QĐND - “Ăn nhờ ở đậu” giữa Vườn quốc gia Cát Tiên, hưởng lợi từ bóng mát cây rừng, sống nhờ búp măng tre, đọt mây đắng… suốt bao đời nay, đồng bào Châu Mạ, S’tiêng ở thôn 3 và thôn 4, xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, đã biết cùng nhau giữ rừng, bảo vệ “ngôi nhà chung”-Vườn quốc gia Cát Tiên.
Câu chuyện về người Châu Mạ, S’tiêng giữ rừng, nhận khoán bảo vệ rừng bắt đầu từ vài năm trở lại đây, khi Chính phủ thực hiện chính sách dịch vụ chi trả môi trường rừng; trong đó dành nhiều ưu tiên cho các gia đình khó khăn, hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa. Được giao khoán bảo vệ rừng, mỗi năm, người đại diện trong thôn 4 sẽ ký hợp đồng với cơ quan chức năng nhận rừng để cùng nhau bảo vệ. Việc tuần tra rừng được người trong thôn chia nhau luân phiên giữa những người đàn ông, thanh niên khỏe mạnh. Họ sẽ cùng đi với đoàn của lực lượng kiểm lâm địa phương vào rừng làm nhiệm vụ.
Xoay vòng hết đợt này đến đợt khác, trung bình một tháng, mỗi hộ có khoảng 3-5 đợt đi tuần. Công việc đi tuần kéo dài khoảng một ngày và được chia theo tiểu khu cho từng nhóm khác nhau. Tuy vất vả nhưng nguồn thu nhập từ nhận khoán bảo vệ rừng cũng đem lại niềm vui cho không ít người dân nơi đây, nhất là những dịp cuối năm, Tết đến.
Gia đình chị Điểu Thị Yêu là một trong những hộ đầu tiên trong thôn 4 sắm được dàn máy năng lượng mặt trời để sản xuất điện chiếu sáng, xem ti vi. Ngoài nguồn thu chính từ 10ha điều mỗi năm, số tiền gần 15 triệu đồng được trả từ việc nhận giữ rừng đã giúp gia đình chị Yêu có nguồn trang trải thêm.
Theo UBND xã Phước Cát 2, hiện nay có gần 1.500ha rừng thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên được giao cho 29 hộ dân trong thôn 4 quản lý, bảo vệ. Cộng đồng thôn 3 với 32 hộ cũng được giao 1.530ha rừng để “cai quản”. Việc giao rừng cho cả thôn (thay vì giao cho từng hộ dân) đã gắn kết và nâng cao tinh thần trách nhiệm của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn.
Trên địa bàn thôn 3 có đặt trạm kiểm lâm và thôn 4 cũng đặt một chốt kiểm lâm để cùng phối hợp với bà con trong buôn làng tuần tra, trực chiến chống cháy rừng, nhất là dịp mùa khô cuối năm. Anh Trần Văn Sơn, cán bộ kiểm lâm tại Trạm kiểm lâm thôn 3, cho biết: “Dù lễ, Tết hay ngày thường, anh em kiểm lâm đều thường trực bám rừng. Không chỉ tuần tra, bảo vệ, anh em còn thường xuyên vận động bà con nêu cao ý thức phòng cháy, chữa cháy, nâng cao trách nhiệm bảo vệ rừng và cảnh giác kẻ gian đến xâm hại”.
Không chỉ phòng, chống những hiểm họa từ thiên nhiên, việc canh gác, bảo vệ rừng trong vườn quốc gia còn đối mặt với những kẻ lạ mặt đến xâm hại rừng và sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng. Anh Bùi Đình Mai, cán bộ kiểm lâm có thâm niên hơn 10 năm làm việc tại Vườn quốc gia Cát Tiên, kể rằng, chính anh đã đối mặt với nhiều “lâm tặc” sẵn sàng đánh trả lực lượng kiểm lâm để thoát thân và đã từng bị một đối tượng chích điện khi tuần tra tại khu vực Bàu Sấu.
Tuy nguy hiểm là vậy nhưng dịp Tết vừa qua, các anh em trong trạm kiểm lâm vẫn túc trực, sẵn sàng làm nhiệm vụ. Và bên họ còn có những trai làng sinh ra và lớn lên trong rừng như: Điểu K’Nam, Điểu K’Nhao, Điểu K’Bam, Điểu K’Ngơi… luôn kề vai sát cánh, ngày đêm giữ bình yên cho những cánh rừng của Cát Tiên, của đại ngàn Tây Nguyên.
NGUYỄN DŨNG