QĐND - Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của cả nước đạt 77,7 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước nhưng lại thấp hơn nhiều so với kế hoạch và mức tăng trưởng những năm qua. Xuất khẩu của Việt Nam đang gặp khó. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực có kim ngạch tụt giảm. Vấn đề cấp bách lúc này là gỡ khó bằng giải pháp nào?

Bức tranh toàn cảnh

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp thường kỳ Chính phủ mới đây, 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu cả nước đạt 77,7 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Nếu so sánh với  6 tháng đầu năm 2014 (mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu là 15,4% so với cùng kỳ năm 2013) thì đà tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đang bị chững lại. Trong đó, tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 6 tháng của  khu vực kinh tế trong nước đạt 22,8 tỷ USD, giảm 2,9%. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 54,9 tỷ USD, tăng 15,3% và chiếm 70,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, mức cao nhất từ trước đến nay.

Phân tích của Tổng cục Thống kê cho thấy, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng cao chủ yếu ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với các mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu như: Điện thoại các loại và linh kiện; hàng dệt may; giầy dép; máy móc thiết bị và phụ tùng... Trong các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu, một số mặt hàng có kim ngạch giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước là: Dầu thô giảm 45,7%; thủy sản giảm 14,5%; cà phê giảm 34,8%; gạo giảm 8,9%; sắt thép giảm 14,1%... Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nói trên giảm chủ yếu do đơn giá, trong đó giá dầu thô giảm 47,6%; giá cao su giảm 22,4%; giá gạo giảm 4,7%; giá sắn và các sản phẩm sắn giảm 5,3%...

Nhiều mặt hàng xuất khẩu gặp khó

Báo cáo tại Hội nghị giao ban trực tuyến của Bộ Công Thương sơ kết tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại 6 tháng đầu năm 2015, ông Nguyễn Tiến Vỵ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho hay, tăng trưởng xuất khẩu đang gặp một số khó khăn do xu hướng giá dầu thô trong thời gian tới tiếp tục diễn biến khó lường; xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đã tăng cao trong năm 2014, nhưng do đã đến ngưỡng về năng lực sản xuất nên khó có khả năng tiếp tục tăng trưởng.

Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phân tích: Dù kinh tế thế giới đã có sự hồi phục, nhưng xuất khẩu vẫn còn gặp nhiều khó khăn do nguồn cung tăng, dẫn đến khó khăn khác về việc giảm giá, cạnh tranh. Không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trong khu vực cũng đang gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu.

 

Do không làm tốt khâu bảo quản nên giá trị xuất khẩu hải sản của Việt Nam không được cao. Ảnh: Phú Quý



Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hai mặt hàng nông sản hiện đang gặp khó khăn nhất trong xuất khẩu là cà phê và gạo. Khối lượng xuất khẩu cà phê 6 tháng đầu năm 2015 chỉ đạt 687 nghìn tấn, giảm 35,8% về khối lượng và 35,1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Đối với mặt hàng gạo, khối lượng xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm nay ước đạt 3,055 triệu tấn và 1,318 tỷ USD, giảm 6,2% về khối lượng và giảm 10,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thông tin, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, mặt hàng chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn là tôm (năm 2014 chiếm khoảng 50%) đã có sự sụt giảm khá mạnh (khoảng 28%).

Những tín hiệu vui

Dù còn gặp không ít khó khăn, nhưng trong lĩnh vực xuất khẩu, 6 tháng đầu năm đã xuất hiện nhiều tín hiệu vui, mở ra nhiều triển vọng mới trong 6 tháng cuối năm.

Quả vải của Việt Nam sau nhiều năm long đong lận đận, nay đã tìm được chỗ đứng ở thị trường nước ngoài. Bà Nguyễn Hoàng Thúy, Đại diện thương mại - Thương vụ Việt Nam tại Ô-xtrây-li-a cho biết: Ngày 12-6 vừa qua, chuyến hàng 3 tấn vải đầu tiên của Việt Nam đã đến Ô-xtrây-li-a và được người tiêu dùng ở đây đón nhận với thái độ tích cực. Quả vải Việt Nam  đã đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường Ô-xtrây-li-a về kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm. Trước đó, lô vải quả tươi đầu tiên từ Việt Nam đã được đưa đến Ca-na-đa và Mỹ bằng đường hàng không. Ông Rex Yu, đại diện Công ty Manley Sales nhập khẩu vải Việt Nam cho biết, để vào được thị trường Ca-na-đa, quả vải của Việt Nam đã đáp ứng tiêu chuẩn nhập khẩu và những yêu cầu của Cơ quan Thanh tra thực phẩm Ca-na-đa (CFIA).

Theo đánh giá của ông Yu, người đã nhiều năm nhập khẩu mặt hàng vải quả tươi vào Ca-na-đa, vải Việt Nam rất ngọt, cùi dày, hạt nhỏ, vỏ mỏng. Nói chung là sản phẩm có chất lượng tốt. Tiềm năng của mặt hàng vải quả tươi của Việt Nam tại Ca-na-đa là có triển vọng.

Mới đây, Nhật Bản đã chính thức cấp phép cho các doanh nghiệp nước này nhập khẩu xoài tươi của Việt Nam. Cụ thể, giống xoài trồng tại huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai được các doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn và được cơ quan chức năng Nhật Bản đồng ý cấp phép nhập khẩu. Tiếp sau trái xoài, dự kiến sẽ có thêm thanh long ruột đỏ được phép xuất sang thị trường Nhật Bản.

Trong lĩnh vực công nghiệp, trong khi nhiều mặt hàng xuất khẩu khó khăn thì ngành da giày vẫn đạt mức tăng trưởng khá. Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da-Giầy-Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết: Việt Nam nằm trong tốp 4 nước sản xuất giầy dép lớn nhất thế giới về số lượng, sau Trung Quốc, Ấn Độ và Bra-xin, nhưng là nước xuất khẩu lớn thứ ba trên thế giới sau Trung Quốc và I-ta-li-a. Sản phẩm giầy dép của Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 50 nước. Sản phẩm túi xách có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhanh, hiện đã có mặt tại hơn 40 nước. Ước tính 6 tháng đầu năm 2015, toàn ngành xuất khẩu đạt hơn 7,1 tỷ USD, tăng 18%, trong đó giầy dép ước đạt 5,7 tỷ USD, tăng 16% và túi xách các loại đạt 1,45 tỷ USD, tăng 27%.

Cần tháo gỡ ngay các rào cản


Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, trong những tháng cuối năm 2015, việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ thuận lợi hơn bởi nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã và đang được Chính phủ tích cực đàm phán với các nước. Trong đó nổi bật là Hiệp định với Khối 12 nước châu Á-Thái Bình Dương (gọi tắt là TPP), với Liên minh châu Âu (gọi tắt là FTAEV), với Liên minh Hải quan Nga - Bê-la-rút - Ca-dắc-xtan, với các hiệp định của các nước thành viên ASEAN sẽ có hiệu lực trong năm 2015… Tuy nhiên, để thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, vấn đề cấp bách lúc này là phải tháo gỡ ngay các rào cản, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Đặc biệt là rút ngắn thời gian và đơn giản hóa quy trình thủ tục nộp thuế xuất, nhập khẩu.

Theo ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 6 tháng cuối năm, Việt Nam có thuận lợi các thị trường mở ra, hội nhập sẽ khiến làn sóng doanh nghiệp nước ngoài vào tìm cơ hội đầu tư. Tuy nhiên, để đón được làn sóng này, cần phải có các giải pháp kịp thời về vốn cho trung và dài hạn, lãi suất, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước.

Để thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu, ông Nguyễn Tiến Vỵ cho biết, sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển và đa dạng hóa thị trường, tăng cường đàm phán mở cửa thị trường; trong đó tập trung các nội dung giảm thuế, dỡ bỏ các rào cản về thương mại, kỹ thuật không phù hợp đối với nông sản, thủy sản Việt Nam nhằm tạo thuận lợi cho sự phát triển xuất khẩu. Đồng thời, tiếp tục triển khai các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp; phối hợp các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp để trao đổi về những khó khăn, vướng mắc và bàn biện pháp tháo gỡ để góp phần thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới.

 

Kim ngạch xuất khẩu tăng chậm lại, trong khi kim ngạch nhập khẩu tăng nhanh đã làm cho nhập siêu quay trở lại. Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của cả nước ước đạt 81,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2014. Nếu như 6 tháng đầu năm 2014, chúng ta đã xuất siêu 1,9 tỷ USD, thì đến 6 tháng đầu năm nay, chúng ta đã phải nhập siêu 3,7 tỷ USD, bằng 4,8% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Nguồn: Tổng cục Thống kê



ĐỖ PHÚ THỌ