Lo công suất thiếu hụt tại một số thời điểm
Khu vực miền Bắc là nơi có nhu cầu điện chiếm gần 50% toàn quốc. Năm 2022, với thực tế đại dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, các hoạt động thúc đẩy phục hồi kinh tế-xã hội được đẩy mạnh, dự báo một số địa phương có tốc độ tăng trưởng phụ tải đỉnh lớn là Vĩnh Phúc (16,6%), Phú Thọ (19,3%), Nghệ An (16,2%), Hưng Yên (15,9%), Thái Nguyên (13,5%). Đáng chú ý, vào mùa hè sẽ xuất hiện các đợt nắng nóng khiến phụ tải tăng cao đột biến. Dự báo phụ tải đỉnh hè năm 2022 sẽ tăng 12-15%, có thể đạt 16.500-16.950MW, tức là tăng thêm 2.000MW so với mùa nắng nóng năm 2021.
Dẫu nhu cầu điện tăng cao song theo Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), sự bổ sung nguồn điện mới so với năm 2021 tại miền Bắc chỉ xấp xỉ khoảng 1.000MW. Các nguồn điện mới bổ sung ở miền Trung và miền Nam (chủ yếu là năng lượng tái tạo) trong vài năm gần đây cũng chỉ hỗ trợ được một phần cho phía Bắc do công suất truyền tải qua đường dây 500kV bị giới hạn kỹ thuật ở mức bảo đảm an toàn và ổn định hệ thống. Ngoài ra, nhập khẩu điện từ Trung Quốc cũng bị hạn chế. Với tình hình nêu trên, EVNNPC dự báo trong các ngày nắng nóng cực đoan, miền Bắc sẽ thiếu hụt công suất đỉnh vào các khung giờ cao điểm buổi trưa (12 giờ-15 giờ) và cao điểm tối (21giờ-24 giờ).
 |
Ngành điện miền Bắc yêu cầu các đơn vị trực thuộc tăng cường trực quản lý vận hành nhằm bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định.
|
Liên quan tới tình hình cung ứng điện cho mùa nắng nóng tại khu vực miền Bắc, EVNNPC khẳng định, căn cứ khả năng cung ứng và sử dụng điện trong năm 2022, tổng sản lượng điện cả năm sẽ không thiếu. Việc bảo đảm cung ứng điện mùa hè năm 2022 sẽ được ngành điện miền Bắc nỗ lực thực hiện. Tuy nhiên, công suất sẽ thiếu hụt tại một số thời điểm; việc phải điều tiết phụ tải và công suất các giờ cao điểm trong các ngày nắng nóng cực đoan rất có thể xảy ra.
Để cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân, ông Nguyễn Đức Thiện, Tổng giám đốc EVNNPC cho biết, ngay từ đầu năm, các điện lực địa phương đã làm việc sớm với các khách hàng sản xuất để có kế hoạch sản xuất, cấp điện hợp lý nhất. Cùng với đó, để tránh tình trạng phải tiết giảm điện cho hộ sinh hoạt, đề nghị các khách hàng triệt để sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, các khách hàng lớn tích cực tham gia vào chương trình điều chỉnh phụ tải của tổng công ty.
Còn bà Đỗ Nguyệt Ánh, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVNNPC thông tin, nhu cầu phụ tải miền Bắc dự báo tăng trưởng rất mạnh mẽ. Trong khi đó, dù miền Trung và miền Nam thừa điện, song cấp điện tại miền Bắc rất căng thẳng. Để bảo đảm cấp điện cho khu vực miền Bắc, EVNNPC kiến nghị lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính toán phương án bảo đảm tối đa độ khả dụng nguồn điện cho miền Bắc.
Đề xuất cơ chế thúc đẩy nguồn năng lượng tái tạo ở miền Bắc
Nhấn mạnh tình hình cung cấp điện năm 2022 của khu vực miền Bắc dự báo sẽ rất căng thẳng, ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN cho biết, EVN đã chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản sản lượng điện tăng cao. Theo đó, EVN đã có giải pháp tích nước các hồ thủy điện lên mực nước cao nhất, nhất là các hồ khu vực miền Bắc để bảo đảm cấp điện mùa khô năm 2022; huy động tối ưu các nguồn miền Bắc, kết hợp tăng cường truyền tải tối đa từ miền Trung ra miền Bắc. Cùng với đó, EVN chỉ đạo các đơn vị bố trí lịch sửa chữa các tổ máy hợp lý, trong đó không thực hiện sửa chữa các nhà máy nhiệt điện khu vực phía Bắc trong các tháng 5, 6, 7 năm 2022 để tăng cường thêm công suất khả dụng nguồn điện khu vực miền Bắc.
Về lâu dài, với tinh thần tìm mọi giải pháp khắc phục các khó khăn về cung cấp điện ở khu vực miền Bắc, EVN cho biết đã báo cáo Chính phủ và các bộ, ngành đề xuất sớm có cơ chế phát triển nhanh nguồn năng lượng tái tạo ở khu vực miền Bắc nhằm tránh nguy cơ thiếu điện. Trong đó, đến năm 2025 đưa vào vận hành thêm khoảng 5.500MW nguồn điện năng lượng tái tạo (gồm 4.000MW điện gió và khoảng 1.500MW điện mặt trời kèm theo hệ thống lưu trữ phù hợp để đáp ứng nhu cầu công suất trong các giờ cao điểm).
Theo EVN, trong bối cảnh nguồn điện khu vực phía Bắc đang có nhiều khó khăn, việc đề xuất cơ chế phát triển nhanh các nguồn năng lượng tái tạo ở khu vực miền Bắc cũng cần được xem xét là một trong những giải pháp phù hợp. Đồng thời, đề xuất này cũng theo đúng chủ trương của Đảng và Chính phủ về việc khuyến khích thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo và thực hiện đúng tinh thần cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) như Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố.
Bài và ảnh: VŨ DUNG