Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Đặng Văn Hải nêu rõ, trong năm 2023, Vụ Pháp chế đã tập trung thời gian, nguồn lực và có nhiều giải pháp để đẩy mạnh công tác xây dựng và tuyên truyền pháp luật, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho sự phát triển của Kiểm toán nhà nước.

Đặc biệt, Vụ đã tham mưu lãnh đạo Kiểm toán nhà nước trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Hồ sơ Dự án Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước. Pháp lệnh đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 28-2-2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5-2023.

Bên cạnh đó, Vụ đã hoàn thành công tác tham mưu rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung Luật Kiểm toán nhà nước; theo dõi, đôn đốc việc xây dựng các văn bản của ngành theo Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý của Kiểm toán Nhà nước và Kế hoạch triển khai thi hành Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước.

Đến ngày 30-11-2023, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành 15/16 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật; ban hành 40/59 văn bản quản lý.

Riêng Vụ Pháp chế trong năm 2023 được giao chủ trì xây dựng 12 văn bản bao gồm 9 văn bản quy phạm pháp luật và 3 văn bản quản lý. Đây là các văn bản quan trọng góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản của Kiểm toán Nhà nước, cụ thể hóa các quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước 2015 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước. 

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: MINH THÚY

“Đến nay, 100% văn bản đã được ban hành đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ. Trong đó, có những văn bản khó, phức tạp, lần đầu được Kiểm toán nhà nước ban hành như: Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; Hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước, Hướng dẫn xác định bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước…”, ông Đặng Văn Hải cho biết.

Trong công tác thẩm định và tham gia ý kiến vào dự thảo văn bản pháp luật trong và ngoài ngành, đến ngày 30-11-2023, Vụ đã tham gia góp ý và thẩm định 191 lượt dự thảo văn bản, trong đó có 136 văn bản của đơn vị trong ngành và 55 văn bản của đơn vị ngoài ngành gửi lấy ý kiến. Các ý kiến tham gia góp ý thẩm định được đầu tư thời gian nghiên cứu, đảm bảo chất lượng và tiến độ.

Vụ cũng đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tham gia góp ý đối với một số dự án luật quan trọng có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán nhà nước như: Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)…

Chú trọng công tác tuyên truyền pháp luật, ngay từ đầu năm, Vụ đã phối hợp với các đơn vị xây dựng Kế hoạch tuyên truyền pháp luật năm 2023 của Kiểm toán Nhà nước. Theo đó, đơn vị đã triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật thông qua các hội nghị, tập huấn và các hình thức như phát hành sách Hỏi và đáp về Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước; đăng tải thông tin trên Cổng thông tin điện tử Kiểm toán Nhà nước, Báo Kiểm toán và Đài tiếng nói Việt Nam.

Ngay sau khi Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước được ban hành, Vụ Pháp chế đã chủ động tham mưu xây dựng Kế hoạch tuyên truyền các văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước và Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Trong năm, Vụ đã tổ chức 43 hội nghị tuyên truyền pháp luật cho công chức, viên chức của các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước và các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, với sự tham gia của khoảng 5.800 lượt học viên trong ngành; 1.500 lượt học viên ngoài ngành.

Ngoài ra, năm 2023, Vụ đã thẩm định 176 dự thảo kế hoạch kiểm toán và 215 dự thảo báo cáo kiểm toán; tham mưu trả lời 25 văn bản kiến nghị kiểm toán đảm bảo chất lượng tiến độ theo quy định. Bên cạnh đó, Vụ cũng tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước các vấn đề về công tác tố tụng, bảo vệ lợi ích của Kiểm toán Nhà nước...

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh biểu dương những kết quả đơn vị đạt được trong năm 2023, đặc biệt là những kết quả trong công tác xây dựng và tuyên truyền pháp luật.

Cơ bản đồng tình với những nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2024, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Vụ Pháp chế tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục các hạn chế, yếu kém, bám sát định hướng chung của ngành, tập trung đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý của Kiểm toán Nhà nước; công tác thẩm định kế hoạch kiểm toán, báo cáo kiểm toán, trả lời kiến nghị kiểm toán; tăng cường đào tạo, thường xuyên cập nhật kiến thức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; phát huy vai trò của đơn vị tham mưu về công tác pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật; phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác.

ANH VIỆT