QĐND - Phiên thảo luận tại hội trường, sáng 27-5, về vấn đề bảo hiểm một lần tại Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 kết thúc khi vẫn còn rất nhiều đại biểu đăng ký mà chưa được “đăng đàn”. Các ý kiến phát biểu trên hội trường cũng có chiều hướng khác nhau và “ai cũng có lý lẽ của mình”. Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều khiển nội dung phiên họp đã kết luận theo hướng sẽ gửi phiếu xin ý kiến đại biểu và sẽ xem xét quyết định theo ý kiến chung.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) bày tỏ sự thấu hiểu, thông cảm và chia sẻ với sự bức xúc của một số người lao động thời gian qua. Tuy nhiên, đại biểu nhấn mạnh, chính sách bảo hiểm xã hội một lần vẫn có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31-12-2015, nên nội dung của Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 “vẫn chưa tác động gì đến đời sống của họ”. Đại biểu ủng hộ quan điểm của Chính phủ là tôn trọng quyền lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Đại biểu lý giải, thị trường lao động của nước ta chưa hoàn thiện, người lao động có việc làm nhưng không ổn định, chủ yếu theo mùa vụ. Trong khi đó, tiền lương tối thiểu theo 4 vùng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu, hiện mới chỉ đáp ứng được 70%. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, “giải pháp tốt nhất hiện nay là Quốc hội ra nghị quyết cho phép người lao động, sau một năm nghỉ việc, được quyền lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm”.
 |
Ảnh chỉ mang tính minh họa (Nguồn: TTXVN) |
Cũng đồng tình với quan điểm của Chính phủ và đề nghị Quốc hội ra nghị quyết về vấn đề này, đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) đề nghị, cần xây dựng “một hệ thống giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn” để tránh xu thế nhận bảo hiểm xã hội một lần tăng rất cao như trong thời gian qua. Cùng với đó, Chính phủ cần xây dựng lộ trình nâng dần điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần phù hợp với tỷ lệ lao động trong khu vực chính thức và sự phát triển của thị trường lao động để giảm dần số người không có lương hưu khi về già.
Theo đại biểu Phan Văn Quý (Nghệ An), Điều 60, Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 không những phù hợp với thông lệ quốc tế, thể hiện được tính nhân văn trong chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta, mà còn mang lại quyền lợi lâu dài và bền vững cho người lao động. Nếu dành thêm thời gian để khảo sát và đánh giá lại, người lao động sẽ hiểu hơn và “nhiều khả năng họ sẽ ủng hộ quy định mới của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014”. Do vậy, đại biểu đề nghị, tại kỳ họp này, Quốc hội chưa nên thông qua việc sửa đổi Điều 60 mà chờ kết quả khảo sát của Chính phủ và Chính phủ sẽ đề xuất Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp cuối năm.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) phân tích, người lao động phản ứng lại Điều 60 là do quy định này “đúng nhưng không đủ, vì chưa quan tâm đầy đủ lợi ích thực tiễn của cộng đồng người lao động khác nhau”. Từ đó, đại biểu đưa ra ý kiến cần sửa lại Điều 60, vì “có hiệu lực rồi chúng ta vẫn sửa được, thì chưa có hiệu lực tại sao lại không sửa được?”.
Đại biểu Trần Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Khi gặp và nghe công nhân trình bày những nguyện vọng của mình, tôi thấy khi xem xét về điều luật này, tôi chưa thực sự hiểu đầy đủ nguyện vọng của một bộ phận người lao động, cứ nghĩ mình làm luật như vậy là tốt, thực sự có lợi cho người lao động. Nhưng người lao động trong những hoàn cảnh cụ thể thì họ thấy Điều 60 còn thiếu, mình thiếu thực tiễn chính ở chỗ đó và rõ ràng thực tiễn rất phong phú. Nghiên cứu kỹ Điều 60, tôi thấy ý kiến nguyện vọng của công nhân là chính đáng và hợp tình, hợp lý”. Từ đó, đại biểu đề nghị sửa Điều 60 theo hướng bổ sung một khoản quy định người lao động lựa chọn bảo lưu hay nhận bảo hiểm xã hội một lần ngay tại kỳ họp này. Trường hợp chưa sửa được thì Quốc hội nên ra nghị quyết riêng cho phép tiếp tục thực hiện điểm c, Khoản 1, Điều 55, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 cho đến khi sửa Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng, việc Chính phủ đề nghị sửa đổi Điều 60 chỉ vì có sự phản ứng của một bộ phận người lao động ở các tỉnh, thành phố phía Nam là chưa thật sự thuyết phục. Đó là lý do để đại biểu đề nghị: “Trong kỳ họp này, Quốc hội không nên xem xét việc sửa đổi một điều luật chưa có hiệu lực thi hành mà chúng ta thống nhất đánh giá nó nhân văn, tiến bộ. Sự chưa phù hợp với thực tế của điều luật đối với một bộ phận người lao động là một tình huống và tình huống này có thể xử lý được bằng một nghị quyết của Quốc hội”.
Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đề nghị, việc sửa Điều 60 phải theo đúng quy trình và phải cung cấp tài liệu như việc trình một dự án luật bình thường (gồm tờ trình, báo cáo đánh giá tác động, thuyết minh, khảo sát ý kiến của các đối tượng chịu tác động, ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội, báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý). Trên cơ sở đó, Quốc hội sẽ xem xét tại kỳ họp thứ mười.
Trước những ý kiến còn khác nhau như vậy, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận, Quốc hội dự kiến sẽ gửi phiếu thăm dò ý kiến đến các vị đại biểu. Sau đó, Quốc hội sẽ quyết định theo ý kiến chung.
Cũng trong buổi sáng, Quốc hội thảo luận và cho ý kiến về dự kiến điều chỉnh Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và năm 2015; Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016. Đầu giờ sáng, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang trình bày Tờ trình dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự.
Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi).
Ngày 28-5, Quốc hội tiếp tục làm việc tập trung tại hội trường.
CHIẾN THẮNG