QĐND - Trong phiên họp thường kỳ cuối tháng 5 vừa qua, Chính phủ đã đồng ý thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch và mở rộng diện miễn thị thực (visa) đơn phương thêm một số nước ngoài 16 nước hiện tại. Đây được hy vọng sẽ là động lực lớn giúp vực dậy ngành du lịch Việt Nam đang trên đà giảm sút với số lượng khách quốc tế giảm 12 tháng liên tiếp (từ tháng 6-2014 đến 5-2015).
Quảng bá du lịch cần chuyên nghiệp hơn
Xét về tổng thể, du lịch Việt Nam có nhiều lợi thế. Đất nước ta có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, nền văn hóa phong phú, ẩm thực đa dạng, con người mến khách… Thế nhưng, chúng ta lại chưa thu hút được du khách quốc tế (7,8 triệu lượt khách so với 27,4 triệu lượt và 24,7 triệu lượt khách của Ma-lai-xi-a và Thái Lan là những đối thủ cạnh tranh trong khu vực của ta). Với một bộ phận người nước ngoài, Việt Nam chỉ là một điểm đến bình thường, đến cũng được, không đến cũng không sao, hay có đến cũng chỉ theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”. Một trong những nguyên nhân được ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam chỉ ra là hình ảnh du lịch Việt Nam chưa thực sự nổi bật trên thế giới. Ông Bình thẳng thắn nói: “Điều này là do công tác xúc tiến du lịch của ta còn thiếu chuyên nghiệp. Hiện nay, Cục Hợp tác quốc tế, Cục Di sản văn hóa, Cục Văn hóa cơ sở của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch… đều làm xúc tiến du lịch. Trong khi đây là hoạt động có dàn dựng, quy trình, có công nghệ, đòi hỏi chuyên môn, không phải ai cũng làm được. Bây giờ ai cũng làm được có nghĩa là làm "tầm thường hóa" hoạt động này. Khi xúc tiến sai sẽ làm mất ý nghĩa và làm giảm hình ảnh Việt Nam thay vì làm đẹp lên. Quá nhiều hoạt động văn hóa-xã hội lấy danh nghĩa phát triển du lịch cũng làm cho hình ảnh du lịch Việt Nam trở nên kém hấp dẫn cả trong và ngoài nước. Lễ hội nào cũng là du lịch, sự kiện nào cũng là du lịch. Ngay cả đồng bào địa phương đi xem sự kiện văn hóa không chuyên cũng cho là khách du lịch. Thực chất, họ đi theo phong trào chứ không phải đi du lịch”.
Dân gian có câu “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, trong khi “túi tiền” của chúng ta hạn hẹp, việc làm xúc tiến du lịch tràn lan như vậy khiến cho các hoạt động xúc tiến bị kéo giãn ra. Hiệu quả vì thế cũng giảm sút.
 |
Hội An là một trong những điểm thu hút nhiều khách quốc tế tại Việt Nam. Ảnh: ĐỨC MINH |
Ngoài những vướng mắc về quan niệm tổ chức, nguồn vốn, nhân lực, cách thức tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch để hoạt động này có hiệu quả cũng là một vấn đề đáng bàn. Bà Nguyễn Thị Khánh (Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh) cho rằng, du lịch Việt Nam cần một gian hàng chung khi xúc tiến ra nước ngoài để khẳng định một hình ảnh chung, sức mạnh chung chứ không nên để rời rạc, mỗi cơ quan, mỗi doanh nghiệp làm một phách như hiện nay. Đồng tình với quan điểm này, theo ông Lê Tấn Thanh Tùng, Công ty cổ phần Du lịch Việt Nam Vitours, cho biết: Khi làm quảng bá du lịch ở các nước khác, cơ quan nhà nước cần có chương trình quảng bá cụ thể, có kế hoạch dài hạn và thông báo với doanh nghiệp, kết hợp các doanh nghiệp cùng làm để các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch của cả cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp đều hiệu quả”.
Tháo gỡ khó khăn cho du lịch
Quyết định đồng ý thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch của Chính phủ được hy vọng là một giải pháp kịp thời nhằm góp phần tháo gỡ một phần khó khăn cho du lịch Việt Nam phát triển trong thời gian tới. Quỹ này gồm các hoạt động: Quảng bá xúc tiến du lịch, phát triển mở rộng thị trường, hoạt động văn phòng đại diện du lịch Việt Nam tại các thị trường; đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch; hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch; ứng phó giải quyết những vấn đề phát sinh trong hoạt động du lịch do nguyên nhân khách quan... VTF hoạt động phi lợi nhuận, được miễn thuế và dự kiến thu được từ 2.000 đến 2.500 tỷ đồng sau 5 năm thành lập, được bổ sung nguồn hằng năm nhằm duy trì hoạt động liên tục và bảo đảm nguồn chi với 30% từ nguồn ngân sách Nhà nước, 70% từ xã hội hóa và một số khoản thu từ du lịch.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đồng ý Việt Nam sẽ mở rộng diện miễn visa đơn phương cho 2 nhóm nước là thị trường trọng điểm, đối tác chiến lược, toàn diện có nguồn khách lớn, nhu cầu lưu trú dài hơn, chi tiêu cao hơn ngoài những nước đang được hưởng chính sách miễn visa hiện tại. Theo những người có kinh nghiệm trong ngành du lịch, quyết định của Chính phủ được coi như một lời mời dành cho những người yêu mến đất nước ta có cơ hội hiểu hơn về Việt Nam. Vì những nước được chúng ta đơn phương miễn visa trong đợt này đang là những nơi có rất nhiều người mong muốn đến Việt Nam.
Dù hứa hẹn sẽ là một cú hích cho du lịch Việt Nam nhưng vấn đề của ngành du lịch chưa phải đã hết. Ngành du lịch và các cơ quan liên quan vẫn cần nỗ lực hết mình để cải thiện hình ảnh Việt Nam, cải thiện các hoạt động du lịch. Trước hết là vận hành và tận dụng làm sao để những giải pháp vừa được Chính phủ đưa ra sẽ thực sự có hiệu quả.
MINH NHÃ