bán đúng giá niêm yết, mở cửa hàng theo đúng thời gian quy định góp phần bình ổn thị trường xăng dầu trên địa bàn Thành phố để đảm bảo sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa.

Quyền giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nhấn mạnh sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan trong kiểm tra, kiểm soát công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn trong dịp Tết.

Bài, ảnh: NGỌC HUY