QĐND - Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội, ngày 11-6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Cao Đức Phát  khẳng định, hội nhập là để giúp nông dân tìm đầu ra cho nông sản và Chính phủ đang triển khai nhiều giải pháp để giúp ngành sản xuất nông sản nâng cao sức cạnh tranh khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực...

“Bức tranh” nông nghiệp không chỉ có “màu xám”

Câu chuyện hành tím Sóc Trăng, dưa hấu Quảng Ngãi ùn ứ, nông dân không tiêu thụ được hàng hóa thời gian qua đã khiến dư luận xã hội bàn luận rất nhiều. Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ NN và PTNT sáng 11-6, các đại biểu Quốc hội tiếp tục nêu lại vấn đề này với mong muốn các cơ quan liên quan tìm được giải pháp căn bản, hiệu quả giúp nông dân tránh rơi vào hoàn cảnh tương tự trong tương lai.

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, “tình hình không đến nỗi không sáng sủa đến như vậy”.

Bộ trưởng cho hay, ngay trước khi Quốc hội họp, ông đã gọi điện tới lãnh đạo một số Sở NN và PTNT các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Giám đốc Sở NN và PTNT Cần Thơ, Hậu Giang đều nói, lúa hè thu và trái cây ở đó được mùa, được giá. Lúa hè thu ở Hậu Giang năm nay đạt năng suất bình quân 6 tấn/ha, năm ngoái chỉ đạt hơn 5 tấn. Năm nay, trong 10 mặt hàng nông sản xuất khẩu thì có 5 mặt hàng giảm cả giá và sản lượng xuất khẩu là gạo, cao su, cà phê, tôm và cá tra. Nhưng có 5 mặt hàng lại tăng là hạt tiêu, hạt điều, đồ gỗ, sắn và rau quả, trong đó sắn xuất khẩu tăng tới 44%.

“Tình hình chung của cả nước cũng vậy, không phải tất cả đều như dưa hấu, hành tím trong tháng 5... Vì vậy, trong mọi tình huống, chúng ta cần bình tĩnh, xử lý những tình huống đã đặt ra”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Nguyên nhân khiến dưa hấu Quảng Ngãi và hành tím Sóc Trăng bị tồn đọng đã được xác định rõ. Dưa hấu Quảng Ngãi chỉ đóng góp 100.000 tấn mỗi năm, nhưng sản lượng chung của cả nước mỗi năm lên tới 1.200.000 tấn dưa hấu. Việc dưa hấu Quảng Ngãi bị tồn đọng là do thông quan (tại các cửa khẩu-PV). Các cơ quan hữu quan đã giải quyết vấn đề này trong tháng 5 và sẽ tiếp tục chú ý giải quyết trong các tháng tiếp theo. 70% sản lượng hành tím ở Sóc Trăng được xuất khẩu, chủ yếu sang In-đô-nê-xi-a. Từ cuối năm 2014, In-đô-nê-xi-a có chủ trương tự túc trong nước nên dừng nhập khẩu hành từ Việt Nam, khiến hành tím của nông dân Sóc Trăng bị tồn đọng. “Chúng tôi đã sang tận In-đô-nê-xi-a làm việc với các đồng nghiệp để tháo gỡ nhưng việc này cần phải có thời gian vì đây là chính sách của một nước”, “Bộ trưởng của nông dân” cho biết.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát, sáng 11-6. Ảnh: CHIẾN THẮNG

Xuất mặt hàng có thế mạnh, nhập mặt hàng thế yếu

Hội nhập kinh tế quốc tế nghĩa là phải chấp nhận cạnh tranh với sản phẩm của các nước, đặc biệt là các nước có thỏa thuận thương mại tự do với Việt Nam. Do vậy, thích nghi và tìm ra sản phẩm thế mạnh để sản xuất là lời khuyên, giải pháp chủ yếu, cần thiết cho doanh nghiệp, người sản xuất hàng hóa nói chung và nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nói riêng.

Trả lời chất vấn của đại biểu Huỳnh Văn Tiếp, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói, với nông nghiệp nước ta hiện nay, quan trọng nhất là thị trường. Vì thế, Việt Nam phải hội nhập để mở đường cho nền kinh tế, mở đường cho nền nông nghiệp nước nhà phát triển. Trong quá trình đàm phán các hiệp định thương mại tự do, Việt Nam yêu cầu các đối tác mở cửa cho những lĩnh vực thế mạnh, như trồng trọt, lâm nghiệp, thủy sản. Tuy nhiên, các nước cũng yêu cầu Việt Nam phải mở cửa thị trường cho những mặt hàng là thế mạnh của họ nhưng không phải là thế mạnh của Việt Nam, như chăn nuôi, và “chúng ta cũng phải chấp nhận để đánh đổi lấy những lợi thế khác”.

Lấy ví dụ về những mặt hàng nông sản Việt Nam không có lợi thế để sản xuất, người đứng đầu ngành nông nghiệp nói, mỗi năm, Việt Nam chỉ sản xuất được 160.000 tấn đỗ tương, quá ít so với nhu cầu chế biến thức ăn chăn nuôi. Vì thế, năm 2014, Việt Nam phải nhập khẩu 150.000 tấn đỗ tương, 4 triệu tấn khô dầu, hàng trăm nghìn tấn bột cá, bột xương giàu đạm để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Riêng ngô là mặt hàng Việt Nam có thể sản xuất tốt, nhưng vẫn phải nhập khẩu tới 4,7 triệu tấn trong năm 2014 là chưa ổn. Vì thế, Bộ NN và PTNT đang nỗ lực cùng các địa phương thúc đẩy phát triển sản xuất ngô trong nước, trong đó có hỗ trợ giống và cơ giới hóa để giảm chi phí nhân công.

“Trong nền kinh tế thị trường, chúng ta cố gắng bán được nhiều sản phẩm là thế mạnh của mình, nhưng cũng phải chấp nhận nhập những cái gì mà thiên hạ làm rẻ hơn, như thế là chúng ta cũng có lợi”, lời của Bộ trưởng Cao Đức Phát.

“Lời giải” nào cho “bài toán khó”?

Để giúp nông dân tìm ra “lời giải” cho “bài toán” hội nhập, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh đến giải pháp nhập khẩu giống và công nghệ sản xuất giống có chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân và tăng cường đầu tư vào lĩnh vực chế biến, liên kết chuỗi sản xuất và khuyến khích doanh nghiệp liên kết với nông dân, đầu tư về nông thôn.

Về nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, ông nhấn mạnh: “Hiện nay, chúng tôi đang tập trung nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi, bắt đầu từ khâu giống. Tôi đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát khắp thế giới, ở đâu có giống tốt thì đưa về Việt Nam”.

Cụ thể, trước sự quan tâm của đại biểu Điểu K’rứ (Đắc Nông) về chính sách thúc đẩy phát triển chăn nuôi đại gia súc vùng Tây Nguyên, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: “Tôi có chủ trương và đề nghị nhiều địa phương cho đi nhập khẩu giống bò Úc về để nuôi tại địa phương. Tôi tháp tùng Thủ tướng sang Úc, thấy điều kiện khí hậu ở nhiều vùng của họ giống như chúng ta, nên hoàn toàn có thể đem bò giống Úc về để nuôi”… “Một mặt hỗ trợ nhân dân để nuôi, một mặt hỗ trợ cho các doanh nghiệp để họ làm nòng cốt trong việc nuôi và phổ biến cho nhân dân cùng nuôi. Đây là cách hiện thực nhất”.

Với câu hỏi của đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời, ngành nông nghiệp đang “dốc toàn lực để có những cải tiến về con giống”, ngoài việc tăng cường nghiên cứu ở trong nước thì phải nhập khẩu con giống tốt. “Một con lợn nái của chúng ta đẻ được 26 con, nhưng ở Đan Mạch mà đẻ dưới 30 con người ta không nuôi. Vì thế, tôi nói đồng chí Cục trưởng Cục Chăn nuôi cùng các doanh nghiệp đi sang và tháng vừa rồi đã ký hợp đồng nhập hàng nghìn con giống về. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy đối với các loại con khác”, ông nói.

Thẳng thắn nhận trách nhiệm, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Về tổ chức lại sản xuất, cái yếu vẫn là thiếu doanh nghiệp mạnh, thiếu tổ hợp tác, hợp tác xã để hình thành những chuỗi sản xuất, trong việc này chúng tôi có trách nhiệm trong việc tổ chức triển khai thực hiện các chính sách mà Đảng và Nhà nước đã ban hành chưa hiệu quả, chúng tôi đang nỗ lực. Chúng tôi cũng trăn trở và cố gắng làm, nhưng hiệu quả chưa được như mong đợi, chúng tôi sẽ tiếp tục làm quyết liệt, phối hợp với các bộ, các địa phương để triển khai thực hiện”.

Bộ trưởng nói, Bộ NN và PTNT cũng như Chính phủ đang khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Khó khăn lớn nhất hiện nay là không có quỹ đất để bố trí cho doanh nghiệp, bởi sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đòi hỏi phải có diện tích đất lớn. Tuy nhiên, thực tế cũng đã có một số doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực này và đang rất được hoan nghênh.

Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Đây cũng là mối quan tâm chung của toàn xã hội, bởi nông nghiệp, nông dân và nông thôn vẫn chiếm tỷ trọng lớn, chủ yếu về số lượng, trong bức tranh tổng thể về kinh tế-xã hội nước ta. Điều đó được thể hiện qua chính những phong trào tự phát chung tay giúp sức nông dân khi bà con gặp khó khăn trong tiêu thụ dưa hấu, hành tím, hành tây như trong thời gian qua, cũng như thể hiện qua “kỷ lục về số lượt đại biểu chất vấn và số câu hỏi chất vấn” mà Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận được trong phiên thảo luận ngày 11-6, như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tổng kết. Mong rằng, với sự quan tâm lớn như vậy, nông dân Việt Nam sẽ sớm được yên tâm với vai trò là “mắt xích” không thể thiếu trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp và họ có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, bằng trồng trọt hay chăn nuôi.

Cố gắng giảm tác động đến nhân dân khi tăng giá xăng, điện

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) gọi điện ở nước ta “là mặt hàng rất lạ” khi chỉ “tăng giá, tăng giá và tăng giá, tăng rồi, tăng tiếp và tăng nữa”. Đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa-Vũng Tàu) đề nghị Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng làm rõ các yếu tố chi phí trong cấu thành giá xăng, dầu, trong đó có chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức.

Lý giải về điều này, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, Chính phủ luôn coi điện và xăng dầu là hai mặt hàng hết sức đặc biệt, liên quan đến toàn bộ đời sống kinh tế-xã hội của đất nước, mức tăng dù nhỏ cũng có tác động đến cuộc sống của người dân. Dù đã nhất quán thực hiện theo cơ chế thị trường, nhưng hai mặt hàng này vẫn phải có thêm sự quản lý của Nhà nước để bảo đảm việc tăng giá sẽ ít tác động nhất đến kinh tế-xã hội cũng như cuộc sống của người dân. Do là cơ quan chủ trì việc điều hành giá xăng dầu, điện, nên Bộ Công Thương “rất băn khoăn” mỗi khi quyết định tăng giá xăng dầu, tăng giá điện và “cố gắng tính toán rất chặt” để vừa bảo đảm nguyên tắc không bù giá, nhưng lại ít tác động nhất đến nhân dân.

Về cơ chế điều hành giá xăng dầu, Bộ trưởng nói, theo quy định hiện hành, giá xăng dầu trong nước sẽ lấy theo giá dầu quốc tế, cụ thể là giá xăng dầu tại Xin-ga-po, làm chuẩn. Nếu giá bình quân trong 15 ngày theo chiều hướng tăng thì sang ngày thứ 16 sẽ được điều chỉnh tăng và ngược lại. Tuy nhiên, do sự tác động của mặt hàng xăng dầu lên kinh tế-xã hội rất lớn, nên Chính phủ vẫn dùng các công cụ khác như điều chỉnh thuế suất, trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu để giảm sự tác động tiêu cực.

Về giá điện, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, giá điện được giữ ổn định suốt từ tháng 8-2013 đến tháng 3-2015 mới điều chỉnh tăng và đây là lần đầu tiên giá điện được bán cao hơn giá thành sản xuất. Tuy nhiên, mức giá mới tăng cũng vẫn chưa phải là giá thị trường và theo lộ trình thì đến năm 2016, giá điện sẽ được thí điểm vận hành theo giá thị trường. Khi đó, hộ tiêu thụ điện có thể tự lựa chọn nhà cung cấp điện khi mô hình bán lẻ điện cạnh tranh được thí điểm. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình thêm, giá cơ sở hình thành giá bán lẻ của mặt hàng xăng dầu bao gồm giá bình quân của thế giới trong 15 ngày, các chi phí vận chuyển từ cảng nước ngoài về Việt Nam, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, biến động của tỷ giá ngoại tệ, chi phí định mức, lợi nhuận định mức, mức trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu, thuế giá trị gia tăng, thuế môi trường và các loại phí khác. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ Tài chính sẽ rà soát lại các mức chi phí của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Theo kế hoạch, sáng 12-6, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng sẽ tiếp tục trả lời những chất vấn khác của đại biểu Quốc hội. Sau đó, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ lần lượt đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.
“Để cho một hộ trồng lúa sống được bằng thu nhập từ lúa thì phải có diện tích ít nhất là 2ha, nhưng nước ta có 4,1 triệu héc-ta, trong khi chúng ta có 9,3 triệu hộ nông dân trồng lúa, như vậy mỗi hộ nông dân trồng lúa chưa đến nửa héc-ta”-Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

CHIẾN THẮNG