Các loại hình vận tải mất cân đối, thiếu kết nối
Dịch vụ logistics là tên gọi chung của một nhóm các loại dịch vụ bao gồm vận tải, xếp dỡ, kho bãi, làm thủ tục hải quan và nhiều loại dịch vụ hỗ trợ khác. Để có cái nhìn cụ thể về chi phí logistics tại Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) đã có bảng so sánh đáng chú ý. Với 1 container 20 feet đi từ Hải Phòng đến TP Hồ Chí Minh, nếu vận chuyển bằng đường bộ chi phí là 34-37 triệu đồng, thời gian mất 60 giờ. Đi bằng đường sắt, chi phí chưa đến 1/2 (12,4-14,3 triệu đồng) nhưng thời gian tăng gấp đôi, mất 120 giờ. Với đường biển, số tiền dịch vụ khoảng 5,2 đến 6,7 triệu đồng, thời gian cũng mất 120 giờ. Những con số này lý giải phần nào nguyên nhân dẫn đến mất cân đối giữa các loại hình vận tải hiện nay. Vận tải đường bộ dù có giá thành cao nhưng chiếm tới 77,2% thị phần, trong khi các phương thức vận tải khối lượng lớn, giá thành thấp như đường thủy nội địa, đường biển chỉ chiếm 17,14% và 5,22%; cá biệt, vận tải đường sắt chỉ chiếm 0,42%, hàng không chiếm thấp nhất (0,02 %).
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số hiệu quả dịch vụ logistics (LPI) của Việt Nam đứng thứ 64/160 nước. Tốc độ phát triển bình quân hằng năm của ngành logistics Việt Nam khoảng 14-16%, là một trong những ngành tăng trưởng đều trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo WB, vấn đề nổi cộm nhất là chi phí logistics của Việt Nam còn ở mức cao, tương đương 20,9% GDP, trong đó, chi phí vận tải chiếm khoảng 59%. Ở các nước phát triển, chi phí này chỉ 9-14% GDP. Một trong những nguyên nhân lớn nhất đẩy chi phí logistics lên cao do chi phí vận tải, đặc biệt là vận tải đường bộ.
 |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi cùng các đại biểu tại hội nghị toàn quốc về logistics. Ảnh: Quang Hiếu. |
Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), hiện nay, chi phí vận tải đường bộ chưa phù hợp với thực tiễn do cạnh tranh không lành mạnh, giao dịch chủ yếu qua trung gian, chưa tối ưu hóa hoạt động kinh doanh của đơn vị vận tải. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho rằng, hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, tính kết nối hạn chế, đặc biệt là kết nối các trung tâm sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, các vùng nguyên vật liệu với cảng biển, cảng hàng không, cảng đường thủy nội địa thông qua hệ thống đường bộ và đường sắt. Đặc biệt, việc thiếu những cảng cạn, trung tâm logistics có quy mô và vị trí thuận tiện tại mỗi khu vực kinh tế trọng điểm để làm đầu mối trung chuyển hàng hóa ảnh hưởng đến việc tối ưu hóa hoạt động vận tải, đặc biệt là vận tải đa phương thức. Đây là rào cản lớn, điểm nghẽn đối với hoạt động vận tải làm tăng giá thành vận chuyển, giảm tính cạnh tranh của sản phẩm.
Cần doanh nghiệp trong nước lớn mạnh
Bên cạnh việc nâng cao năng lực vận tải, tính kết nối của hệ thống cơ sở hạ tầng, để hạ chi phí logistics cần phải thúc đẩy sự lớn mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực này. Thống kê của VLA cho thấy, số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics của nước ta khoảng 3.000 doanh nghiệp. Nếu tính cả doanh nghiệp có ngành nghề liên quan đến logistics, con số này lên đến gần 300.000 (số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính đến tháng 3-2018). Tuy nhiên, trong số này chủ yếu là doanh nghiệp quy mô nhỏ, với 90% có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng.
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA cho rằng, mặc dù năng lực của doanh nghiệp logistics Việt Nam hiện nay đã được nâng lên nhưng sự phối hợp và kết nối giữa các nhà cung cấp dịch vụ còn yếu. "Chúng tôi muốn xây dựng các hình thức hợp tác, thậm chí sáp nhập các doanh nghiệp với nhau để hình thành doanh nghiệp mạnh. Các doanh nghiệp có thể tăng cường phối hợp qua sàn giao dịch; tránh việc xe vận tải chỉ chở hàng một chiều, chiều về không có hàng. Sàn giao dịch đã hình thành nhưng tâm lý doanh nghiệp còn e ngại, tham gia chưa nhiều"-ông Lê Duy Hiệp chia sẻ.
Nhìn nhận doanh nghiệp Việt Nam có nhiều lợi thế, trong đó lợi thế lớn nhất là gần với chủ hàng, hiểu rõ đặc thù của thị trường, ông Phạm Minh Đức, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB tại Việt Nam gợi ý, doanh nghiệp trong nước cần phải tận dụng lợi thế so sánh đó. Thực tế, ngành logistics đòi hỏi quy mô vốn lớn và trình độ kiến thức cao, trong khi doanh nghiệp Việt Nam thiếu kiến thức, không chỉ về vận tải mà còn kiến thức quản trị, phương pháp lưu chuyển hàng hóa... "Muốn lớn mạnh, tự bản thân mỗi doanh nghiệp phải có tầm nhìn, quyết tâm, mong muốn trưởng thành. Cơ hội của ngành dịch vụ logistics ở Việt Nam rất lớn khi đất nước hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Để đón đầu cơ hội đó, doanh nghiệp nên sớm có kế hoạch đào tạo nhân lực"-ông Phạm Minh Đức bày tỏ.
Cả hệ thống vào cuộc để tạo chuyển biến
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phải nhận thức rõ gánh nặng chi phí, nhất là chi phí logistics, đang là một rào cản lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. “Chúng ta lo sản xuất trái cây, gạo, thiết bị máy móc... mà những dịch vụ chiếm tỷ lệ cao như dịch vụ logistics không giảm xuống thì nền kinh tế không thể cạnh tranh được”-Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng nhắc đến mục tiêu năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50-60%, xếp hạng chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên. Thủ tướng cho rằng, cần quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống để tạo chuyển biến tình hình dịch vụ logistics. Đặc biệt, xây dựng đội ngũ doanh nghiệp để làm tốt dịch vụ này. Cần có chương trình hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics hết sức cụ thể ở từng ngành, nhất là hai ngành GTVT và Công Thương với 5 nhóm nhiệm vụ chính, gồm: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics; hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics; nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ; phát triển thị trường dịch vụ logistics; đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực.
Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương tiếp thu ý kiến, khẩn trương giải quyết các kiến nghị của các hiệp hội, các doanh nghiệp vận tải, logistics, cắt giảm ngay các thủ tục không cần thiết. Đối với các địa phương, cần có quy hoạch và sử dụng quỹ đất thích hợp để xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa, dịch vụ hậu cần cảng, kết nối thuận tiện với mạng lưới giao thông quốc gia, các cảng cạn, từng bước tạo thành mạng lưới kết cấu hạ tầng logistics hiện đại. Các hiệp hội cần gắn kết giữa chủ hàng và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, tạo cơ sở cho doanh nghiệp logistics Việt Nam tham gia vào nhiều công đoạn trong chuỗi cung ứng với hàm lượng giá trị gia tăng ngày càng cao.
Trên cơ sở các ý kiến được nêu tại hội nghị, Thủ tướng giao Bộ GTVT, Văn phòng Chính phủ tiếp thu tối đa, trình Thủ tướng để ban hành chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hướng đến phát triển logistics Việt Nam ngang tầm khu vực và thế giới.
MẠNH HƯNG