QĐND Online – Tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội đã dành cả ngày 16-6, thảo luận tại hội trường về dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, đa phần các đại biểu đồng tình cao với mục tiêu, quan điểm chỉ đạo là nhằm xây dựng Bộ luật Hình sự phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp; thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các chủ trương, đường lối của Đảng trong các văn kiện Đại hội lần thứ 11 của Đảng; Nghị quyết 48, 49 của Bộ Chính trị, đặc biệt là chủ trương hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng đối với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, việc bỏ hình phạt tử hình với tội danh nào cần phải được cân nhắc, đánh giá một cách đầy đủ, vừa bảo đảm tính nhân đạo của nhà nước ta với người phạm tội, đồng thời đảm bảo hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Cân nhắc việc bỏ một số tội danh có hình phạt tử hình

Đại biểu Trần Thị Dung (đoàn Điện Biên) dẫn chứng, trong bối cảnh hiện nay, nhiều vụ án, các đối tượng vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng rất lớn, thủ đoạn tinh vi, cấu kết chặt chẽ và thường trang bị vũ khí, sẵn sàng chống trả quyết liệt các lực lượng chức năng của ta. Rất nhiều gương hy sinh dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ công an, biên phòng trong cuộc chiến khốc liệt này. “Vì vậy, cá nhân tôi thấy cần tiếp tục hình phạt tử hình đối với tội này”, đại biểu Dung phát biểu.

Cùng với đó, đại diểu Dung cho rằng: Với 3 tội, tội phá hoại hòa bình gây chiến tranh xâm lược, tội chống loài người, tội phạm chiến tranh quy định tại các Điều 436, 437, 438 là loại tội phạm nghiêm trọng nhất trong các loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Vì vậy, giữ hình phạt tử hình đối với các tội danh này là thể hiện quan điểm của nhà nước ta đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng này trong tương quan với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác quy định trong Bộ luật Hình sự.

Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) phát biểu ý kiến.

Cùng đóng góp về việc bỏ 7/22 tội danh có hình phạt tử hình, đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (đoàn Bình Thuận) cũng không tán thành việc bỏ tử hình với các tội danh phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược, tội chống lại loài người, tội phạm chiến tranh, bởi vì các tội danh nêu trên đều là những tội đặc biệt nguy hiểm, đe dọa đến nền hòa bình, độc lập chủ quyền của quốc gia, đe dọa đến sự tồn vong của loài người. Đại biểu Niễn nhấn mạnh: “Trong khi hành vi giết một vài người có thể bị kết tội tử hình, vậy mà những kẻ gây ra chiến tranh xâm lược, tàn sát rất nhiều người, gây tội ác chống nhân loại mà không bằng hình phạt tử hình về tội giết người, không chịu hình phạt cao nhất là điều không thể chấp nhận được. Bỏ hình phạt tử hình đối với tội danh này là đồng nghĩa với khuyến khích chiến tranh, phá hoại hòa bình, khuyến khích thế lực thù địch tiếp tục hăng hái chống phá cách mạng, chống lại dân tộc. Do vậy, tôi đề nghị giữ nguyên tôi danh này như luật hiện hành”.

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đề nghị Quốc hội cần xem xét và quan tâm đến người phạm tội có độ tuổi 70 mà dự thảo luật không áp dụng hoặc không thi hành án phạt tử hình. Các đại biểu đều cho rằng đây là thể hiện chính sách hình sự nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta đối với người đã đến độ tuổi thượng thọ, đối tượng được hưởng chính sách bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, theo đại biểu Trương Thái Hiền (đoàn Kiên Giang), trong thực tế cho thấy, độ tuổi 70 hiện nay còn rất khỏe và có đủ điều kiện để hưởng thụ, là tấm gương để con cháu noi gương vậy mà họ phạm tội, xã hội cần lên án kịch liệt. “Họ phạm tội gây án thường đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong đời sống xã hội, do vậy tôi đề nghị phải áp dụng và thi hành án tử hình đối với đối tượng có độ tuổi 70 vi phạm pháp luật hình sự đặc biệt nghiêm trọng”, đại biểu Hiền nêu ý kiến.

Đại biểu Triệu Là Pham (đoàn Hà Giang) cho rằng, quy định này là chưa hợp lý. Vì thực tế cho thấy, như ở một số nước có nền kinh tế phát triển, đời sống vật chất được cải thiện, tuổi thọ bình quân ngày được nâng lên, những người 70 tuổi trở lên vẫn khỏe mạnh, đầu óc minh mẫn, là những người có vốn hiểu biết và giàu kinh nghiệm. Đại biểu Pham kiến nghị: “Nên bỏ quy định này, để xem xét lại quy định cho phù hợp tình hình thực tế hiện nay, đồng thời đề nghị theo hướng không áp dụng hình phạt tử hình, không thi hành án tử hình đối với người thật sự già yếu, mắc bệnh hiểm nghèo hoặc lâm vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội, khi có kết quả giám định y khoa hoặc xác nhận bằng văn bản của cơ quan y tế có thẩm quyền”.

Có truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân?

Theo nguyên tắc, quan điểm truyền thống về pháp luật hình sự nước ta thì chủ thể của tội phạm chỉ có thể là thể nhân chứ không phải là pháp nhân, tức là cá thể hóa trách nhiệm hình sự. Sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự lần này đặt ra vấn đề xác định chủ thể tội phạm bao gồm cả thể nhân và pháp nhân. Vậy có mâu thuẫn với nguyên tắc và quan điểm truyền thống hay không? vấn đề này được đặt ra khi vẫn còn nhiều luồng ý kiến khác nhau. Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) lập luận: “Nó sẽ mâu thuẫn nếu chúng ta giữ nguyên tư duy pháp lý hình sự truyền thống và cách tiếp cận theo quan điểm truyền thống, sẽ không mâu thuẫn nếu chúng ta tiếp cận quan điểm, tư tưởng mang tính nguyên tắc trong luật hình sự về vấn đề chủ thể chịu trách nhiệm hình sự theo tư duy đổi mới”. Đại biểu Tám tán thành với các quan điểm chỉ đạo trong xây dựng Bộ luật Hình sự, trong Tờ trình của Chính phủ, đó là đổi mới nhận thức về chính sách hình sự mà trọng tâm đổi mới quan niệm về tội phạm hình phạt. Bởi vậy, việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong dự thảo là phù hợp. Theo đại biểu Tám, việc đó đáp ứng yêu cầu phòng, chống các hành vi của các pháp nhân có tính chất nguy hiểm cho xã hội và khá phổ biến trong thực tiễn hiện nay của xã hội nước ta.

Giải thích cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn TP Hồ Chí Minh) lập luận, nếu có hành vi phạm pháp xảy ra, pháp nhân gây thiệt hại mà chỉ trừng phạt cá nhân thì không công bằng, bởi vì họ phải gánh chịu tội của người khác. “Đặc biệt, quan trọng nhất là khi ta đã truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân thì con đường chứng minh lỗi và chứng minh gây thiệt hại của pháp nhân bằng con đường tố tụng tư pháp, sẽ chặt chẽ, cứng rắn, bài bản, có điều kiện hơn và như thế mới quy được trách nhiệm cụ thể của pháp nhân, buộc pháp nhân phải thay đổi cách xử xự” đại biểu Đương nhấn mạnh.

Đại biểu Trần Xuân Hùng (đoàn Hà Nam) chỉ ra, vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân không phải là vấn đề mới, trên thế giới đã đặt ra vấn đề này và quy định trong luật hình sự từ rất lâu. Có 119/173 nước quy định, Việt Nam cũng vậy, chúng ta đã nghiên cứu vấn đề này  khi xây dựng Bộ luật Hình sự từ năm 1985, trong suốt 30 năm nay, đây vẫn là vấn đề tranh luận. Bại biểu Hùng góp ý: “Tuy nhiên, về phương diện lý luận thì pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự, không có gì phải bàn cãi, khoa học pháp lý cũng đã chứng minh vấn đề này. Tôi đề nghị chúng ta hết sức thận trọng và có lộ trình, bước đi phù hợp, tránh gây xáo trộn lớn trong việc thực hiện chính sách pháp luật hình sự, tạo sự ổn định cho Bộ luật Hình sự”. Từ đó đại biểu Hùng nhất  trí với quan điểm trước mắt chỉ quy định pháp nhân ở một số tổ chức kinh tế phải chịu trách nhiệm hình sự như quy định tại Chương 11 của dự thảo.

XUÂN DŨNG