QĐND – Ngày 8-6, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về tình hình kinh tế-xã hội. Phiên họp dự kiến sẽ sôi động với nhiều đề xuất hay của các đại biểu, trong đó chắc chắn sẽ có các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trước phiên họp, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế-Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, đại biểu Quốc hội đoàn Thái Bình về một số vấn đề “nóng” xung quanh hoạt động của ngân hàng và doanh nghiệp.

- Thưa đồng chí, đã có thời gian khá dài giữ cương vị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đồng chí đánh giá thế nào về cách điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong thời gian vừa qua?

- Tôi bị thuyết phục bởi những tuyên bố chỉ đạo và hành động của người đứng đầu ngành ngân hàng hiện nay về quản lý thị trường vàng, lãi suất, tỷ giá, tái cơ cấu và xử lý nợ xấu. Thật sự lúc đầu tôi cũng nghi ngại không biết ngành ngân hàng có thực hiện được không vì có những vấn đề đã tồn tại từ rất lâu mà chưa giải quyết được. Việc đầu tiên đó là ngành ngân hàng tuyên bố sẽ lập lại kỷ cương của thị trường vàng mà ở đó không còn tình trạng đầu cơ, tích trữ, không còn coi vàng là một phương tiện thanh toán, dân có tiền nhàn rỗi là mua vàng, thị trường vàng bây giờ đã đi vào ổn định và điều quan trọng là Nhà nước đã kiểm soát được.

Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm.

Tiếp theo là tuyên bố sẽ hạ lãi suất, có những thời điểm lãi suất cho vay lên tới hơn 20% thì thật sự vô cùng khó khăn cho các doanh nghiệp. Với cách điều hành quyết liệt và hướng vào mục tiêu hạ lãi suất để các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn trong gần 3 năm qua lãi suất đã hạ xuống rất nhiều giờ còn dao động từ 7 đến 9%.

Nhưng có lẽ điều các doanh nghiệp đánh giá cao với việc điều hành tỷ giá mà ở đó Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tuyên bố trước về định hướng điều chỉnh tỷ giá và luôn kiên định mục tiêu để các doanh nghiệp chủ động sản xuất kinh doanh.

Với tất cả nỗ lực đó, ngành ngân hàng đã được xã hội ghi nhận những đóng góp trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ, góp phần tạo môi trường cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phát triển.

- Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã từng phát biểu rằng, bản thân ngân hàng rất cần doanh nghiệp tốt để cho vay, chỉ cần doanh nghiệp chứng minh được dòng tiền, làm ăn bài bản thì ngân hàng vẫn cho vay theo hình thức tín chấp dù doanh nghiệp không có tài sản thế chấp, vậy theo đồng chí, tại sao vẫn có doanh nghiệp cho rằng khó tiếp cận nguồn vốn?

- Phát biểu đó của Thống đốc được cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa đánh giá cao. Thống đốc đã nhiều lần đối thoại với doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nhân trẻ để lắng nghe đề xuất, kiến nghị của họ và có phương án giải quyết. Đồng thời, ngành ngân hàng đã đưa ra nhiều chương trình tín dụng thể hiện tư duy đổi mới và sáng tạo nhằm giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn điển hình là NHNN đã chỉ đạo triển khai thí điểm mô hình cho vay tín chấp theo đó các doanh nghiệp làm ăn tốt không có tài sản thế chấp vẫn được vay vốn. Quyết sách này của Thống đốc thể hiện tư duy ban hành chính sách gắn với cuộc sống vì cái vướng nhất của doanh nghiệp nhỏ và vừa khi tiếp cận vốn tín dụng là tài sản thế chấp. Chính sách của NHNN đã thể hiện ngành ngân hàng quyết tâm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn.

Đặc biệt, chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp để giúp các ngân hàng doanh nghiệp và địa phương kết nối để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn. Hoặc mô hình cho vay theo chuỗi liên kết, cho vay với những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cho vay vào những lĩnh vực Nhà nước ưu tiên đặc biệt là nông nghiệp, thủy sản để phân dòng tín dụng và đẩy vốn vào lĩnh vực sản xuất bảo đảm hiệu quả việc sử dụng vốn, thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế.

Tư vấn cho doanh nghiệp vay vốn tại Ngân hàng Thương mại CP Công thương Việt Nam. Ảnh: Hoàng Nhàn.

Nguyện vọng của các doanh nghiệp thì bao giờ cũng muốn dễ dàng vay vốn với lãi suất thấp. Tuy nhiên, thực chất ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, họ phải cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng trước khi cho vay để tránh tình trạng nợ xấu. Đó cũng là điều các doanh nghiệp cần chia sẻ với ngân hàng và cùng nhau thực hiện.

- Thông điệp của NHNN đưa ra là năm 2015 điều chỉnh tỷ giá không quá 2% nhưng đến tháng 5-2015 NHNN đã điều chỉnh hết room rồi. Đồng chí có tin rằng, NHNN sẽ giữ vững cam kết?

- Tỷ giá được NHNN cam kết điều chỉnh không quá 2% thể hiện quan điểm nhất quán trong điều hành tỷ giá và hướng tới mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững lòng tin, giữ vững thành quả đất nước đã đạt được trong 3 năm qua.

NHNN đã khẳng định không điều chỉnh tỷ giá quá 2% năm 2015 là dựa trên tính toán, cân đối các yếu tố tác động lên tỷ giá, lợi ích quốc gia và nguồn lực để thực hiện cam kết và kiên trì thực hiện, giúp doanh nghiệp chủ động trong sản xuất-kinh doanh -dịch vụ. Đồng thời với những gì NHNN đã cam kết và thực hiện trong thời gian vừa qua, tôi tin rằng NHNN sẽ thực hiện như vậy.

- Ngoài chỉ tiêu về tỷ giá, còn các chỉ tiêu khác, đồng chí có ấn tượng gì?

- Tôi ấn tượng với kế hoạch dự kiến tăng trưởng tín dụng năm 2015 là 17%. Đấy là mức tăng trưởng hợp lý và là con số để khẳng định ngành ngân hàng luôn nỗ lực và trách nhiệm trong việc đẩy vốn vào nền kinh tế, qua đó góp phần phục hồi kinh tế, ổn định vĩ mô và giúp nhiều doanh nghiệp quay lại thị trường.

Lãi suất duy trì ở mức 7-9%, cũng có ý kiến cho rằng mức lãi suất này vẫn còn cao so với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, đây cũng là một mức lãi suất thể hiện sự quyết tâm của ngành ngân hàng trong việc giảm mặt bằng lãi suất vì đã có thời điểm lãi suất cho vay lên tới hơn 20%. Đồng thời, việc giảm lãi suất cũng cân đối với mục tiêu chính sách tiền tệ chung và linh hoạt trong quá trình thực hiện.

Sự quyết tâm và quyết liệt của ngành ngân hàng trong tái cơ cấu 9 ngân hàng yếu kém và thực hiện đưa nợ xấu về 3% vào cuối năm 2015 trên nguyên tắc không sử dụng ngân sách, chi phí tối thiểu và bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống và nâng cao niềm tin công chúng với hệ thống tài chính ngân hàng.

Tăng dư nợ tín dụng, giảm nhanh nợ xấu-thể hiện trách nhiệm của ngành ngân hàng trong bối cảnh hiện nay.

- Cũng có ý kiến cho rằng, lãi suất hiện nay làm giảm cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa so với doanh nghiệp nước ngoài. Ý kiến của đồng chí về vấn đề này?

- Sự cạnh tranh của các doanh nghiệp là sự tích hợp của rất nhiều yếu tố như năng lực quản trị, quản lý, nguồn nhân lực, chiến lược kinh doanh, phát triển sản phẩm, thị trường tiêu thụ… và vốn vay ngân hàng chỉ là một yếu tố vì trong tổng số nguồn vốn thì có nhiều doanh nghiệp vốn vay ngân hàng chiếm tỷ lệ nhỏ mà tôi cho rằng không phải là yếu tố trọng yếu. Do vậy nói rằng, lãi suất hiện nay giảm sự cạnh tranh của các doanh nghiệp là chưa đầy đủ mà nếu lãi suất giảm hơn nữa thì tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp thì hợp lý.

- Là người đại diện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong Quốc hội, đồng chí có mong muốn gì với ngành ngân hàng?

- Tôi đánh giá cao những nỗ lực của ngành ngân hàng trong thời gian vừa qua, sự quan tâm đến cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng đã góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn phát triển sản xuất.

Tôi mong trong thời gian tới, ngành ngân hàng cân nhắc các yếu tố và có thể giảm mặt bằng lãi suất thêm 1% nữa; vận dụng linh hoạt trong quản lý điều hành giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội, khắc phục khó khăn trong giai đoạn phục hồi này.

Đặc biệt, ngành ngân hàng đã và đang quyết liệt, trách nhiệm thực hiện tái cơ cấu và xử lý nợ xấu. Tôi cũng mong tiến trình này tiếp tục được triển khai mạnh mẽ để lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng và hỗ trợ doanh nghiệp vì nợ xấu liên quan đến doanh nghiệp, tổng thể nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô.

Đồng thời, tôi cũng mong muốn các doanh nghiệp không ngừng đổi mới, tăng cường năng lực quản trị, phát huy sức mạnh nội lực để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

PHÚ THỌ và HẢI MINH (thực hiện)